02/10/2015 17:27 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà Vua trở lại. King Eric trở lại. Vào ngày 1/10/1995, sau 8 tháng bị treo giò. Vì cú kung-fu kinh điển.
Bạn có thể dùng đạo đức, pháp lý để phán xét cú kung-fu đó. Nhưng chính nó đã làm lay động những trái tim Quỷ đỏ vốn đã thổn thức vì anh. Trước cú kung-fu nhắm vào người CĐV có tên Matthew Simmons của Crystal Palace ở Selhurst Park vào ngày 25/1/1995, Eric Cantona đã là một cầu thủ xuất sắc và cá tính. Sau kung-fu, anh là một huyền thoại, một tượng đài bất tử.
Simmons đã xúc phạm anh, đã chửi anh “mẹ thằng Pháp chó chết”. Dịch “chó chết” vẫn chưa đúng nghĩa, vì từ gốc tục hơn nhiều. Bạn có thể bảo rằng là cầu thủ chuyên nghiệp thì phải thế này, thế kia, phải thích nghi với bầu không khí thù địch, những lời thóa mạ. Nhưng Cantona thì khác. Anh là Quỷ đầu đàn. Anh là đại ca của những Scholes, Giggs, Beckham, Roy Keane, Schmeichel. Alex Ferguson, lúc bấy giờ chưa được phong “Sir”, còn phải sợ anh.
Cantona trả giá cho cú kungfu của mình bằng chiếc thẻ đỏ
Anh không chủ động chơi xấu, chơi bẩn ai. Nhưng ai chơi bẩn, anh không đời nào bỏ qua. Quân tử có thù phải trả, King Eric là thế. Anh sẵn sàng vứt bỏ tất cả, bất chấp tất cả để bảo vệ danh dự. Nếu không chống trả khi bị xúc phạm thì anh liệu có bảo ban được các đàn em?
Cú kung-fu nhắm vào Simmons là rất mạnh. Án treo giò của FA là rất nặng, nặng nhất trong lịch sử. Theo Manchester Evening News, Nike, lúc bấy giờ ký hợp đồng tài trợ với cá nhân Eric Cantona, yêu cầu anh xin lỗi.
King Eric xin lỗi, theo đúng phong cách ngang tàng của anh: “Xin chào, tôi muốn xin lỗi. Tôi đã phạm một số sai lầm tệ hại. Năm ngoái, trong trận thắng 5-0, tôi chỉ ghi được 1 bàn. Rồi ở trận gặp Newcastle, tôi sút chệch khung thành trong gang tấc, nên không thể lập hat-trick. Tôi nhận thấy những hành vi như thế là không thể chấp nhận được và tôi hứa sẽ không tái phạm sai lầm. Cảm ơn!”.
Khi Nhà vua chuẩn bị trở lại, Nike làm banner như sau: “Anh đã bị trừng phạt vì sai lầm. Giờ đến lúc đối thủ bị trừng phạt” (nguyên gốc: "He's been punished for his mistakes. Now it's someone else's turn”).
Trang bìa tạp chí Manchester United in hình Cantona với nụ cười, và dòng tít: 'The Return of the King: Magnificent Seven'. Sự trở lại của Nhà Vua: Số 7 huyền ảo.
Norman Davies, người phụ trách trang phục của M.U, và cũng là người can ngăn Cantona đạp tiếp Simmons, đã mang theo chiếc áo số 7 của anh đi khắp nước Anh trong 8 tháng treo giò. Anh không bao giờ cô đơn, ngay cả khi người ta trừng phạt anh.
CĐV Man United vẽ số 7 lên mặt
CĐV vẽ tên anh, số 7 lên mặt. Các băng rôn tràn ngập dòng chữ về câu nói nổi tiếng của anh: “Khi những con mòng biển đuổi theo một chiếc tàu cá, chúng nghĩ rằng người ta sẽ ném cá trích xuống biển”. Nổi tiếng nhưng không ai hiểu. Mọi lý giải, phân tích sau đó chỉ là phán đoán.
Ngày 1/10/1995, Nhà Vua trở lại. Fan M.U gọi đó là “Red October” (tháng Mười màu Đỏ). Anh trở lại, ở trận gặp Liverpool, đối thủ lớn nhất của M.U lúc bấy giờ. Phải sống, trải nghiệm giai đoạn đó mới hiểu được cảm giác của fan Quỷ đỏ khi Cantona trở lại. Anh kiến tạo để Nicky Butt ghi bàn đầu tiên. Và anh tự mình ghi 1 bàn. Sân Old Trafford như nổ tung. Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2 và M.U bị đầu bảng Newcastle bỏ xa 10 điểm.
10 điểm? Chuyện nhỏ. Vì King Eric trở lại. Có nghĩa là sự tự tin, vinh quang sẽ trở lại. 4 tháng sau, ngày 3/2/1996, Cantona lần đầu tiên trở lại sân Selhurst Park kể từ cú kung-fu. Anh lập cú đúp trong chiến thắng 4-2 trước Wimbledon. Ở giai đoạn 2 của mùa giải 1995-96 ấy, M.U giành nhiều chiến thắng 1-0, với bàn duy nhất được ghi bởi Cantona. Ngày 9/3, M.U vượt mặt Newcastle và cuối cùng vô địch Premier League. Đây được xem là màn ngược dòng kinh điển trong lịch sử Premier League.
M.U cũng lọt vào Chung kết FA Cup, gặp Liverpool. Cantona mang băng thủ quân khi Steve Bruce vắng mặt vì chấn thương. M.U lại thắng 1-0, nhờ bàn duy nhất của Cantona ở phút 86. Cú vô lê xuyên qua rừng người ấy luôn tồn tại trong ký ức các Quỷ đỏ.
1 năm sau, anh tuyên bố giải nghệ, một cách đột ngột, khi chưa tròn 31 tuổi. Cả thế giới sốc.
Nhưng như thế mới là King Eric...
* Số phận bi kịch của "nạn nhân"
Vụ ẩu đả với Cantona khiến Simmons bị công ty sa thải
Vụ ẩu đả với Cantona khiến Simmons bị công ty sa thải. CĐV của Crystal Palace trong nhiều năm liền chật vật kiếm việc làm bởi không ai muốn thuê anh. Crystal Palace thu hồi vé trọn mùa của Simmons, cấm vĩnh viễn anh ta tới sân vận động. Cuộc hôn nhân của Simmons cũng thất bại, kết thúc bằng ly dị dù đã có con chung. Thành viên gia đình cũng quay lưng lại với Simmons, cắt đứt quan hệ. Quan tâm tới Simmons chỉ có phóng viên của các tờ báo, chạy theo anh mong có thêm mảnh ghép của câu chuyện.
Cuộc sống khắc nghiệt khiến tâm lý và tính khí của Simmons càng bất ổn. Tháng 5/2011, Simmons bị buộc tội tấn công HLV của đội bóng ngôi trường nơi con trai đang theo học. Vị HLV này nhận ra Simmons và quyết định rút con trai của anh ra khỏi đội hình thi đấu chính thức. Quyết định này gây ra một cuộc ẩu đả lớn nơi băng ghế dự bị. May mắn là Simmons thoát được án tù.
Hai thập kỷ trôi qua, cú đá kung-fu của Cantona vẫn ảnh hưởng lớn đến Simmons. Simmons một năm trước còn làm thợ xây, thi thoảng đi xem các trận đấu của Chelsea và Fulham bởi những khán đài đó "ít bạo lực". Hai thập kỷ trước, nếu Simmons điềm tĩnh hơn trong một vài giây, cuộc sống của anh có lẽ đã khác.
Nhưng cả Simmons lẫn huyền thoại bóng đá Pháp chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau thời điểm đó.
Đức Lộc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất