Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19 - Kỳ II: Muốn tạo sức bật cho thể thao phải đẩy mạnh xã hội hóa!

11/10/2023 14:29 GMT+7 | ASIAD 2023

ASIAD 19 đã chỉ ra nhiều hạn chế và thể thao Việt Nam (TTVN) cần làm gì để vươn lên ở đấu trường châu lục và thế giới? Trong số báo hôm nay, Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu tới độc giả ý kiến của 3 nhà báo đã có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực thể thao: Nhà báo Quốc Huy (nguyên Tổng biên tập Báo Thể thao ngày nay), nhà báo Huy Thọ (nguyên Trưởng ban Thể thao - Báo Tuổi trẻ) và nhà báo Quang Tuyến (nguyên Trưởng ban Thể thao - Báo Thanh Niên).

TTVN cần nhìn nhận những gì sau ASIAD 19

* Xin được cảm ơn nhà báo Quốc Huy, nhà báo Huy Thọ và nhà báo Quang Tuyến đã tham gia cuộc trò chuyện cùng với PV TT&VH. Cuộc thi đấu tại ASIAD 19 đã khép lại và để lại nhiều nỗi trăn trở khi thành tích của TTVN không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ trong vai trò của đoàn thể thao từng 2 lần đứng đầu ở SEA Gmaes và theo các nhà báo, điều mà những người làm chuyên môn của TTVN cần nhìn nhận sau kỳ đại hội vừa qua là gì?

- Nhà báo Quốc Huy: Việc so sánh đạt thành tích cao ở SEA Games và ASIAD có phần cũng khập khiễng vì đây là 2 đại hội thể thao có bản chất, quy mô và mức cạnh tranh hoàn toàn khác nhau. Vì thế, cách làm để có được thành công ở ASIAD cũng chắc chắn sẽ phải khác biệt với SEA Games. Thực tế, trong nhiều năm qua, mục tiêu ở SEA Games, ASIAD hay kể cả ở đấu trường lớn hơn, TTVN cũng đã từng đặt ra rồi. Nhưng tôi có cảm giác, mới chỉ dừng lại ở mức định hướng và "ngắm nhìn" thôi chứ thực hiện chưa thực sự quyết liệt để giành thành tích cao. Chúng ta cũng có những tài năng thể thao, nổi bật nhất như Ánh Viên (bơi) hay Tiến Minh (cầu lông) nhưng thử hỏi liệu đã đầu tư quyết liệt, nâng tầm để họ vươn tới đỉnh cao thế giới? Rộng hơn, trong số khoảng 15 môn thể thao được đầu tư ở mức cao nhưng cũng thực sự chưa đến nơi đến chốn. Có những ý kiến về ngân sách đầu tư cho thể thao còn thấp song nguồn ngân sách chỉ có như vậy. Vấn đề là cần có sự chọn lọc để làm sao tạo được hiệu quả cao nhất. 

- Nhà báo Huy Thọ: Gần đây, cụm từ "săn vàng", "săn huy chương" xuất hiện rất nhiều mỗi khi Đoàn TTVN tham gia thi đấu ở mỗi kỳ SEA Games hay ASIAD. Nhiều lúc ngồi ngẫm lại, tôi thấy nhiều khi người Việt mình dường như chỉ thích thành tích nên bộ máy thể thao cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi điều đó.Nhìn vào TTVN hiện nay, tôi thấy cách phát triển có gì đó giống với trái sầu riêng, nghĩa là rất nhiều mũi nhọn. Chúng ta thi đấu ở SEA Games 32, giành được cả HCV cờ cốc, rồi Kun Khmer, Kun Bokator và rất nhiều môn thể thao mới. Nhưng TTVN lại thiếu những mũi giáo thực sự sắc bén để giành thành tích ở đấu trường cao hơn

Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19 - Kỳ II: Muốn tạo sức bật cho thể thao phải đẩy mạnh xã hội hóa! - Ảnh 1.

Nhà báo Huy Thọ

Tại ASIAD 19, TTVN giành được 3 HCV ở các môn bắn súng, cầu mây và karate nhưng điều tôi vẫn băn khoăn, đây liệu có phải những môn thể thao phổ biến, nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng? Trong khi nhiều môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… được người Việt rất hâm mộ thì thành tích không cao?Thể thao thì suy cho cùng mang tính giải trí và nếu có thành tích thì làm cho người dân hưng phấn và tham gia tập luyện thể thao càng nhiều, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

- Nhà báo Quang Tuyến:Thực tế kết quả từ ASIAD 19 cho thấy TTVN đang tự thụt lùi so với chính mình. Chúng ta 2 lần đứng đầu SEA Games gần nhất, nhưng khi từ bỏ "ao làng" để bước ra "biển lớn" mới thấy vị thế của TTVN là rất thấp trong bản đồ khu vực, chỉ đứng thứ 6 ở Đông Nam Á. Thậm chí, đặt lên bàn cân để so sánh một cách khoa học thì hầu hết những huy chương vàng mà các nước trong khu vực giành được đều nằm ở các nội dung cơ bản của Olympic. Trong khi đó ngoài bắn súng, thể thao Việt Nam chỉ giành những thành tích cao nhất ở 2 môn cầu mây và karatedo (không có trong Olympic), còn lại điền kinh, bơi lội, bắn cung, taekwondo và nhiều môn Olympic khác kết quả đều thấp hơn mong đợi, thua cả chính mình.

Để xảy ra hiện trạng này có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan từ cơ sở vật chất lạc hậu, trang thiết bị thiếu thốn, chế độ dinh dưỡng và thu nhập cho VĐV, huấn luyện viên còn quá thấp, không kích thích được sự nỗ lực, việc tăng cường tập huấn, cọ xát thi đấu tích lũy kinh nghiệm, tìm hướng cho VĐV có khả năng xuất ngoại thi đấu ở những nền thể thao phát triển, chưa được triển khai đồng bộ và thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó sự chỉ đạo, quân tâm đến các môn thể thao trọng điểm có trong chương trình Olympic từ phía ngành TDTT còn thiếu sâu sát, sự đầu tư còn dàn trải dẫn đến công tác chuẩn bị chưa đạt chất lượng, mặt khác là sự hụt hẫng lực lượng kế thừa..

Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19 - Kỳ II: Muốn tạo sức bật cho thể thao phải đẩy mạnh xã hội hóa! - Ảnh 2.

Công tác xã hội hóa thể thao cần phải đẩy mạnh để tạo động lực phát triển cho TTVN. ẢNH: TTXVN.

Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thể thao

* Một vấn đề được đặt ra ở thời điểm hiện tại là việc đầu tư cho thể thao còn hạn chế dẫn đến thành tích không cao. Nhưng đứng trước những đòi hỏi rất lớn về thành tích trên đấu trường châu lục và thế giới, theo các nhà báo, TTVN cần phải làm những gì để tạo nên sức bật?

- Nhà báo Quốc Huy: Việc lựa chọn những môn thể thao nào để đầu tư cần phải được tính toán nghiêm túc và phải thực hiện đúng nghĩa của từ "tập trung". Ở đây, cần có sự "mạnh dạn" của những người làm công tác chuyên môn trong việc sàng lọc để tránh lãng phí nguồn lực và không làm đến nơi đến chốn. Ngoài ra, nếu tôi không nhầm, câu chuyện xã hội hóa thể thao được nhắc tới đến 20 năm rồi nhưng đến nay, có bao nhiêu môn, bao nhiêu liên đoàn, hiệp hội làm được theo đúng nghĩa của cụm từ "xã hội hóa"?

Trước đây, khi giao một môn thể thao cho liên đoàn, hiệp hội làm còn nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện sự lo lắng về việc thiếu đoàn kết dẫn đến không thể phát triển. Nhưng trên hết, cần sự quyết liệt, thí điểm làm 1 vài môn, 1 vài liên đoàn cho thật tốt để làm động lực kéo theo những môn khác, rồi mới tạo nên sự trơn tru, sức bật cho cả nền thể thao. Mở rộng và nâng cao vai trò để liên đoàn, hiệp hội thực hiện xã hội hóa theo đúng nghĩa sẽ tạo nên động lực phát triển.

+ Nhà báo Huy Thọ: TTVN thì không thể đi theo xu hướng như kiểu "nuôi gà nòi" để giành thành tích cao và câu chuyện ở đây tôi nghĩ là cần thay đổi về cách quản lý và vận hành bộ máy thể thao. Từ cách đây ba, bốn mươi năm trước những nhà báo thể thao lão thành đã từng đề cập đến xu thế chung trên thế giới, cần tận dụng nguồn lực của xã hội để phát triển thể thao, vì không có một nhà nước nào có thể lấy ngân sách để đáp ứng toàn bộ nhu cầu phát triển thể thao thành tích cao. Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn, hiệp hội cần phải trở thành cánh tay nối dài của bộ máy nhà nước.

Gần đây, mô hình ở môn bóng rổ như thế nào, tất cả mọi đều thấy rõ với giải đấu chuyên nghiệp được Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam làm rất thành công. Nhìn rộng hơn, ở các nước như Thái Lan, Singapore , Malaysia… cũng như vậy. Nhiều doanh nhân, chính khách đã nghỉ nổi tiến, họ sử dụng uy tín và nguồn lực của mình để vận động xã hội và mọi người cùng tham gia làm thể thao. Đặc biệt, họ làm thể thao dưới góc nhìn của người làm kinh doanh, marketing nên tạo ra hiệu quả khác biệt. Ở đây, nếu như có những doanh nhân có những cộng đồng yêu thích môn thể thao nào thì cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. 

Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19 - Kỳ II: Muốn tạo sức bật cho thể thao phải đẩy mạnh xã hội hóa! - Ảnh 3.

Nhà báo Quang Tuyến

- Nhà báo Quang Tuyến: Từ giờ đến Olympic 2024 không còn xa và hướng đến những mục tiêu của 5 năm tiếp theo (2025 - 2030), nếu muốn thay đổi lại phần nào diện mạo của thể thao nước nhà, ngành TDTT cần phải có kiến nghị tăng ngân sách cho thể thao và sử dụng đúng mục đích, đầu tư quyết liệt cho các môn mũi nhọn. Ngành TDTT phải huy động được các nguồn lực xã hội để tránh tình trạng "giật gấu vá vai" khi chỉ trông chờ vào Nhà nước. Mặt khác phải gấp rút tổng rà soát lại các cơ sơ vật chất, trang thiết bị để cải tạo, nâng cấp mua sắm mới những công cụ hiện đại đảm bảo nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức, thi đấu cho VĐV. Cần phải cải thiện tiền lương, chất lượng bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho lực lượng chuyên môn và phải mời nhiều hơn nữa các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi để nâng tầm lối chơi, ý thức chiến thuật và kỷ luật khoa học trong thi đấu cho các đội tuyển, các VĐV.

* Xin cảm ơn nhà báo Quốc Huy, nhà báo Huy Thọ và nhà báo Quang Tuyến về cuộc trao đổi. 

Phúc Hưng (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm