Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 11): Những chiếc rìu chiến lưỡi xéo

17/04/2025 06:53 GMT+7 | Văn hoá

Hãy cùng nhắc lại một câu chuyện theo trí tưởng tượng từ số trước. Trước mắt tôi là đội quân hơn 300 chiến binh Đông Sơn - những người được nhận diện qua các di tích mộ táng và qua hình khắc, tượng nặn của các nghệ nhân chế tác đồ đồng Đông Sơn. Họ xuất hiện khi thì trên thuyền, khi thì hành quân bộ, thi thoảng cưỡi voi trận hoặc sánh bước bên những chiến mã.

1. Từ kho tư liệu này, có thể thống kê được các loại vũ khí mà chiến binh Đông Sơn thường sử dụng. Trong đó, nhóm vũ khí chặt, bổ, cán ngắn, dùng một tay như rìu, qua chiếm tỷ lệ áp đảo, khoảng 60%. Các loại vũ khí đâm xiên như giáo, lao chiếm khoảng 30%. Phần còn lại gồm dao găm, kiếm và cung nỏ.

Trong bài hôm nay, tôi sẽ nói đến loại rìu chiến Đông Sơn rất tập trung trong vùng sông Mã, sông Chu. Đó là rìu chiến lưỡi xéo.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 11): Những chiếc rìu chiến lưỡi xéo - Ảnh 1.

Rìu chiến lưỡi xéo Đông Sơn với bản mặt chính là hai tầng người chèo thuyền. Bên dưới là người không hóa trang, tầng trên gồm những người đội mũ lông công. Trên họng rìu là hai tiểu giao long cong đuôi, đối xứng như hình con tôm (sưu tập CQK, California, Mỹ)

Rìu lưỡi xéo nói chung ám chỉ loại công cụ chặt bằng đồng có họng tra cán, với phần bản lưỡi không cân đều sang hai bên mà lệch về một phía. Dễ nhận ra đầu rìu vuốt nhọn hất lên và đuôi rìu phồng cong, tạo đường lưỡi không thẳng mà cong lưỡi liềm. Kiểu phân chia đầu đuôi rõ ràng này rất gần với phân chia của rìu mũi hài được bàn đến trong bài tuần trước.

Do tỷ lệ cao xuất hiện ở vùng sông Mã, sông Chu và lan ra vùng đất lúa đồng bằng thấp sông Hồng, Đáy nên khi phân vùng, nhiều nhà khảo cổ học đã coi chúng đặc trưng cho loại hình Đông Sơn Cửu Chân xưa, hay xứ Thanh ngày nay.

Rìu chiến phát triển từ loại hình rìu lưỡi xéo này khác với rìu chiến mũi hài sông Hồng còn ở chỗ thường trang trí ở cả hai mặt bản lưỡi. Cách nhận ra mặt chính vẫn là thuận cầm tay phải, hướng mũi rìu về phía trước và bản mặt hướng về phía chủ nhân. Mặt hướng ra ngoài được coi như mặt phụ. 

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 11): Những chiếc rìu chiến lưỡi xéo - Ảnh 2.

Một số kiểu rìu chiến Đông Sơn loại hình lưỡi xéo. Bản mặt chính hướng về phía chủ nhân thường thể hiện đoàn người hóa trang nhảy múa. Sưu tập CQK, California, Mỹ

Một đề tài luôn được trang trí trên hai mặt phần họng rìu chiến loại này là cặp đôi tiểu giao long cong đuôi như hình con tôm đối xứng. Trên phần bản lưỡi, nội dung trang trí thường thấy nhất là đoàn chiến binh hóa trang từ hai đến 5 người nhảy múa, đôi khi có người cầm cung nỏ đi trước, người thổi khèn đi sau. Cũng có khi thấy cảnh đôi hươu hay cảnh thuyền cong lưỡi liềm, có người ngồi chèo bên trên. Các cảnh trang trí đó được bo khung bởi một viền cong lượn chạy song song với lưỡi rìu.

2. Chiếc rìu chiến lưỡi xéo được coi là có đề tài trang trí độc lạ nhất của loại này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (Kim Bôi, Hòa Bình).

Rìu chiến này được những người thợ hút cát sông Lô phát hiện và hiến tặng cho bảo tàng. Có lẽ nó thuộc mộ táng của một thủ lĩnh quân sự kiêm pháp sư (shaman) đã lở xuống sông, như tình trạng những mộ táng Đông Sơn, Đào Thịnh bên bờ lở sông Mã, sông Hồng năm xưa.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 11): Những chiếc rìu chiến lưỡi xéo - Ảnh 3.

Đề tài pháp sư hành lễ trên lưng voi trong tiếng khèn ma mị thể hiện trên thân một trống đồng Đông Sơn Tây Âu (hình trên, bản rập hoa văn trống Mai Xuân Trường, Hà Nội), được lặp lại trên bản mặt phụ của một rìu chiến lưỡi xéo (hình dưới bên trái, sưu tập Bảo tàng Phạm Huy Thông, Kim Bôi, Hòa Bình). Bản mặt chính (hình dưới bên phải) gồm bốn vũ công: Người đi đầu cầm nỏ, người thứ hai ôm khèn, hai người sau cùng giơ tay múa

Nước đã bào mòn gần hết lớp ô xy hóa, khiến hoa văn không còn sắc nét nữa. Tuy nhiên, các họa tiết chính vẫn dễ dàng nhận ra. Trên phần họng tra cán vẫn là hình quen thuộc của hai cặp tiểu giao long cong đuôi như hình tôm đối xứng.  

Nghiên cứu thực nghiệm khi tra cán cho những lưỡi rìu xéo thì phần lưỡi tác động mạnh vào đối phương chính là phần phồng cong ở phía gót rìu, điểm thẳng với họng tra cán của lưỡi rìu. Phần cán rìu bằng gỗ thường ngắn, tương ứng độ dài cánh tay chủ nhân, có trục gần vuông góc với họng rìu. Cán có thể làm bằng một đoạn gốc tre nhỏ hay cành cây dẻo như ổi, có độ cong bám rễ gấp tương ứng.

 Với những rìu chiến như vậy, cự ly gây sát thương cho đối phương chỉ trong vòng hai tầm với của cánh tay chiến binh. Kiểu sử dụng rìu này thường gắn với một chiếc khiên/ mộc đỡ cầm bên tay trái. Những chiến binh cầm rìu chiến và qua thời Đông Sơn đều sử dụng loại tay cầm ngắn trong khoảng 70 - 80cm. 

"Với những rìu chiến như vậy, cự ly gây sát thương cho đối phương chỉ trong vòng hai tầm với của cánh tay chiến binh" - TS Nguyễn Việt.

(Còn tiếp) 

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm