Người Trung Quốc đau đầu vì vấn đề nhà trẻ

25/02/2010 10:36 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tại thủ đô Trung Quốc hiện nay, số tiền mà các bậc phụ huynh phải bỏ ra để cho con theo học mẫu giáo còn lớn hơn cả chi phí vào đại học. Đó là thông tin đáng chú ý được tờ Christian Science Monitor đưa ra trong phóng sự viết về thực trạng giáo dục mầm non ở quốc gia hơn 1 tỷ dân, khi người ngoại tỉnh không ngừng đổ về đô thị mà số lượng trường mầm non thì có hạn.

Phí mầm non vượt phí đại học

“Trường tư có học phí cực kỳ đắt đỏ trong khi vào trường công lại rất khó khăn” - anh Xing Jun, một giám đốc kinh doanh có con lên 2 tuổi ở Bắc Kinh, tâm sự với phóng viên của Christian Science Monitor - “Vợ chồng tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị cho tình huống này khi sinh con”. Theo các bậc phụ huynh và giáo viên, hiện nay hoàn toàn không thể tìm được một trường mẫu giáo danh tiếng ở Bắc Kinh với học phí thấp hơn 1.000 NDT (khoảng 150 USD)/tháng.


Xing Jun và đứa con trai mà anh chưa biết sẽ cho đi học ở đâu
Nhưng đây chưa phải là con số cao nhất. Christian Science Monitor cho biết có một số trường mẫu giáo thu phí cao gấp 5 lần mức trên, gây sức ép khủng khiếp lên túi tiền của ngay cả những bậc phụ huynh khá giả. Để tiện so sánh, học phí và chi phí chỗ ở tại Đại học Bắc Kinh, trường đại học tốt nhất nước, chỉ rơi vào khoảng 700 NDT/tháng, nhờ sự hỗ trợ mạnh của chính phủ. Tại Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng tập trung cho hoạt động chăm sóc trẻ em, hai năm đi mẫu giáo tốn kém trung bình 500.000 yen (232 USD/tháng). Mức giá ở các “trường chuyên lớp chọn” có thể cao hơn gấp 10 lần con số đó. Nhưng thu nhập trung bình của lao động Nhật Bản cũng nhiều hơn gấp 10 lần lao động Trung Quốc nên họ vẫn có thể chịu được mức phí cao. Và quan trọng là người Nhật không phải chịu sức ép dân số lớn như người Trung Quốc.

Tình trạng cầu vượt cung quá lớn đã khiến cơ quan giáo dục Bắc Kinh phải vất vả đối phó. Năm nay họ đã tăng quy mô lớp học từ 35 lên 40 trẻ/lớp. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, chính phủ đã thêm lớp học tại 12.000 địa điểm khác nhau và có kế hoạch tăng lên nữa trong tương lai gần.

Nửa số trẻ không thể tới trường

Nhưng ngay cả như vậy vẫn có khoảng 250.000 đứa trẻ ở Bắc Kinh, tức một nửa tổng số trẻ tới tuổi đi mẫu giáo, không có nơi nào để vào học.

Sức ép dồn lên các nhà trẻ rất lớn, đặc biệt là thời điểm hiện tại bởi số trẻ sinh vào năm 2007, năm đẹp theo Âm lịch, đã tới tuổi đến trường. Theo các số liệu thống kê chính thức, tỷ lệ sinh ở Bắc Kinh đã đột ngột tăng vọt 25% hồi năm 2007 và đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ.


Những đứa trẻ vui đùa nhân dịp năm mới tại trường học ở Trung Quốc
Tất cả những điều này khiến người nghèo ở Bắc Kinh buộc phải quay lại hình thức chăm sóc trẻ truyền thống: gửi con cho cha mẹ mình. Nhưng nhiều bậc cha mẹ với mức sống trung lưu vẫn muốn những đứa con của họ phải được thụ hưởng sự đào tạo tốt nhất để có thể đương đầu với cuộc sống hiện đại.

“Chúng tôi luôn phải cạnh tranh” - Lu Qi, giám đốc kỹ thuật 32 tuổi tại một nhà máy sản xuất đĩa Blu-ray ở Bắc Kinh, nói đầy lo lắng - “Nếu các bậc phụ huynh khác tìm cách đưa được con tới trường còn bạn thì không, con bạn sẽ chẳng có ai chơi cùng. Cha mẹ không muốn con cái thua thiệt ngay từ vạch xuất phát”. Được biết từ tháng 6 năm ngoái, chị Lu đã dành thời gian đi tìm trường tốt để đứa con hơn 2 tuổi có thể nhập học vào tháng 9 tới. Chị cho biết nếu không đưa con tới trường sớm, đứa trẻ sẽ không biết cách giao tiếp với bên ngoài cũng như thiếu các kiến thức xã hội cần thiết.

Hao Jianqiu, hiệu trưởng trường mẫu giáo Donghuamen nằm gần Tử Cấm Thành được đánh giá cao tại Bắc Kinh, cũng có đồng quan điểm với Lu. “Cha mẹ ngày nay phải chú tâm nhiều hơn tới vấn đề học hành của con cái. Những đứa trẻ phải gánh vác toàn bộ hy vọng của gia đình trên vai. Nếu hoạt động dạy dỗ đứa trẻ không thành công, hy vọng của cả gia đình cũng coi như bị đổ vỡ” - bà Hao nói - “Điều tốt là ngày nay các bậc phụ huynh đã chú ý nhiều hơn tới giáo dục ở bậc mẫu giáo. Điều xấu là nó gây sức ép khủng khiếp lên đứa trẻ”.

Ở Bắc Kinh, sẽ là điều bình thường nếu một đứa trẻ 3 tuổi được học tiếng Anh. Cũng hoàn toàn bình thường nếu sau khi tới trường, đứa trẻ được đưa đi học nhạc, taekwondo, chơi cờ... Dĩ nhiên những môn học thêm này sẽ khiến hầu bao phụ huynh vơi đi không ít.

“Đốt tiền” cho con đi học

Tại các trường công, lương của giáo viên được nhà nước trả. Donghuamen thu học phí theo đúng chuẩn được nhà nước chấp nhận là 1.000 NDT/tháng. Nhưng bà Hao cho biết trong số 800 đứa trẻ xin vào học, trường chỉ có thể thu nhận 110 em.

Anh Xing Jun đã đưa con trai Xing Yuchen tới xin học ở Donghuamen. Tuy nhiên ở đây, người ta nói với anh rằng đứa trẻ chỉ có cơ hội được nhận nếu tham gia các khóa học đánh giá và chuẩn bị diễn ra mỗi tuần dưới sự kèm cặp của ít nhất một phụ huynh. Cả hai vợ ồng anh Xing đều không có dư thời gian để đáp ứng yêu cầu này. Hai trường công khác với mức học phí vừa phải đã nói thẳng rằng Xing Jun không có “cửa” nào để cho con vào học.

Tình trạng thiếu lớp học công đã dẫn tới thực tế trường tư bùng nổ và những ngôi trường này có thể thu phí tùy ý. Nhiều trường chỉ đơn giản là làm công việc trông trẻ. “Nhưng nếu trông con là điều tôi tìm kiếm, tôi sẽ nhờ mẹ mình làm việc đó thay vì gửi trường tư” - Xing Jun nói.

Giờ Xing Jun chỉ còn hy vọng gửi con vào một trường công chuyên nhận các trẻ Hồi giáo bởi anh thuộc tộc người Hồi thiểu số. Nhưng ngay cả ngôi trường này cũng đã quá tải. “Một người họ hàng của tôi đã phải trả phí nhà trẻ tư lên tới 4.500 NDT/tháng” - Xing Jun kể - “Nếu hy vọng vào ngôi trường công cuối cùng không thành, chúng tôi sẽ phải dùng đến số tiền dành dụm để chi tiêu cho con trong tương lai. Chúng tôi không muốn bé Xing Yuchen tụt hậu khi cháu bước vào tiểu học”.
Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm