Sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn trở lại tái ngộ khán giả Hà Nội

06/11/2021 21:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp nối sự thành công của hàng chục vở diễn tạo cơn sốt vé, sau đợt giãn cách, sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn trở lại tái ngộ khán giả Thủ đô với 4 vở diễn liên tiếp trong tháng 11 này.

Nghệ sĩ múa Lê Ngọc Văn: Dựng được 'Hồ thiên nga' là tham vọng nghệ thuật lớn với mọi đoàn múa

Nghệ sĩ múa Lê Ngọc Văn: Dựng được 'Hồ thiên nga' là tham vọng nghệ thuật lớn với mọi đoàn múa

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, vở ballet Hồ thiên nga đã được biểu diễn trong lễ kỷ niệm tối 7/10 và sẽ công diễn vào ngày 12-13/10 này.

Sân khấu “hồi sinh” sau ngày dài giãn cách

Sau một thời gian “đóng cửa” do dịch bệnh Covid-19, sân khấu 2 miền đã rục rịch sáng đèn trở lại để phục vụ khán giả. Trên trang fanpage và poster sân khấu Lệ Ngọc chính thức thông báo lịch tái ngộ khán giả Thủ đô với liên tục các vở diễn: Thị Nở - Chí Phèo, Làm vua, Dế Mèn, Nước mắt của mẹ

Vốn là sân khấu xã hội hoá đầu tiên tại miền Bắc, sân khấu Lệ Ngọc của NSND Lệ Ngọc từ lâu được đánh giá là ăn khách nhất nhì sân khấu kịch phía Bắc, cứ ra vở là cháy vé.

Đơn cử như vở Dế Mèn, vở Làm vua được dựng và công chiếu đầu năm 2021. Sau khi công chiếu, 2 vở diễn này trở thành “hiện tượng” sân khấu. Chỉ sau 10 ngày công diễn với hơn 20 đêm diễn liên tục không một hàng ghế trống. Dế Mèn được cả người lớn và trẻ em đón nhận nồng nhiệt bởi sự đầu tư công phu, tỉ mỉ. Vở kịch hội tụ đa dạng các loại hình nghệ thuật: kịch nói, múa rối, cải lương, nhạc vũ kịch.

Chú thích ảnh
Vở kịch "Dế Mèn" phóng tác từ "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài

Vốn được xem là vở kịch lấy chất liệu cảm tác từ lịch sử xong Làm vua ánh lên màu sắc của một tác phẩm hài hòa giữa lịch sử và nghệ thuật. Kịch bản của tác phẩm được chấp bút bởi Tiến sĩ Đăng Chương, đạo diễn “phù thủy” Lê Quý Dương. “Làm vua” mang lên sân khấu chuyện xưa, nhưng bằng cách kể của đương đại.

Cái khó của những vở hơi hướm lịch sử, sẽ khó để hấp dẫn và thời cuộc, thế nhưng vở Làm Vua được thực hiện lại không rập khuôn, không gây nhàm chán. Vở Làm vua hấp dẫn từ sự kết hợp chặt chẽ giữa tính huyền thoại sử thi ngôn ngữ dàn dựng hiện đại, hiệu ứng âm thanh ánh sáng độc đáo tạo nên một tổng thể hài hoà, cuốn hút.

NSND Lệ Ngọc cho biết, một năm sân khấu vẫn dựng từ 3 đến 5 vở. Năm 2021 chống dịch đầy khó khăn, sân khấu bà vẫn dựng thành công hơn 6 vở phục vụ khán giả khắp cả nước. Và trong bối cảnh dịch, bà lo ngại vấn đề khách quan chứ không sợ không có khán giả, bà tin chắc rằng sân khấu Lệ Ngọc ra vở nào sẽ cháy vé vở đó.

Trong tình hình dịch Covid-19, NSND Lệ Ngọc tự tin khẳng định bản thân không lạc quan thái quá vì biết mình đang đi đúng hướng.  

Khắt khe từ khâu lựa diễn viên, chọn kịch bản

Giữa sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí, nghệ thuật. Sân khấu muốn thu hút khán giả ắt hẳn phải hiểu thị hiếu người thưởng thức. Giống như cách nói của NSND Lệ Ngọc, món ăn đó phải được bày biện đẹp mắt và đồ ăn phải chất lượng. Với kinh nghiệm hơn 43 năm làm công tác quản lý, NSND Lệ Ngọc hiểu khán giả đang mong chờ điều gì từ mình.

Theo bà, vở “Thị Nở - Chí Phèo” dù đã làm hơn 200 đêm diễn mà khán giả vẫn đòi xem. “Vở cứ ra là cháy vé. Tôi vẫn thấy sân khấu hút khách. Mọi người hỏi tôi vì sao cháy vé, tôi đùa rằng: Mỗi người đến xem đều được đưa tiền đi taxi và về ăn phở”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ.

Chú thích ảnh
NSND Lệ Ngọc thể hiện nét diễn duyên dáng, tài tình khi thể hiện Thị Nở trong vở "Thị Nở- Chí Phèo"

Công thức hút khách tại sân khấu Lệ Ngọc đến từ sự đa dạng và phong phú trong các chủ đề không khu biệt đối tượng khán giả. Đơn cử như “Dế Mèn”, “Thị Nở - Chí Phèo” là vở lấy từ chất liệu văn học, “Làm vua” lấy từ chất liệu sử học, "Sự tích Bà Chúa Ba" chất liệu sử thi, “Cuộc chiến COVID” lấy chất liệu từ thời cuộc đương đại, bám sát những vấn đề của cuộc sống; vở "Sự tích Bà Chúa Ba" (tác giả: Lệ Dung, đạo diễn NSND Lê Hùng) lại nói về đề tài lịch sử tâm linh…

Tựu chung, các vở diễn toát lên tinh thần “dấn thân” của một đơn vị sân khấu tư nhân có phần sinh sau nở muộn. Giới chuyên môn đánh giá cao sự bứt phá của một sân khấu xã hội hoá phía Bắc dám vươn mình ra ngoài khuôn khổ truyền thống, cố hữu lâu đời.

Bên cạnh đó, NSND Lệ Ngọc tôn sùng giá trị nghệ sĩ “độc tôn”. Bà “nghiêm ngặt” và khó tính trước yêu cầu tuyển chọn diễn viên cho vở của sân khấu mình. “Diễn viên của tôi rất mộc mạc không bị làm màu mè, diễn rất chân thật, ít có nét diễn truyền hình vì tôi đào tạo rất kỹ lưỡng. Tôi không ủng hộ diễn viên của mình diễn truyền hình vì muốn giữ lửa cho sân khấu. Diễn viên sân khấu không lai diễn viên truyền hình, kịch nói là tiếng nói của sân khấu”, NSND Lệ Ngọc cho hay.

Quan điểm của bà khi chọn diễn viên phải đậm đặc kịch nói, vì kịch nói phải tròn vành rõ chữ, thể hiện một cách bản lĩnh, trí tuệ khi đứng trực tiếp trước đám đông, khác với các con đi diễn phim trên truyền hình được quay nhiều lần, được sửa công nghệ, đấy là sức hút của sân khấu vì được tiếp xúc trực tiếp với khán giả vì thấy họ khóc, cười.

Bên cạnh đó, sân khấu Lệ Ngọc cũng mạnh tay đầu tư vào những thủ pháp dàn dựng mới, điều này không chỉ phù hợp với thị hiếu thưởng thức của khán giả phía Bắc mà còn dễ dàng chiếm tình cảm của khán giả phía Nam.

Đánh giá được tầm quan trọng của khâu truyền thông sân khấu, nên bà trùm sân khấu phía Bắc đã rất chú trọng đến công tác truyền thông và đặc biệt là chế độ hậu mãi. Bên cạnh những vở diễn, NSND Lệ Ngọc thường xuyên tổ chức hoạt động bên lề như vẽ tranh, dạy diễn xuất, kể chuyện… để tăng sự tương tác với đối tượng khán giả của sân khấu. Bởi vậy mới có chuyện vở diễn cho thiếu nhi nhưng lại được lòng cả phụ huynh. “Tấm Cám, Cây tre thần, Cây tre trăm đốt, Dế Mèn.. nhiều khán giả lớn tuổi họ nói với tôi họ còn thích hơn trẻ con!”, bà chia sẻ.

Sự thành công của một sân khấu có tuổi đời non trẻ một phần đến từ yếu tố người lãnh đạo. Không thể không kể đến đóng góp quan trọng của nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc sản xuất, chỉ đạo nghệ thuật của hàng loạt vở diễn gây sốt tại sân khấu Lệ Ngọc. Ông cũng gây ấn tượng mạnh khi có duyên với vai diễn “làm vua”. Sự tinh quái ở nghệ sĩ Văn Hải bên cạnh lối diễn là vai trò sản xuất. Trong cách chọn vở diễn, ông luôn khó tính. Tiêu chí chọn vở sẽ là những gì thuần Việt nhất. Nghệ sĩ Văn Hải cho rằng, vở thuần Việt là bản sắc văn hoá cái cốt lõi của sân khấu Việt Nam: “Tôi sẽ chọn vở thuần Việt. Bởi vì tôi hay đem những vở diễn đó sang quảng bá tại nước ngoài. Tôi tự thấy mình là một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, tôi thích làm không vì tiền tôi làm vì đam mê!”

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc sản xuất, chỉ đạo nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc

Những vở diễn tại sân khấu Lệ Ngọc mang sức nặng của nghệ thuật truyền thống và văn hóa dân tộc, của sự sáng tạo và cộng hưởng giữa những giá trị xưa và nay. Chính vì vậy, vở Thị Nở - Chí Phèo trở thành tác phẩm kinh điển của sân khấu Lệ Ngọc chinh phục trái tim của khán giả trong và ngoài nước qua vài trăm đêm diễn vẫn cháy vé đến khó tin.

Cuối năm 2019, Sân khấu Lệ Ngọc bắt đầu đưa nghệ thuật kịch Việt Nam đến trời Âu với đêm diễn Thị Nở - Chí Phèo đầu tiên tại nhà hát GHIONE nước Ý. Không ồn ào và mãnh liệt, vở Thị Nở - Chí Phèo nhẹ nhàng đi vào trái tim khán giả Ý.

Với sự tự tin, hai vở Thị Nở - Chí Phèo Làm vua hiện tại đang được sân khấu Lệ Ngọc đem tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hoá, Thể thao Du lịch, Hội nghệ sĩ sân khấu tổ chức tại Hải Phòng. Các vở diễn ăn khách như Dế Mèn, Nước mắt người mẹ cũng được khai thác tại sân khấu Lệ Ngọc trong tháng 11 tới đây tại Thủ đô.

Có thể khẳng định, thành công của một sân khấu xã hội hoá hàng đầu miền Bắc là minh chứng cho việc thích nghi và đổi mới sẽ là hướng đi lâu dài mà các sân khấu kịch phải tính toán. Trong đó bày biện món ngon chính là yếu tố hấp dẫn khiến người thưởng thức khó chối từ. Đó là cách duy nhất để sân khấu luôn sáng đèn. 

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm