Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Đừng dạy đạo đức thành... 'đạo đức giả'

10/01/2014 11:16 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, báo Thể thao & Văn hóa đã ghi nhận cuộc trao đổi sôi nổi và tâm huyết của các chuyên gia, nhà giáo dục lâu năm xung quanh vấn đề “dạy làm người” cho học sinh, sinh viên trên ghế nhà trường. Cuộc trò chuyện với Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc sẽ khép lại loạt bài đăng tải trên Thể thao & Văn hóa từ ngày 4/1/2014 này.

Theo lập luận của ông Quốc, nhà trường sẽ phải chia sẻ một phần trách nhiệm về sự xuống cấp đáng buồn trong đạo đức bây giờ. Bởi, cùng với gia đình và xã hội, đây là 1 trong 3 thành tố quan trọng nhất tác động tới tính cách của mỗi cá nhân.

* Nếu theo cách nhìn ấy, thì chúng ta cũng có thể đặt vấn đề rằng: việc dạy đạo đức tại nhà trường có tốt đến mấy cũng chẳng mang lại kết quả nhiều - nếu 2 thành tố còn lại không... đảm bảo?

- Tôi nghĩ, nhắc tới những cuộc cải cách và thay đổi, chúng ta đôi khi hay lý tưởng hóa câu chuyện và đặt ra nhiều kì vọng không tưởng. Quả thật, một cuộc cải cách về cách dạy đạo đức trên ghế nhà trường cũng sẽ chưa thể mang lại kết quả ngay – nếu như không được đặt trong cùng một mặt bằng tương ứng với sự tích cực từ những thành tố khác.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bó tay. Mọi thứ cần phải có thời gian, để rồi từ những cá nhân được giáo dục một cách đầy đủ và có trách nhiệm trên ghế nhà trường, chúng ta sẽ đặt hi vọng vào một xã hội dần biết đề cao sự gương mẫu trong các mối quan hệ khác ở gia đình, cộng đồng hay công sở.


Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

* Vậy trước hết, ở  nhà trường, sự thay đổi ấy cần được tiến hành thế nào, thưa ông?

- Tôi ở độ tuổi đã quá xa ghế nhà trường nên không biết quá rõ về giáo dục đạo đức tại trường học hiện nay. Qua những gì các cháu nội, ngoại đang được học, rõ ràng việc giáo dục nhân cách học sinh bây giờ được trông chờ chủ yếu vào các giờ dạy Giáo dục công dân (GDCD).

Nhiều ý kiến trên báo giới cũng đã nói tới sự thay đổi cần có trong việc “dạy làm người” cho các em học sinh rồi. Vắn tắt thì đó là việc giáo dục đạo đức song song với dạy văn hóa - chứ không “khoán trắng” cho môn GDCD, là việc cần thay đổi phương pháp giảng dạy cho sinh động, hấp dẫn. Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến ấy. Chỉ muốn nói thêm, 2 nguyên tắc cần có nhất trong mọi sự thay đổi ấy là cách tiếp cận hợp lý và sự gương mẫu của người thầy.

Chẳng hạn, ở cách tiếp cận, có một thực tế đáng buồn là chúng ta thường mải chạy theo những thứ quá vĩ mô, nặng nề nên hay nhồi nhét cho bọn trẻ những nguyên tắc, những khái niệm khô cứng và thiếu hiệu quả. Thậm chí, một cách ngoài ý muốn, điều này dễ khiến các em rơi vào sự hình thức và giả dối. Đó là điều cần thay đổi ngay.


Theo ông Quốc, học sinh cần được giáo dục đạo đức từ những khái niệm nhỏ xung quanh mình. Ảnh minh họa: TTXVN

* Ngoài lề một chút: trước đây, trong cách giáo dục học sinh, đã có thời điểm chúng ta đặt các mối quan hệ đạo đức gần gũi và tự nhiên với con người nhất xuống dưới những mối quan hệ khác, lý tưởng  khác. Ông có nghĩ, những gì mà người ta than phiền về đạo đức xã hội bây giờ là hệ quả của những cách nghĩ cũ này?

- Đó là sự đương nhiên từ mối quan hệ nhân quả. Bạn muốn cố gắng đạt được điều này thì phải mất những điều khác thôi. Chưa kể, những thứ tưởng được chưa chắc đã được, những thứ tưởng hơn chưa chắc đã hơn (cười).

* Còn về sự gương mẫu của người thầy - nguyên tắc thứ hai mà như ông nói. Chúng ta cũng đã từng tranh cãi rất nhiều về mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện đại, chẳng hạn như thứ tự ưu tiên trong mệnh đề “thầy ra thầy, trò ra trò”?

-  Sẽ rất khó để nói rằng đối tượng nào cần “gương mẫu” trước, bởi đó là mối quan hệ con gà - quả trứng. Nếu bắt buộc phải lựa chọn, tôi nghĩ đó sẽ là người thầy -  bởi họ sẽ phải đi một chặng đường rất dài với nhiều thế hệ. Có thể, đó là điều khó và là gánh nặng trách nhiệm, nhưng ý thức hi sinh là một đặc thù mà xã hội truyền thống giao cho những người làm công việc này.

Sự thật, một trong những điều tôi thấy phản cảm nhất trong việc giáo dục đạo đức trên ghế nhà trường hiện nay là cách nhìn về người thầy. Rất nhiều bạn trẻ, trong đó có cả cháu tôi -coi vấn đề thầy - trò đơn thuần như một mối quan hệ dịch vụ. Đành rằng, có thể đó là một cách tư duy sòng phẳng theo công nghệ giáo dục của phương Tây. Nhưng, họ được

đặt trong mặt bằng xã hội với những chuẩn giá trị đã định hình từ lâu. Không cẩn thận, đó lại là chuyện dứt bỏ những hệ giá trị truyền thống mà không tìm được những giá trị đủ sức thay thế như tôi đã nói...

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

“Những người già chúng tôi có thể hơi hoài cổ. Nhưng nhìn lại, những cuốn sách giáo dục tại nhà trường khi xưa như Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư đều làm rất tốt vai trò của mình: giáo dục từ tấm bé những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng về ý thức công dân, quan hệ gia đình, trách nhiệm xã hội. Hoặc, phong trào “Hướng đạo sinh” tập hợp thiếu niên để rèn luyện kĩ năng sống, với những nguyên tắc đơn giản: mỗi ngày làm một việc tốt, trọng danh dự, cần kiệm của mình và của người... cũng từng đóng góp cho xã hội một lứa thanh niên rất tốt, với những gương mặt như Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch...Có nghĩa, chúng ta đã từng có những truyền thống khá tốt để xây dựng, rèn giũa đạo đức của thanh thiếu niên. Bây giờ, chúng ta nhân danh cái mới, cái tiến bộ để phá đi những thứ ấy, nhưng đã thật sự tạo ra một sự thay thế hoàn hảo hơn chưa?”

(Phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc)

Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm