11/11/2022 08:31 GMT+7 | World Cup 2022
World Cup 2022 là bài học, World Cup 2026 là cú hích, và World Cup 2030 là mục tiêu. Đó là lộ trình cho bóng đá Việt Nam, sau đại hội VFF khóa 9.
Lịch thi đấu | Kết quả | Bảng xếp hạng
1. Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã hơn một lần tiếp cận sân chơi World Cup. Đầu tiên là đội tuyển futsal đã hai lần dự VCK Futsal thế giới, và thậm chí vượt qua vòng bảng. Đội U20 lứa Quang Hải cũng giành quyền dự VCK U20 thế giới 2017. Và mới đây nhất, Huỳnh Như cùng đồng đội cũng đã xuất sắc giành vé dự World Cup bóng đá nữ 2023.
Nhưng thước đo chính xác nhất của một nền bóng đá là thành tích ở cấp độ ĐTQG nam. Và về mặt này thì World Cup vẫn chỉ là một giấc mơ. Dù sở hữu lứa cầu thủ hay nhất từ trước tới nay, và một HLV giỏi nhất, phù hợp nhất kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại, chúng ta cũng chỉ lọt vào đến vòng loại thứ ba khu vực châu Á. Tất nhiên, 4 điểm giành được – trong đó có mốc son là chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc đúng dịp Tết Nguyên Đán - rất đáng trân trọng. Nhưng rõ ràng, so với các đội hàng đầu châu Á, chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Thế hệ hiện tại đã dạn dĩ hơn rất nhiều so với lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức khi xưa. Họ không còn tâm lý chỉ biết học hỏi, cọ xát khi bước ra sân chơi châu lục, mà sẵn sàng ăn thua. Nhưng khoảng cách trình độ thì mới chỉ được thu hẹp, chứ chưa thể san lấp. Bằng chứng: 9/10 trận ở vòng loại thứ ba, đội tuyển Việt Nam nhập trận với tư tưởng "xe bus nhiều tầng" (trừ trận gặp Trung Quốc ở Mỹ Đình), và đó không hẳn là ý đồ tiêu cực mà đơn giản, thầy Park chẳng có lựa chọn nào khác khi đối phó với các đội mạnh hơn hẳn.
2. Trở lại với lộ trình mà VFF đặt ra trong nhiệm kỳ tới là "lọt vào Top 10 châu Á, cạnh tranh vé dự VCK World Cup 2026, và đặt mục tiêu tham dự World Cup 2030". Đây có phải một lộ trình phù hợp? Chúng ta đang thực tế, hay ảo tưởng?
Sự thay đổi về số đội dự VCK World Cup rõ ràng mang tính bước ngoặt về cơ hội góp mặt ở sân chơi lớn nhất hành tinh cho các nền bóng đá trung bình. Với việc thay đổi số đội dự VCK từ 32 lên 48 sẽ giúp châu Á có 8 suất thay vì 4,5 suất như vừa rồi. Đây là cơ sở để Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và thậm chí là… Campuchia đã lấy World Cup làm tầm ngắm cho những kế hoạch phát triển của mình.
Căn cứ vào cục diện ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, có thể thấy nhóm 4 đội hàng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Ả rập Xê út đang mạnh hơn hẳn ở mặt bằng châu lục. Ở nhóm tiếp theo, Úc, UAE, Iraq, Oman, Qatar vẫn nhỉnh hơn Việt Nam. Như thế, nhiệm vụ của chúng ta sẽ là phải vượt qua những Uzbekistan, Syria, Lebanon, Trung Quốc, để cạnh tranh 4 suất còn lại với nhóm trên. Đó cũng là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh HLV Park Hang Seo không còn dẫn dắt ĐT Việt Nam nữa, và thế hệ Công Phượng, Quang Hải dần bước sang tuổi băm.
Dù sao thì đó mới chỉ là lộ trình vạch ra. Để hoàn thành lộ trình ấy đòi hỏi một cách làm căn cơ, hợp lý. Trước mắt là sẽ phải tìm một HLV đủ tầm cỡ cho những tham vọng mới, nhưng phải phù hợp, và thực sự am hiểu bóng đá Việt Nam. Để giấc mơ World Cup không phải chờ đợi đến năm 2030!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất