Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 10): Vũ khí Đông Sơn - chặt, bổ, đâm

10/04/2025 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Dàn quân trước mặt tôi đang là trên 300 chiến binh Đông Sơn. Họ được nhận diện từ các mộ táng, từ các hình khắc và nặn của thợ chế tác đồ đồng Đông Sơn, khi thì trên thuyền, khi thì trên bộ - và thảng hoặc lắm thấy họ trên lưng voi trận hay bên cạnh những chú ngựa.

1. Thống kê từ khối tư liệu này có thể nhận ra những vũ khí chiến binh Đông Sơn thường dùng, trong đó tỷ lệ rất cao (60%) rơi vào vũ khí chặt bổ, cán ngắn, dùng một tay như rìu, qua. Ngoài ra, vũ khí dùng để đâm xiên như giáo, lao chiếm 30%. Số còn lại là dao găm, kiếm và cung nỏ.

Bài hôm nay sẽ tập trung vào số chiến binh mang vũ khí phổ biến nhất: rìu và qua.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 10): Vũ khí Đông Sơn - chặt, bổ và đâm - Ảnh 1.

Một trong số rìu chiến Đông Sơn được trang trí đẹp nhất (hình trái, sưu tập M. Clean) và hình ở giữa là lô rìu, giáo chiến binh bình dân Đông Sơn sử dụng trong trận chiến ở Suối Tép (Đồng Tâm, Lạc Thủy, Hòa Bình). Hình bên phải lấy từ trang Ancient World Explore gợi nhớ chiếc sọ cắm ngập rìu Đông Sơn ở Suối Tép. Chiếc rìu đó chuyển đến một nhà sưu tập ở Tràng An, Ninh Bình đến nay chưa tìm lại được

Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa nhiều sử gia Trung Quốc đã có ý phân định tộc Việt với các tộc khác bằng chữ "rìu", được chép trên văn tự khắc trên mu rùa (giáp cốt) đời Thương, Chu ba, bốn ngàn năm trước. Tư liệu khảo cổ dường như rất ủng hộ quan niệm này với sự tồn tại rất phổ biến loại hình chặt bổ bằng đá (rìu, bôn, xẻng…) trong mộ táng cũng như trong các tầng văn hóa cư trú từ khoảng 5.000 - 6.000 năm trở lại đây. Chúng được chọn từ các phiến đá tự nhiên, ghè đẽo, cưa cắt, mài chuốt ở lưỡi hay toàn thân, tạo thành những lưỡi sắc đem tra cán, dùng trong lao động hàng ngày và có thể đối chọi với thú dữ hay kẻ địch.

Đa phần những lười rìu chặt bổ bằng đá phát hiện ở Việt Nam chế từ đá basalt và nephrite, có hình chữ nhật được buộc, gắn nhựa dính vào các cán bằng tre gỗ. Để tiện tra cán, các vết ghè tạo "vai" đã xuất hiện sớm từ văn hóa Hòa Bình trên 10 ngàn năm trước, dần định hình thành các loại vai, khấc trên các công cụ đá chặt, bổ hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí 4000 - 3000 năm trước. Từ đó, bên cạnh dạng hình chữ nhật còn có những rìu bôn đá mài dạng đốc nhỏ tạo vai, khấc, ghi dấu ấn đặc trưng tộc người rất độc đáo.

Tôi có ý dẫn dắt xa hơn một chút để giúp bạn đọc dễ hiểu hơn về tính truyền thống và đa dạng trong bộ vũ khí chặt, bổ Đông Sơn, như một vũ khí thiết yếu phổ biến nhất đương thời.

Gần đây tôi thường xuyên qua lại vùng Suối Tép - một địa danh heo hút nằm trên trục đường núi từ Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) qua Đá Hàn (Gia Hân, Gia Viễn, Ninh Bình) sang Trường Yên hay Nho Quan. Nơi đây cách hang Đồng Nội không xa, được xác định như một bãi chiến trường thời Đông Sơn khi phát hiện nhiều rìu giáo và xương cốt người, trong đó có một chiếc sọ còn đang ghim chặt một lưỡi rìu Đông Sơn.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 10): Vũ khí Đông Sơn - chặt, bổ và đâm - Ảnh 2.

Một số rìu chiến Đông Sơn kiểu rìu mũi hài với hình trang trí ổn định: Khung trám lồng, chó săn hươu và thuyền chở người dang tay hô hoán. (Hình trên trong sưu tập CK, California, Mỹ. Hai hình dưới sưu tập tư nhân Hà Nội)

Trong một chuyến điền dã, tôi đã gom nhặt trong bãi chiến trường hai chục lưỡi rìu đồng Đông Sơn và một vài mũi giáo đồng. Đây chỉ là những lưỡi rìu bình thường, như dụng cụ cắt chặt hàng ngày vẫn thấy nguyên cán trong các mộ thân cây khoét rỗng gần đó. Khi chiến đấu, chúng đã nhanh chóng trở thành vũ khí. Bài này và những bài tiếp theo sẽ không bàn nhiều về những rìu thông dụng đó, mà tập trung phân tích những lưỡi rìu chiến chuyên biệt dùng cho các chiến binh hay thủ lĩnh quân sự đương thời.

2. Trước tiên, hãy nói về rìu mũi hài. Đây là một loại rìu chiến tiêu biểu nhất trong văn hóa Đông Sơn. Rìu phổ biến ở vùng trung du sông Hồng, gắn liền với những thủ lĩnh Tây Âu - Lạc Việt. Điểm dễ nhận ra của loại rìu này là bản rìu và đốc tra cán tạo hình như một chiếc giày, mũi nhọn hất lên khiến nhiều nhà nghiên cứu dùng thuật ngữ "mũi hài" để phân định chúng với những rìu chiến khác. Chiếc mũi rìu hất cao điển hình nhất của loại rìu chiến này hiện đang trưng bày tại Geneva, thuộc sưu tập bảo tàng Barbier - Mueller (Thụy Sĩ).

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 10): Vũ khí Đông Sơn - chặt, bổ và đâm - Ảnh 3.

Rìu hài phong cách miền núi Hòa Bình (hình trái, sưu tập bảo tàng Phạm Huy Thông, Hòa Bình) và biến thể hòa nhập với phong cách rìu lưỡi séo vùng sông Mã/ Chu (Thanh Hóa) (Bản rập của Trung tâm tiền sử Đông Nam Á từ sưu tập CK, California, Mỹ)

Điểm đặc biệt nữa của rìu chiến loại này là ở phần trang trí trên một bản mặt rìu, khi cầm rìu tay phải sẽ luôn hướng về phía trong. Phần trang trí này đã đạt mức chuẩn hóa, gồm một khung hình trám lồng, phỏng theo dáng bản lưỡi rìu ôm lấy đề tài chó săn hươu. Trong đó có hình một hay vài con chó chặn đầu sủa về phía một hay vài con hươu có sừng to đối diện. Trên phần đốc tra cán tiếp nối với bản lưỡi rìu là vị trí thường thấy của một chiếc thuyền chở người và chó như đang tham gia cuộc săn hươu đang diễn ra trên bờ.

Những rìu này cũng thường thấy chiến binh Đông Sơn cầm múa trên thuyền chiến trong lễ hội mà luôn được các nghệ nhân đúc đồng thể hiện trên trống, thạp lớn. Một tượng thủ lĩnh nam làm cán dao găm Đông Sơn được đúc theo phong cách dao găm Quả Cảm, trưng bày tại nhà hàng Trống Đông Sơn (Hà Nội) đang hùng dũng vác trên vai một cây rìu loại mũi hài này.

Tác động qua lại giữa các loại hình rìu chiến cũng thấy rõ, trong đó sự chuyển hóa dễ thấy là hai loại rìu chiến Đông Sơn vùng sông Mã/ Chu và sông Hồng.

Trong những bài sau tôi sẽ tiếp tục "rì rầm" cùng bạn đọc về các loại rìu chiến và vũ khí khác tiêu biểu cho nghệ thuật vũ khí của quý tộc và thủ lĩnh quân sự, chiến binh cao cấp Đông Sơn. Đó là rìu lưỡi xéo; rìu búa xòe cân; rìu hình chữ nhật; vũ khí hình thuổng; vũ khí hình "lưỡi cày"; giáo lao; các loại qua; kiếm; cung nỏ.

(Còn tiếp)

"Trong một chuyến điền dã, tôi đã gom nhặt trong bãi chiến trường hai chục lưỡi rìu đồng Đông Sơn và một vài mũi giáo đồng. Đây chỉ là những lưỡi rìu bình thường, như dụng cụ cắt chặt hàng ngày vẫn thấy nguyên cán trong các mộ thân cây khoét rỗng gần đó" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm