11/03/2014 17:02 GMT+7 | Chuyện tử tế
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi kiến nghị Bộ GD& ĐT bỏ phân loại đạo đức học sinh. Bởi đó là một cách phân xử tệ bạc và lạc hậu!”
Đó là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng trong buổi hộ thảo: Nâng cao kỹ năng sống với chủ đề: “Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong việc thúc đẩy giới trẻ sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực”. Hội thảo diễn ra sáng nay (11/3) tại trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5, Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Buổi hội thảo nằm trong chuỗi chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được tổ chức bởi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam- Ban Thanh Thiếu Niên VTV6, Báo Thanh Niên, Tập đoàn Hoa Sen, phối hợp với Thông Tấn xã Việt Nam
Nền giáo dục nhân văn phải đứng về người yếu
“Trong xã hội gian dối tràn lan, bệnh thành tích nay đã “di căn” ngay trong nhà trường, chúng ta thật khó lập ngôn với người trẻ về sự trung thực” - TS Tùng Lâm phát biểu khai mạc hội thảo - “Và theo kinh nghiệm giáo dục 25 năm ở ngôi trường vẫn mệnh danh là “trường cá biệt”, trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, tôi thấy người trẻ hiện thời, các em nhanh nhạy, cá tính song các em thiếu niềm tin vào sự tử tế. Và đó thực sự là vấn đề đáng lo ngại”.
Cũng theo ông Lâm, tuổi trẻ ai cũng có những sai lầm song xã hội, đặc biệt là nhà trường cần rộng mở với điều đó. “Cái cần là để các em học sinh đứng dậy ở đúng chỗ các em vấp ngã. Chúng ta cần tránh “dán mác” học sinh bằng phân loại đạo đức. Bởi như thế không phải là giáo dục, không phải hướng thiện hay phục thiện cho những em lầm lạc mà đó chỉ khiến các em tha hóa hơn” - TS Tùng Lâm nói.
Là hiệu trưởng ngôi “trường học sinh cá biệt”, 25 năm qua, chỉ tập trung vớt những học sinh bị trường khác đuổi ra, thầy Tùng Lâm tỏ ra rất trăn trở với những học sinh bị coi là “không thể đào tạo”. Theo ông Lâm, một nền giáo dục tiên tiến, nhân văn phải là một nền giáo dục không được bỏ rơi những người học kém và càng không được buông tay với những người trẻ ngỗ ngược.
“Đây không phải là những giáo điều sáo rỗng. Bởi trong một xã hội, nếu chúng ta đào tạo được cả trăm, cả ngàn người tài, chỉ cần có vài người phá hoại, xã hội đã không còn cân bằng.”- Thầy Tùng Lâm nói.
Khi thính giả yêu cầu về dẫn chứng cụ thể cho khả năng “phục thiện” theo cách giáo dục kỹ năng sống của trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thầy Tùng Lâm kể: “Đó là một em học sinh lớp 11. Gia cảnh nhà em rất khó khăn. Gia đình chỉ có hai mẹ con trông cậy vào hàng nước trà đá của mẹ. Sau những năm dài gom góp, người mẹ đủ tiền mua cho con 1 chiếc xe máy cà tàng để con đi ôn thi.
Nhưng sau đó, cậu trai trẻ đã cùng bạn bè cắm chiếc xe mẹ mua cho từ quán hàng nước vào hiệu cầm đồ. Do nhắc nhở quá nhiều lần trường hợp này, cô giáo chủ nhiệm biết tin cũng chỉ thở dài báo lên tôi. Tôi gọi em lên và hỏi:
- Em sống nhờ ai?
- Em sống nhờ mẹ (cậu học sinh trả lời).
- Thế mẹ em sống nhờ ai?
Lúc này cậu học sinh ấp úng rồi khóc òa khi hiểu ra: Mẹ em sống nhờ em.
Hôm sau, cậu học sinh đã chặt ngón tay út để thề. Ngay năm sau, em đỗ 1 lúc 2 trường đại học. Hiện tại, cậu đã có bằng thạc sĩ và là giám đốc một công ty thép lớn”- TS Tùng Lâm nói trong tiếng vỗ tay rào rào của khán phòng.
Từ những dẫn chứng, TS Tùng Lâm đưa ra kết luận: “Nếu tôi đánh giá hạnh kiểm yếu hoặc đuổi học học sinh đó thì hiện nay em ấy, mẹ em ấy sẽ ra sao? Nên tôi đề nghị Bộ GD& ĐT bỏ phân loại đạo đức học sinh. Bởi đó là một cách phân xử tệ bạc và lạc hậu!”
Truyền thông sẽ đồng hành với những “chuyện tử tế”
Có mặt trong hội thảo, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng vụ công tác học sinh sinh viên (Bộ GD& ĐT) cũng cho hay: chúng ta nên nhìn đạo đức học sinh theo hướng động. Nghĩa là ta không nên quan niệm các em hư chỉ hư và không có mặt tốt đẹp, không thể đào tạo. Và mục đích cuối cùng của việc học trong nhà trường là học để làm người rồi mới học để làm nghề và học để hiểu biết.
Trong tọa đàm, các diễn giả cũng như khán giả cũng đều bày tỏ quan ngại trước tình trạng đưa tin ẩu và ác để câu views của một số báo. “Do bản tính tò mò của con người nên những thông tin xấu lấn át thông tin tốt. Những loạt bài tử tế bị những tin shock- sex- sến chèn ép. Và những người làm báo tử tế cũng bị dồn ép theo những sản phẩm tử tế của mình.”- TS. Giáp Văn Dương nói.
“Chúng ta cần nói rõ, truyền thông nói chung và báo chí nói riêng có vai trò tối quan trọng trong việc xây dựng hay đánh giá hình tượng cho giới trẻ”- Ông Lê Duy Truyền, Phó Tổng Giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam nói - “Nên vấn đề bây giờ là báo chí phải trung thực và trách nhiệm”.
“Ngoài giáo dục, chúng ta cần những tờ báo tử tế với những chuyên mục, bài viết tử tế để giúp giới trẻ phân biệt tốt - xấu và sống trung thực, trách nhiệm, nghị lực”- Ông Lê Duy Truyền kết luận.
Phạm Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất