Bắt đầu thu phí ATM nội mạng

10/04/2012 14:49 GMT+7 | Thế giới

Hội Thẻ VN vừa thống nhất sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thu phí giao dịch ATM nội mạng. Lý do đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho các NH mở rộng đầu tư, trang bị, bảo trì...



Tại một số ngân hàng, các giao dịch ATM nội mạng như rút tiền, chuyển khoản... cũng bị thu phí - Ảnh: tiến thành

Đầu tháng 4, Vietcombank - một trong những NH có số lượng thẻ phát hành lớn nhất hiện nay - cũng thông báo thu phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng và phí chuyển khoản nội mạng 3.300 đồng/giao dịch.

Chuyển khoản cũng thu

Theo kết quả cuộc họp ban chấp hành Hội Thẻ VN, việc thu phí giao dịch ATM nội mạng dựa trên đề xuất của các NH thành viên. Agribank được giao chủ trì dự thảo văn bản kiến nghị thu phí, trong đó phân tích thực tế hoạt động kinh doanh dịch vụ ATM của các NH hiện nay, chi phí và doanh thu, lý do và áp lực phải thu phí, đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể.


Phát biểu tại hội nghị kinh doanh 2012 của Agribank ngày 17-1, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết ngay khi thống nhất các máy ATM trên toàn quốc về chung một đầu mối, sẽ tiến hành thu phí giao dịch. NH Nhà nước sẽ ban hành một biểu mẫu và cơ chế tính phí, mức thu phí sẽ theo lộ trình tránh “sốc”, miễn phí một năm đầu cho người sử dụng, năm thứ hai áp 1/3, năm thứ ba áp 2/3 và năm thứ tư mới thu toàn bộ.

Đại diện Hội Thẻ VN cho biết thu phí giao dịch ATM nội mạng không chỉ có phí rút tiền mà còn có phí chuyển khoản. Trao đổi với phóng viên, một số NH thành viên cho biết sở dĩ các NH phải đặt vấn đề thu phí giao dịch ATM nội mạng vì kinh doanh thẻ nhiều năm nay NH nào cũng than lỗ. Trong khi đó chi phí cho máy rút tiền tự động (ATM) ngày càng đắt đỏ. Giá thuê địa điểm đặt máy ở những vị trí đắc địa lên đến hàng chục triệu đồng.

Đó là chưa kể phí thuê đường truyền, phí thuê đội ngũ kiểm đếm, tiếp tiền. Riêng chi phí sửa chữa, bảo trì mỗi máy lên đến 500 triệu đồng/năm. Trong khi đó kỳ vọng kiếm lãi từ tiền gửi không kỳ hạn rất khó do người dân chưa có thói quen thanh toán bằng thẻ. Tiền vừa vào tài khoản, chủ thẻ lại rút ra chi tiêu. NH còn phải duy trì số dư thấp nhất 400-500 triệu đồng/máy. Với những NH có hệ thống ATM lên đến hàng nghìn máy thì số tiền không sinh lãi lên đến 500-600 tỉ đồng.

Trước Vietcombank, nhiều NH khác đã thu phí thường niên, cũng là một dạng phí quản lý tài khoản thẻ với mức 50.000-100.000 đồng/năm.

Ông Trịnh Thượng Thức, trưởng phòng dịch vụ thẻ Vietcombank TP.HCM, cho biết phí quản lý tài khoản thẻ được hiểu là phí thường niên, nhưng thay vì thu một khoản 50.000-100.000 đồng vào đầu năm thì NH thu theo tháng. Theo ông Thức, với 6 triệu thẻ ATM đã phát hành, ước tính NH thu được khoảng 200 tỉ đồng phí quản lý tài khoản thẻ mỗi năm để đầu tư thêm cho hệ thống ATM. Nhiều NH cổ phần đã thu phí này từ ngày đầu phát hành. Về phí chuyển khoản trong hệ thống, song song với thu phí NH cũng nâng hạn mức chuyển khoản lên để giảm chi phí cho khách hàng.

Khách hàng e ngại

Chị Hà, công nhân Công ty Pungkook, cho biết chị và bạn bè trong công ty vẫn dùng thẻ ATM để chuyển trả tiền cho nhau. Bây giờ thu phí như vậy, chị sẽ rút tiền mặt trả tiền. “Giá cả ngày càng tăng, thu nhập không bao nhiêu, 3.300 đồng với nhiều người không là gì nhưng với công nhân như chúng tôi cũng hơn một quả trứng rồi” - chị nói.

Nhiều công nhân khác cho biết trước đây chỉ rút một lượng tiền đủ chi dùng trong tuần. Tuy nhiên tới đây sẽ phải rút hết một lần để đỡ tốn phí. “Đành rằng các NH có thể lý luận ATM là dịch vụ, sử dụng thì phải trả phí. Nếu không muốn mất tiền có thể vào NH rút nhưng công nhân chúng tôi không được ra ngoài vào giờ hành chính thì làm sao có thể đến NH rút tiền?” - anh T., Công ty Hansoll, nói.

Lẳng lặng thu phí

Nhiều NH cho rằng việc thu phí là để bù đắp chi phí bỏ ra, nhưng thực tế các NH đã âm thầm thu nhiều loại phí khác nhau như phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000-90.000 đồng, phí phát hành lại thẻ 25.000-66.000 đồng, phí cấp lại số pin 10.000-33.000 đồng, phí thường niên (phí quản lý tài khoản thẻ) từ 39.600-132.000 đồng, phí tra soát nếu không đúng từ 10.000-110.000 đồng, phí chuyển khoản 1.650 đồng, phí rút tiền khác hệ thống 3.300 đồng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550-1.650 đồng, trả thẻ bị nuốt tại máy ATM từ 5.000-20.000 đồng... Cá biệt có NH còn thu 10.000 đồng phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.

Ngoài ra các NH còn có rất nhiều nguồn thu khác. Nguyên trưởng phòng giao dịch một NH có thế mạnh về thẻ nhẩm tính với 40 triệu thẻ ATM đã phát hành, tính riêng phí phát hành lấy tối thiểu 50.000 đồng, các NH thu về 2.000 tỉ đồng.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm