25/03/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
"Tranh truyện Hàng Trống có bố cục theo cốt truyện của từng tranh để diễn tả các tích truyện Nôm. So với tranh đơn, tranh truyện được làm công phu hơn nhiều, nên có giá trị rất riêng" - nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê chia sẻ.
Thuộc bộ sưu tập của Phan Ngọc Khuê, 10 bộ tứ bình vẽ các tích truyện nổi tiếng như Sơn Hậu, Nhị độ mai, Chiêu Quân cống Hồ, Hán Sở tranh hùng, Tam quốc… đang được trưng bày trong triển lãm Tranh truyện Hàng Trống tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bộ sưu tập này được ông sưu tầm và bỏ nhiều công sức bảo quản từ vài chục năm trước.
Bộ sưu tập tranh truyện tuổi đời hàng trăm năm
Trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), họa sĩ Phan Ngọc Khuê kể:
- Tôi may mắn học trường mỹ thuật, nên có điều kiện tìm hiểu nhiều công trình nghệ thuật, nhất là các loại hình điêu khắc, tranh vẽ của dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi, không thể thiếu việc học từ các nghệ nhân. Ở đâu có chạm khắc đình chùa, miếu mạo, chúng tôi đều đến sưu tầm, nghiên cứu, có khi đúc khuôn.
Riêng về tranh, trong nhiều năm làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ khi ra trường, chúng tôi đã đi sưu tầm nhiều nơi và có được khá nhiều tranh từ những hiệu tranh xưa. Đi đến đâu, chúng tôi cũng đều hỏi bà con có nguồn tranh nào không, hoặc có giữ được tranh dân gian nào không.
Tranh dân gian phổ biến ở trong nhân dân, nhưng thực tế có người giữ được, có người lại không. Do đặc tính khí hậu nóng ẩm của nước ta, nên tranh làm bằng giấy khó có thể gìn giữ lâu dài. Do đó, việc sưu tầm từng tranh là điều hết sức quan trọng đối với chúng tôi.
Không chỉ riêng tranh Hàng Trống, khi tìm hiểu về những dòng tranh dân gian khác như tranh làng Sình, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, chúng tôi đều phải đi tìm hiểu tận nơi, thậm chí đi xin người dân từng tranh một. Có khi tranh không bán được, họ giắt trên mái tranh thành từng bó, nên xin được hàng bó tranh mang về.
Như bộ tranh truyện Hàng Trống được trưng bày lần này, tôi được cụ Trương Thị - chủ hiệu tranh Thanh An nổi tiếng ở Hà Nội - tặng từ những năm 1980. Khi ấy, tranh được cụ bó thành từng bó cất ở trên gác xép, vì không bán được cho ai, không còn ai mua. Tranh đem về sau đó phải dụng công bồi giấy, lên khung, làm trục mới giữ được như bây giờ.
* Những bộ tranh truyện Hàng Trống này được ông dụng công bảo quản trong hàng chục năm nay. Ông có thể chia sẻ thêm những giá trị cần lưu giữ của chúng?
- Với những bộ tranh này, sự khởi tạo của chúng bắt nguồn từ những bản khắc gỗ được tạo ra bởi tài năng của những người nghệ sĩ dân gian xưa. Tuổi đời của những bản khắc gỗ này có lẽ vào khoảng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Có nhiều bộ tranh diễn tả các tích truyện Nôm nổi tiếng như Tam quốc, Chiêu Quân cống Hồ, Nhị độ mai…
Trước tranh truyện Hàng Trống, nên nhớ rằng cha ông ta đã có những điêu khắc đình chùa để diễn tả những tích truyện cổ được lưu truyền trong dân gian. Ví như mảng chạm Mả táng hàm rồng xuất hiện trên kiến trúc đình làng gắn liền với sự tích Đinh Tiên Hoàng. Những tích truyện này về sau có nhiều ảnh hưởng đến các loại hình nghệ thuật dân gian khác, trong đó có tranh.
Những bộ tranh này rõ nét với cách tạo hình, cách bố cục rất gần gũi với nghệ thuật dân gian Việt Nam. Điều này cho thấy, chúng có nguồn, có gốc, chứ không phải ở đâu tự nhiên bật ra. Hoặc nói cách khác, tranh truyện Hàng Trống đã tiếp nối truyền thống của người Việt Nam từ điêu khắc gỗ chuyển sang tranh khắc gỗ.
"Tranh truyện Hàng Trống đã tiếp nối truyền thống của người Việt Nam từ điêu khắc gỗ chuyển sang tranh khắc gỗ …" - họa sĩ Phan Ngọc Khuê.
Gắn bó với nền văn học chữ Nôm của dân tộc
* Ông có nói tới đặc trưng của tranh truyện Hàng Trống diễn tả các tích truyện Nôm được lưu truyền phổ biến trong dân gian. Như vậy giữa truyện Nôm và thể loại tranh này có mối liên hệ đặc biệt?
- Tranh dân gian Hàng Trống, nhất là thể loại tranh truyện có sự gắn bó với nền văn học chữ Nôm của dân tộc. Trước đó, văn học truyền miệng của nhân dân Việt Nam đã có từ thượng cổ chứ không phải đợi đến thời Trần khi có chữ Nôm thì mới được lưu truyền. Nhưng chữ Nôm xuất hiện đã trở thành một phương tiện để truyền bá văn hóa dân tộc. Trên cơ sở này, truyện Nôm ra đời từ những truyền thuyết, giai thoại, cổ tích của dân tộc và những tác phẩm văn học của thế giới lưu truyền đến Việt Nam.
Đây thực sự là những "món ăn tinh thần" trong đời sống văn hóa của nhân dân ta khi xưa. Từ thành thị đến nông thôn, từ các thầy đồ, người biết chữ truyền đến các bà, các mẹ nằm ru con ngủ bằng những điệu hát dân ca, bằng những tích truyện Nôm được kể trong những đêm Hè, đêm Đông. Rồi các ông, các bà trong những dịp ngày Xuân, đón Tết Nguyên đán, ngồi nấu bánh chưng cũng kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện Nôm được lưu truyền.
Có thể nói, từ trước năm 1945, ngoài dòng chảy của nghệ thuật bác học, thì nền nghệ thuật dân gian đã nuôi dưỡng tâm hồn người Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Mỗi người Việt Nam bởi thế không thể nào quên được dòng sữa mẹ của nền văn hóa dân tộc, trong đó có truyện Nôm.
Và, những nghệ nhân vẽ tranh dân gian từ sự thấm nhuần, hiểu biết về truyện Nôm, từ khát vọng phổ biến truyện Nôm trong dân gian… đã sáng tạo nên những dòng tranh truyện đặc sắc.
Cũng cần nói thêm, tranh truyện không phải chỉ riêng của Hàng Trống, mà còn có cả ở Đông Hồ, Kim Hoàng… nhưng đẹp nhất, phổ biến nhất phải nói tới tranh truyện Hàng Trống.
* Ngoài khía cạnh nội dung truyền tải các tích truyện Nôm, xin ông cho biết thêm, những bộ tranh truyện Hàng Trống này được tạo ra bằng kỹ thuật như thế nào?
- Làm loại tranh này thực sự phải đầu tư lớn. Những chủ hiệu tranh trước hết phải mua ván để làm các bản khắc gỗ in tranh, mà không phải loại ván nào cũng có thể làm được. Một tấm tranh được tạo ra phải ghép từ 2 - 3 tấm ván làm một.
Sau đó là công đoạn vẽ, rồi khắc gỗ để có ván in hoàn chỉnh. Tiếp đến là công đoạn in tranh từ ván khắc gỗ để lấy hình, rồi dùng bút lông để tô, vẽ màu. Tất cả những công đoạn làm tranh này đều hết sức công phu. Chưa kể, việc in, vẽ một bức tranh còn phải có nghệ thuật về màu sắc, có đậm, có nhạt, làm sao ra được cái hồn của nhân vật, của cốt truyện.
* Với những giá trị nổi bật cả ở khía cạnh nội dung và nghệ thuật như vậy, theo ông cần làm gì để tranh truyện nói riêng và tranh Hàng Trống nói chung tiếp tục có được sức sống lâu bền?
- Những bộ tranh truyện Hàng Trống đã chìm đắm ngót trăm năm nay mà không được nhiều người biết tới. Cho nên, chúng ta cần tiếp tục giới thiệu, phổ biến rộng rãi hơn nữa dòng tranh đặc sắc này.
Năm 2016, tôi có in cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội giới thiệu hơn 400 tranh. Con số này chưa chắc đã nói hết được quá trình hàng mấy thế kỷ mà dòng tranh của Thăng Long - Hà Nội đã từng tồn tại. Nhưng chúng ta phải thấy được rằng, truyền thống về nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, ngoài hệ thống trang trí, điêu khắc, tượng pháp ở đình làng, đền chùa… thì nghệ thuật in, vẽ tranh trong dân gian và nhất là tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội cũng là một truyền thống bền vững và tỏa sáng không chỉ ở kinh thành Thăng Long, mà còn ở cả các khu vực xung quanh.
Chỉ tiếc rằng, những nghệ nhân làm tranh hiện nay không còn là bao. Chưa kể, có những dòng tranh, qua mấy chục năm đi điền dã, tìm hiểu mà cả những người nghiên cứu như chúng tôi cũng phải bó tay, không biết chúng có xuất xứ ở đâu. Vì khi xưa, tranh được bán ngoài đường, ai đi qua thì mua, chứ người bán cũng không tuyên bố tranh của làng nào. Tôi đã già, nên càng nuối tiếc trước những dòng tranh, những bức tranh không rõ nguồn gốc, xuất xứ như vậy.
* Xin cảm ơn ông!
Triển lãm "Tranh truyện Hàng Trống"
Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê tổ chức. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/3.
Nhân dịp này, ông đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ.
Phan Ngọc Khuê (sinh năm 1937) dành cả đời nghiên cứu về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Năm 2016, cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội do ông chủ biên được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) ở hạng mục Tác phẩm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất