Tiếp tục kiềm chế lạm phát, đề phòng thiểu phát

30/10/2008 01:07 GMT+7 | Thế giới

Chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ từ nay đến năm 2010. Tuy nhiên, chỉ số CPI tháng 10/2008 “âm” cùng sức mua giảm khiến nhiều người lo ngại: Liệu nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiểu phát?
 
Nguy cơ còn xa
 
 
Theo GS Cao Cự Bội- ĐH Kinh tế Quốc dân, nếu thiểu phát thì rất nguy hiểm, bởi đây là biểu hiện chuyển sang suy thoái, không có tăng trưởng, sản xuất tiêu thụ đình trệ. Chạy từ lạm phát sang thiểu phát lại càng đáng sợ. Tuy nhiên, ông Bội khẳng định, ở nước ta hiện nay lạm phát vẫn là câu chuyện đáng lo hơn thiểu phát.
 
“Hiện lạm phát đang giảm và nguy cơ thiểu phát là có. Kinh tế thế giới suy giảm, xuất khẩu giảm thì GDP sẽ giảm, đầu tư cũng sẽ giảm. Nhưng theo tôi nên chống lạm phát, đề phòng thiểu phát. Thiểu phát chỉ là nguy cơ mà thôi", GS Bội cân nhắc.
 
Còn theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: “Liệu có nên đặt vấn đề là “tiếp tục” chứ không phải “ưu tiên” nữa cho lạm phát và chuyển sang chống suy thoái”. Ông Tuyển cho rằng, không loại trừ nguy cơ thiểu phát do kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng, khiến xuất khẩu giảm, đầu tư giảm thì GDP cũng sẽ giảm. “Thiểu phát là nguy cơ chúng ta phải tính đến. Bởi nếu rơi vào tình trạng thiểu phát thì kinh tế vĩ mô sẽ xấu, tăng trưởng sẽ giảm và dẫn đến thất nghiệp”.
 
“Cứu” doanh nghiệp
 
Trong khi đó, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa căn cứ trên các cơ sở giá cả và GDP để phân tích: "Nếu GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm giảm sức mua. Nhưng với mức tăng trưởng dự kiến 6,5% trong năm nay Việt Nam vẫn đảm bảo tạo ra việc làm, thu nhập, tiêu dùng...".
 
Theo ông Kiêm, lúc này vẫn nên nhấn mạnh vấn đề cứu doanh nghiệp và củng cố tăng trưởng kinh tế: "Chưa cần đặt nặng vấn đề thiểu phát vì cứu nền kinh tế đồng nghĩa cứu cả thiểu phát và lạm phát. Nếu cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có điều kiện phát triển thì sẽ góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập và khi đó nhiều vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết trong đó có vấn đề tránh thiểu phát".
 
GS Cao Cự Bội lại đề xuất, phát hành trái phiếu Chính phủ để thành lập một quỹ hỗ trợ DN, thông qua các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn thuận tiện và lãi suất ưu đãi.
 
Chính các doanh nghiệp là nòng cốt cho tăng trưởng kinh tế nên nay nếu không có vốn mà đổ vỡ thì sẽ gây hệ lụy tai hại đến cả nền kinh tế quốc dân, có khi đến vài thập kỷ nữa mới phục hồi lại được, tất nhiên kèm theo nó sẽ không có tăng trưởng như mong muốn”, GS Bội nhấn mạnh. 

TS TRẦN DU LỊCH - VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ TP.HCM

Kích cầu phù hợp với chỉ số CPI

Khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái thì thị trường sẽ đình đốn, tình trạng thiểu phát xảy ra và xuất khẩu Việt Nam sẽ ngưng trệ, thị trường trong nước không “nuốt” nổi lượng hàng hóa đó... Khi đó, tôi sẽ đề nghị lập kịch bản kích cầu, kể cả cầu đầu tư và tiêu dùng, nhưng kích cầu phải cân đối vừa phải. Còn như hiện nay, kinh tế toàn cầu mới chỉ giảm sút chứ chưa suy thoái.

Trong cơ cấu CPI của ta, thực phẩm chiếm 43%, khi giá lương thực xuống nhanh thì chỉ số CPI sẽ rất thấp và có thể chuyển sang mức "âm" ngay, lúc đó là thiểu phát. Tôi cho rằng kể cả lạm phát hay thiểu phát thì vẫn nên thít chặt chính sách tiền tệ nhưng linh hoạt và giải quyết những nhu cầu đầu tư. Tất cả những điều này là để xử lý tình huống một cách linh hoạt.

 
Theo Hữu Vinh/Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm