16/09/2011 13:28 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - 1. Cả tuần rồi, nhiều người rộn ràng với chuyện ông Kiên, chủ tịch CLB HN.ACB phang VFF giữa hội nghị tổng kết, rồi từ cái ý tứ của ông Kiên là các đội bóng muốn làm giải riêng, làm khá nhiều người háo hức. Có lẽ từ thời đi làm bóng đá, ông Kiên đang ở vào lúc thịnh nhất, dù đội bóng của ông vừa rơi xuống hạng Nhất. Đấy có thể cũng nên coi là một nghịch lý đáng buồn của bóng đá ở Việt Nam.
Quay lại với trận đấu cuối cùng của giải V-League ở sân Vinh, trận đấu mà các quan chức VFF lấy ra như một ví dụ về sự tự hào, lớn mạnh, hấp dẫn của giải đấu hàng đầu này, hãy tưởng tượng, nếu trận đấu ấy chẳng may diễn ra ở Hà Nội, thì người ta sẽ lấy cái gì để làm ví dụ cho sự thành công đây. Một SVĐ chỉ bao gồm toàn CĐV của đội SLNA ư, hay những khán đài trống trải.
Có lẽ người ta đã quên rằng, năm ngoái ông Hiển T&T đã tổ chức một lễ rước Cúp rềnh rang như một gánh chèo từ sân bay về mà tịnh không một người dân Hà Nội quan tâm, trừ một ít CĐV chuyên nghiệp do chính CLB của ông mời đến… Hẳn là ông Hiển cũng buồn khi ngoài bà Phó chủ tịch TP đón đội bóng trong một cái lễ nhỏ ở Ủy ban TP, ông và đội bóng của ông khá cô độc trong cái niềm vui đưa chức vô địch quay trở lại Thủ đô. Chẳng có mấy người ở thành phố của ông biết đến chuyện đội bóng của ông thuộc về họ, nói chi đến chuyện vui mừng hay chia sẻ với niềm vui vô địch của ông…
2. Các nhà kinh doanh của chúng ta thường lập luận, làm bóng đá là một cách để làm thương hiệu, nhưng thử hỏi, họ có thật sự nói được rành rẽ cái gọi là thương hiệu đấy là cái gì không. Có đội bóng HN.T&T thì ông Hiển được biết đến nhiều, đội bóng HN.ACB làm nhiều người biết đến ông Kiên, nhưng liệu có ai vì những cái biết ấy mà sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm, dịch vụ mà các ông đang bán không, rất tiếc là hình như không.
Bóng đá là một sản phẩm thể thao phục vụ nhu cầu giải trí của người dân, một sản phẩm mà khá nhiều người Việt Nam quan tâm và sẵn sàng mua. Các SVĐ lớn của chúng ta cuối tuần vắng teo nhưng người dân vẫn không có nhiều lựa chọn cho hoạt động giải trí. Trong khi đó, các ông bầu vẫn kêu ca về chuyện phải đổ ra cả chục tỷ trăm tỷ để làm bóng đá, chuyện các cầu thủ “ngôi sao” kiểu Việt Nam hưởng những mức lương trên trời…
VFF có lẽ đã quên mất, các ông bầu cũng đã quên mất, rằng một số người trong số họ đã giết chết bóng đá bằng cách để đội bóng phục vụ chính mình mà thôi. Lẽ ra họ phải để cho đội bóng sống và thở bằng những người cần đến nó, là các cổ động viên, chứ không phải bằng sự yêu ghét của những ông bầu.
Liệu VFF có cấm được không, chắc chắn là có chứ. Nói ông bầu cho đội bóng từng này từng kia tỷ là nói vậy thôi, nhưng để đồng tiền ấy nó chảy được vào đến đội bóng rồi đến tài khoản của cầu thủ cũng là một chuyện dài. Có lẽ VFF và các ông bầu cũng nên dừng tay trong cái kiểu vung tiền ra vô nguyên tắc như thế.
Ông Kiên là chủ tịch của CLB HN.ACB, nhưng ông ấy cũng không thể móc tiền túi ra để trả cho Công ty CP Thể thao ACB, mà Ngân hàng ACB mới là người trả, thế thì VFF hoàn toàn có thể quản lý được chứ, bằng những quy chế tài chính cho các đội bóng của mình. Khi đó, đội bóng sẽ phải sống bằng việc chinh phục người xem, chinh phục khán giả của nó. Khi có khán giả đông, đội bóng sẽ tự tạo ra giá trị cho mình, cả từ thu nhập bán vé, đến bán đồ lưu niệm, áo cầu thủ, đến bán danh tiếng và uy tín của mình.
3. Ngay mới gần đây thôi, có thể thấy việc Beeline bỏ tiền triệu ra chỉ để mua quyền được gắn tên mình với M.U tại Đông Dương là một ví dụ. Cái mà Beeline mua của M.U chỉ là mua lại sự yêu mến mà 17 triệu CĐV M.U dành cho đội bóng của họ, và khi Beeline gắn tên mình, sản phẩm của mình với tên gọi và danh tiếng của M.U ở Việt Nam, họ kỳ vọng những người yêu quý M.U sẽ chuyển sang yêu quý Beeline…
Tiếc là các đội bóng của chúng ta chưa bao giờ có được một số CĐV bằng một phần nhỏ như của M.U, không phải vì người hâm mộ không có nhu cầu, mà bởi chính các đội bóng, các ông bầu và cả VFF nữa đang quay lưng với khán giả.
Và bởi vì có khá nhiều ông bầu đang làm bóng đá, tôi phải có một lời nhắn rất thành thật, là chính các anh chị cũng đang làm bóng đá theo kiểu rất thiếu chuyên nghiệp, trong khi kinh doanh bóng đá cũng đòi hỏi những kỹ năng và đặc biệt, sự nghiêm túc.
Mục tiêu cải tổ không nên là thay thế BTC giải hay Hội đồng trọng tài, mà nên là việc nghĩ xem làm thế nào để các đội bóng thật sự có người hâm mộ, và bóng đá trở thành sản phẩm giải trí được người dân quan tâm.
Nếu chính VFF và các ông bầu có thể ăn gian công khai theo kiểu “mua phiên hiệu” để biến Quân khu 4 thành N.SG, biến Thể Công thành Thanh Hoá,... thì mọi ý đồ cải tổ, sự cải tổ, theo tôi vẫn chưa đi đến đâu cả.
Hãy để bóng đá là bóng đá, là trò chơi, trò giải trí tập thể của nhân dân, thưa quý vị…
Phạm Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất