23/07/2023 09:10 GMT+7 | Văn hoá
Đang diễn ra tại Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám đến 31/7, triển lãm Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống là một nỗ lực nối dài sức sống của văn hóa truyền thống. Ở đó, các tác phẩm được trưng bày trên tinh thần đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh dân gian Hàng Trống bằng phương án ứng tác mới của những nghệ sĩ trẻ.
Triển lãm lần này là một phiên bản tiếp nối từ dự án Từ truyền thống tới truyền thống được thực hiện ban đầu bởi nhóm thầy và trò thuộc Khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khởi xướng vào năm 2020. Lấy cảm hứng chủ đạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống, dự án giúp những nghệ sĩ trẻ quan tâm, tìm tòi và thực hành nghệ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau. Từ đó, tạo ra những tác phẩm đương đại mang dấu ấn cá nhân và giá trị sáng tạo mới từ di sản truyền thống.
Cuộc đối thoại với truyền thống
Đến xem triển lãm Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống, người xem có cơ hội gặp lại những bức tranh dân gian Hàng Trống quen thuộc như: Ngũ hổ thần tướng, Tứ bình tố nữ, Lý ngư vọng nguyệt, Lưỡng nghi sinh tứ tượng, v.v… Nhưng đặc biệt ở chỗ, cạnh bên những tác phẩm truyền thống đó còn xuất hiện thêm những ứng tác mới. Đó là những tác phẩm có thể song trùng về hình tượng, chủ đề nhưng lại thật khác biệt, sáng tạo về chất liệu, ngôn ngữ hội họa.
Ví như, đối thoại với tranh gốc Ngũ hổ thần tướng có Ngũ hổ - Ngũ hành, Xích hổ tướng quân, Gái năm Dần; đối thoại với tranh gốc Tứ bình tố nữ có Sắc màu tố nữ, Tố nữ chơi đàn tỳ bà; đối thoại với tranh gốc Lý ngư vọng nguyệt có Trông, Gặp; đối thoại với tranh gốc Lưỡng nghi sinh tứ tượng có Âm dương hòa hợp; v.v…
Từ ý tưởng sắp đặt này để thấy tinh thần đối thoại chùm phủ toàn bộ triển lãm giúp xóa nhòa ranh giới giữa cũ và mới, giữa truyền thống và đương đại. Đối thoại để tạo cảm hứng mới, đối thoại để tạo giá trị mới và đối thoại để nối dài sức sống của truyền thống. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt của dự án Từ truyền thống tới truyền thống từ khi được khởi xướng cho đến nay đã có những thành tựu đáng kể.
Kết quả là trải qua 3 năm đến nay, nhóm thực hiện dự án Từ truyền thống tới truyền thống đã tổ chức liên tiếp một loạt các triển lãm, dự án nghệ thuật khác nhau. Đây đều là các phiên bản tương tác với các không gian trưng bày triển lãm mang nhiều yếu tố di sản truyền thống. Phiên bản lần đầu tiên được thực hiện và giới thiệu tại Đình Nam Hương (75 Hàng Trống) vào năm 2020. Rồi tiếp đó lần lượt đến các dự án như "Tranh Hàng Trống" năm 2021, "Hổ dạo Phố" năm 2022, "Hồn nhiên như cô Tiên" năm 2022 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, "Mơ Tiên" năm 2023 tại Đình Nam Hương, "Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống" tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố Cổ 50 Đào Duy Từ.
Mới nhất, dự án xuất hiện tại không gian Tiền đường Nhà Thái Học của Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám một lần nữa khẳng định dấu ấn trên hành trình đối thoại dài hơi với truyền thống. Như họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người hướng dẫn, giám tuyển của dự án cho biết: "Với rất nhiều các phiên bản mở rộng trong suốt 3 năm nay, thầy trò chúng tôi đã cố gắng khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản dòng tranh dân gian Hàng Trống nói riêng cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc. Dự án đã khích lệ cho những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trẻ thông qua việc học hỏi nghiên cứu từ tri thức tới các kỹ thuật truyền thống của dòng tranh dân gian Hàng Trống".
Dấu ấn nghệ sĩ trẻ
Điểm sáng của dự án Từ truyền thống tới truyền thống cần ghi nhận đó là sự quy tụ của những nghệ sĩ trẻ, thậm chí khi khởi xướng họ mới chỉ là sinh viên.
Trải qua các dự án được tiến hành liên tiếp, những nghệ sĩ đó đã chứng minh được sự trưởng thành trên hành trình thực hành nghệ thuật bằng một tinh thần sáng tạo không giới hạn. Đáng quý hơn, đó lại là sự sáng tạo lấy cảm hứng, xuất phát từ tình yêu với những giá trị truyền thống.
Đồng hành với các thành viên của dự án trong suốt 3 năm qua, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay, từ những buổi học tập, chia sẻ kỹ thuật và tình yêu nghề của nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - cho tới những buổi điền dã nghiên cứu đã mở ra những ý tưởng sáng tạo mới cho những nghệ sĩ trẻ. Đó là sáng tác các tác phẩm tạo hình từ những chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, lụa, giấy dó, sơn dầu… cho tới những chất liệu và hình thức thể hiện mới như đồ họa kỹ thuật số, thiết kế, sắp đặt…
Quan sát kỹ hơn những tác phẩm góp mặt tại triển lãm Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống sẽ thấy rõ tinh thần sáng tạo này. Không giới hạn chất liệu, cách thức thể nghiệm mới, song chất truyền thống vẫn được kế thừa với những dấu ấn đặc sắc ở mỗi tác phẩm.
Lấy cảm hứng từ tranh tứ bình Tố nữ, chọn chất liệu sơn mài để ứng tác, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hà Anh mang tới triển lãm tác phẩm Tố nữ chơi đàn tỳ bà. Hà Anh cho biết: "Sử dụng hình ảnh tố nữ ngồi trong tranh Hàng Trống, tôi đã thổi vào tác phẩm một luồng gió mới bằng chính những nét đặc trưng riêng của sơn mài. Hình ảnh của người thiếu nữ thành thị xưa với những đường nét duyên dáng vốn có của dòng tranh Hàng Trống đã được khắc họa lại bởi ngôn ngữ sơn mài có chút ma mị, kỳ bí như âm vang của tiếng đàn lan tỏa trong không gian".
Cũng chọn chất liệu sơn mài để thử nghiệm, tác giả Triệu Khắc Tiến mang đến tác phẩm Gái năm Dần, lấy cảm hứng từ tranh Ngũ hổ. Cụ thể, đây là tác phẩm ứng tác từ hình tượng Bạch Hổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống, sử dụng bút phát biểu hiện trừu tượng lột tả khí chất của những người phụ nữ tuổi Dần đầy bản lĩnh và nghị lực, nhưng vô cùng nữ tính, tràn đầy năng lượng và đam mê cháy bỏng.
Về kỹ thuật xử lý, tác giả Triệu Khắc Tiến cho biết thêm: "Từ một tranh sơn mài chuyển thể nguyên mẫu của tranh dân gian Hàng Trống, được tiếp tục phủ màu, rắc bạc phẩy vàng với nhiều cách thức tạo chất tùy biến, toàn bộ chi tiết ban đầu được phủ kín trong lớp sơn. Qua các bước mài, các manh mối của nguyên tác dần hiện ra với những mảng hình ngẫu nhiên và trừu tượng. Bằng chủ quan cá nhân của người vẽ, hệ thống tín hiệu này được tái cấu trúc lại để tạo nên một hiệu quả tạo hình mới, kế thừa từ truyền thống".
Trong khi đó, bằng chất liệu lụa, tác giả Đàm Hồng Dương mang đến loạt tác phẩm ứng tác với những tranh gốc Hàng Trống như: Thần Bảo Vệ, Phú quý - Vinh hoa, Âm dương hòa hợp, v.v… Nhờ sự mềm mại và trong suốt của chất liệu lụa xuyên thấu, tác giả đã kết hợp vẽ tranh 2 lớp để tăng sự uyển chuyển và hiệu ứng 2 mặt mới mẻ, thú vị cho người xem.
Gây ấn tượng không kém tại triển lãm là tác phẩm sắp đặt giấy tổng hợp mang tên Hạ phàm của nghệ sĩ trẻ Phạm Thủy Tiên. Ở tác phẩm này, Thủy Tiên (mô tả hai vị thánh hầu thân cận của Thánh Mẫu cửu trùng trong tín ngưỡng dân lấy cảm hứng từ bộ đôi tranh Hàng Trống Quỳnh Hoa và Quế Hoa gian của người Việt). Từ tác phẩm gốc, tác giả liên tưởng đến một khung cảnh hạ phàm, rong chơi như những nàng tiên với hoa cỏ, rừng núi, chim chóc. Một khung cảnh thanh bình của sự hòa hợp giữa Thiên-Địa-Nhân ngay giữa lòng phố thị.
Và còn nhiều hơn thế những dấu ấn sáng tạo mới mẻ của các nghệ sĩ trẻ khi lấy cảm hứng sáng tác từ văn hóa truyền thống và bản địa xuất hiện trong Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tất cả cho thấy một biên độ mở rộng của sự sáng tạo, mà ở đó cách nhìn mới và trẻ của những nghệ sĩ được tôn trọng như một gợi ý đáng tin cậy để giá trị truyền thống được trao truyền và tiếp nối.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất