Nhạc sĩ Minh Tuấn & câu chuyện từ… trại tị nạn

12/09/2012 13:19 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Học đàn và lập ban nhạc tại một trại tị nạn ở Hong Kong, trở về nước làm thợ mộc, buôn phụ tùng xe đạp và cả thợ… xăm mình – ngần ấy thông tin là khá đủ về cuộc sống của Minh Tuấn, trước khi người ta biết đến anh với tư cách một nhạc sĩ…

Đêm nhạc Tiếng gáy thời gian của Minh Tuấn (ảnh) sẽ diễn ra vào tối 21/9 tới đây tại Sum Villa (số 10 Đặng Thai Mai, Hà Nội). Nói cho đúng, việc tổ chức là do những người bạn của anh: ca sĩ Thái Thùy Linh, nghệ sĩ guitar Tuấn Khang và cả nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đứng ra đảm nhận. Tuấn chỉ hát những ca khúc của mình. Hoặc, có góp sức thêm thì đó là phần  ý tưởng về tấm poster của chương trình, trong đó khuôn mặt của anh được cách điệu theo bộ dạng đầu bếp của hãng… gà rán KFC nổi tiếng.

“Từ lúc sáng tác Tiếng gáy thời gian, người ta gọi tớ là Tuấn “gà”! Thế là tên mình “chết cứng” lại ở hai chữ ấy luôn” – Tuấn giải thích rồi cười.


1. Tuấn sinh năm 1977, quê Hải Phòng. Theo cách nghĩ của nhiều người, đàn ông ở thành phố Hoa phượng đỏ là điển hình rõ nhất của dân vùng biển: thoáng tính, phóng khoáng, thậm chí có đôi chút ầm ĩ bốc đồng…

Tuấn thì không ầm ĩ. Ngồi với cánh báo chí tại quán cà phê của Tuấn Khang, anh nói ít, chậm rãi và có phần dè dặt khi nói về quãng đời đã qua của mình. Xen lẫn khoảng lặng giữa câu chuyện là những hơi thuốc dài, rít thật sâu. Tuấn Khang đỡ lời: “Nó lành lắm. Chơi thân với nhau, tôi và Thái Thùy Linh tình nguyện đứng ra làm đêm nhạc mà cũng e dè”. Rồi anh quay sang: “Thôi, hát đi Tuấn”.

Khi cầm đàn và hát, dường như Tuấn mới thật sự giống với cái vẻ bụi bặm bên ngoài. Anh hát say sưa những ca khúc của mình: Chồi xuân, Chiếc xe đòn, Rời tổ, Phố trầm, Miền Cổ Am…  Lời ca đẹp, mượt mà, giản dị, đôi chỗ dừng lại với những khoảng lặng để Tuấn “phiêu” theo cảm hứng của mình.

Giữa những ca khúc, Tuấn Khang hào hứng đóng vai MC: “Bài này, nó viết khi làm nghề xăm mình. Một người ra tù, đến bẽn lẽn nhờ nó sửa hình bàn cờ giữa lưng thành hình… giàn nho. Thế là nó hình dung tới cảnh con người khốn khổ ấy trong tù phải nhẫn nhục chống tay quỳ sấp để các đại ca cao hứng… thi triển các quân xe, pháo, mã trên lưng”. Hoặc: “Bài này nó viết khi có đại dịch cúm gà. Tự dưng lại đa sầu đa cảm nghĩ tới cảnh một lúc nào đó, loài người sẽ ngơ ngác khi trên thế giới không còn một tiếng gà gáy nào nữa…”.

Rồi, Tuấn cũng chịu kể câu chuyện về bài Em là ai của mình. Đó là lần một người bạn khiếm thị hỏi anh: “Mày thấy con bé mà tao đang thích có xinh không? Mặt mũi nó trông thế nào?” Tuấn thương bạn, suy nghĩ rồi thử… làm người mù một phen. Anh nhắm chặt mắt, lần mò theo con ngõ nhỏ để thử tìm ra đường. Vấp ngã dăm lần, những câu nhạc vang dần và thành hình trong đầu Tuấn…

Bạn bè nhận xét: Tuấn chớp bắt các hình ảnh rất nhanh với những ý tưởng lạ và sự hài hước hiếm có. Phải chăng, đó là chút năng khiếu trời cho đối với một người gặp khá nhiều lận đận như anh?

2. Những năm 1980, tàu vượt biên sang Hong Kong đều xuất phát từ vùng Hải Phòng, Quảng Ninh. Năm 11 tuổi, Tuấn và gia đình cũng theo dòng người ấy. 6 lần đầu đều hỏng, tiền bạc tiêu tán sạch. Lần thứ 7, chuyến tàu chở gia đình Tuấn mới trót lọt. Để rồi sang tới nơi, hoàn cảnh đã thay đổi. Đa phần, những thuyền nhân vượt biển không được các nước thứ ba tiếp nhận và chỉ còn cách quay về.

Bốn năm trời vật vờ ở trại tị nạn Hong Kong để lại trong Tuấn nhiều kỉ niệm.  Không được bước chân ra ngoài, 2.000 con người trong khu tị nạn chỉ còn cách đếm thời gian cho nguôi ngoai. Rồi rủ rỉ nói chuyện. Rồi dõi mắt theo hướng biển về phía quê nhà. Tuấn quen một người bạn khiếm thị nhưng chơi guitar khá giỏi. Chút kiến thức “giắt lưng” về âm nhạc, anh bắt đầu có từ đấy. Rồi tiếp theo là một ban nhạc 4 người được Tuấn và bạn bè thành lập. Mục đích: biểu diễn miễn phí các ca khúc nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, rồi cả ABBA, Boney trong lúc chờ thời gian qua đi.

Năm 1992, Tuấn về nước. Ngày đầu tiên, anh ngã lên ngã xuống để tập lại cách đi xe đạp. Ngày thứ hai lập tức là những vòng xe lăn bánh khắp Hải Phòng cho thỏa nỗi nhớ nhà. Xúc cảm phút giao mùa – ca khúc đầu tiên của Tuấn ra đời từ cơ duyên ấy…

20 năm đến giờ là một quãng thời gian đủ dài cho những thăng trầm. Một loạt ca khúc của Tuấn “gà” ra đời và anh cũng có trong tay chút ít thành công. Năm 2007, Tuấn tham gia chương trình Bài hát Việt và nhận được giải Phối khí thành công. Cũng năm ấy, một thí sinh hát ca khúc Em là ai của anh và nhận giải thưởng tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM. Sau đó, Tuấn tham gia ban nhạc M16 với Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Tâm. Rồi viết nhạc cho bộ phim Lục lạc huyền bí…

Giữa những ca khúc ấy là hàng loạt công việc khác nhau: thợ mộc, buôn bán phụ kiện xe máy, thợ xăm mình… Chút hoa tay trời cho giúp Tuấn trở thành một thợ xăm có nghề và cũng đưa anh tới cú sốc lớn nhất trong đời. Lần ấy, Tuấn xăm cho một đại ca của giang hồ đất Cảng. Chút sơ ý khiến cây kim đâm vào tay anh. 3 tháng sau, Tuấn biết tin “khách hàng” của mình vừa ra đi vì căn bệnh AIDS. Và 3 ngày sau đó là địa ngục, khi anh ngồi chờ kết quả xét nghiệm.

Tôi tự thề với mình là vĩnh viễn bỏ nghề nếu tai qua nạn khỏi. Và kết quả: mình gặp may vì xét nghiệm âm tính, nhưng lại không may vì… thất nghiệp và bám lấy “nghề” nhạc sĩ đến giờ - Tuấn cười.

Cách nói của Tuấn bao giờ cũng thế, xuề xòa, hài hước để che đi cái khắt khe, khắc nghiệt tự thân khi sáng tác những ca khúc của mình. Một thông tin ít người biết: đêm nhạc được bạn bè tổ chức vào tối 21/9 tới đây là quà tặng mà anh em gửi tới Tuấn trong những ngày này. Chỉ âm nhạc mới làm anh nguôi đi nỗi buồn, sau khi cuộc sống gia đình của Tuấn vừa chấm dứt.

    Cúc Đường
   

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm