Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19: Thành công hay thất bại?

10/10/2023 06:32 GMT+7 | ASIAD 2023

Đoàn Thể thao Việt Nam giành 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp hạng 21 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc tại ASIAD 19. Sau 2 lần đứng thứ nhất ở đấu trường khu vực, thành tích này trên rõ ràng không đáp lại kỳ vọng của người hâm mộ. TTVN thành công hay thất bại ở ASIAD và cần làm gì để tạo nên sức bật ở đấu trường châu lục và thế giới? Đây là vấn đề đang được đặt ra hết sức bức thiết chính từ giới chuyên môn.

Kể từ số báo hôm nay, Thể thao & Văn hóa mở chuyên mục "Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19" với mong muốn truyền tải tới độc giả những góc nhìn, ý kiến và đánh giá từ nhiều góc độ, nhằm đem tới cái nhìn toàn cảnh và cũng như cùng tìm kiếm giải pháp giúp TTVN sớm cất cánh phát triển trong tương lai gần.

Thành công "một nửa"

"So với chỉ tiêu tối đa đặt ra ban đầu, đoàn đã hoàn thành được hơn 50%, nhưng nếu ở mục tiêu tối thiểu thì đoàn đã hoàn thành chỉ tiêu", Trưởng đoàn Đặng Hà Việt đã đánh giá như vậy sau phần thi đấu của Đoàn TTVN sau phần thi đấu tại ASIAD 19.

Xét về số lượng HCV giành được trong chỉ tiêu có biên độ rất rộng từ 2 đến 5 HCV đặt ra trước giờ lên đường, có thể nói, Đoàn TTVN đã hoàn thành "một nửa" nhiệm vụ và các tuyển thủ cũng đã nỗ lực hết mình trong các cuộc thi đấu với mong muốn giành được thành tích tốt nhất.

Thực tế, nhìn vào số lượng HCV (3), tổng số huy chương (27) và thứ hạng (21/38) so với kỳ đại hội gần nhất (4 HCV, 16 HCB, 19HCĐ - xếp thứ 17/37), thành tích có sự sụt giảm về số lượng và chất lượng hay nói cách khác, TTVN đã không thể vượt qua chính mình trong một chu kỳ mới.

TTVN đến ASIAD 19 với vị thế của quán quân ở kỳ SEA Games 31 và 32. Gần 5 tháng trước đây, TTVN cũng đã kiến tạo nên cột mốc đáng nhớ kể từ khi hội nhập trở lại vũ đài quốc tế bằng việc lần đầu tiên bảo vệ thành công vị trí số 1 và giành vị trí số 1 ở một kỳ SEA Games được tổ chức ngoài Việt Nam.

Xét về vị thế, đây là bước đà thuận lợi để TTVN có thể bứt phá song các cuộc thi đấu ở ASIAD đã không như mong đợi. Đoàn TTVN đánh mất vị thế của nhà vô địch SEA Games khi so với các quốc gia trong khu vực. Xếp dưới Thái Lan (12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ), Indonesia (7, 11, 18), Malaysia (6, 8, 18), Philippines (4, 2, 12), Singapore (3, 6, 7).

Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19 - Kỳ I: Thành công hay thất bại? - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Khánh Phong giành HCB môn thể dục là một trong số ít VĐV của TTVN giành được thành tích xuất sắc tại ASIAD 19. ẢNH: AFP/TTXVN

Như vậy, qua thành tích đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận, thành công của TTVN chỉ nằm ở một nhóm môn, nhóm VĐV hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, giành được thành tích tốt. Về tổng thể, TTVN đã bị tụt lại trên bản đồ thể thao châu lục qua số lượng huy chương và thứ hạng khi so sánh với chính mình, cũng như với các đối thủ.

Thất bại ở các môn Olympic

Trong tổng số 27 tấm huy chương mà TTVN giành được tại ASIAD, có 10 tấm huy chương ở các môn hoặc nội dung có trong chương trình thi đấu tại Olympic 2024. Cụ thể gồm bắn súng (1 HCV, 1 HCĐ), bơi (2 HCĐ), Taekwondo (1 HCĐ), Rowing (3 HCĐ), thể dục (1 HCB) và Boxing (1 HCĐ). Còn lại, rất nhiều tuyển thủ ở nhóm môn Olympic 2024 ở các môn vật, Judo, cử tạ, bắn cung, đấu kiếm, điền kinh, cầu lông, bóng bàn… đã không để lại dấu ấn đặc biệt.

Sự thất thế ở môn thể thao cơ bản (điền kinh, bơi) và nhóm môn Olympic đã nêu trên thực tế là một phần nguyên nhân khiến sức mạnh của TTVN bị sụt giảm nghiêm trọng khi thi đấu ngoài khu vực. Đồng thời, nó cũng lý giải vì sao, các quốc như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore thường có thành tích và vị trí ổn định hơn so với TTVN khi thi đấu tại ASIAD hoặc Olympic. Đơn cử một ví dụ như đoàn Thái Lan. Chỉ tính riêng số HCV, Thái Lan có 7/12 HCV đến từ các môn Olympic như Golf, Sailing và Taekwondo.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC I - Ủy ban TDTT, nguyên Trưởng đoàn TTVN), thành tích của TTVN là thất bại khi không hoàn thành được mục tiêu trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam do Chính phủ đề ra là đứng trong Top 10 quốc hàng đầu châu Á về thể thao giai đoạn từ năm 2020-2030.

Nguyên nhân nằm ở chỗ, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tập trung phấn đấu cho ASIAD, Olympic từ rất lâu, trong khi TTVN có chuyển biến, có thành tích ở một vài môn Olympic như bắn súng, cử tạ, thể dục, bơi, điền kinh nhưng rất chậm.


Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm