Tròn 30 năm gỡ lệnh cấm cầu thủ nước ngoài: Ba thập kỷ đổi thay

09/10/2010 12:20 GMT+7 | Italy

(TT&VH) - Đầu năm 1980, có một HLV đã từng tuyên bố rằng nếu có trong tay 3 ngoại binh, ông sẽ đưa đội bóng của mình vô địch Serie A. 30 năm sau, chủ tịch Moratti của Inter có thể tuyên bố ngược lại rằng, chỉ với 3 cầu thủ Italia, đội bóng của ông sẽ vẫn có thể thống trị Italia.

30 năm luật Stranieri được gỡ bỏ


Zanetti (áo sáng) là "Cây trường sinh" ngoại quốc ở Serie A, Ảnh Getty
Từ khi Serie A chính thức ra đời, chuyện nhập khẩu các cầu thủ nước ngoài đã không còn xa lạ với các tifosi Italia. Ngay như Inter, đội bóng có cái tên với ý nghĩa "quốc tế" cũng là tập hợp của một đội bóng đa quốc tịch với những cầu thủ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Sự có mặt của các cầu thủ nước ngoài một mặt giúp Serie A ngày càng phát triển, một mặt cũng mang lại những hạn chế về nguồn nhân lực  đóng góp cho ĐTQG.

Sau khi không thể vượt qua vòng loại World Cup 1958 kèm theo các trận thua Chile (World Cup 1962) và Bắc Triều Tiên (World Cup 1966), Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC) đã có một quyết định dũng cảm khi áp dụng luật Stranieri (Stranieri trong tiếng Italia nghĩa là “Người nước ngoài”) nhằm cấm các cầu thủ nước ngoài tiếp tục chơi bóng ở Serie A. Mục đích của luật Stranieri là nhằm giúp các cầu thủ Italia có cơ hội để phát triển. Những năm sau đó, Italia vô địch Euro 1968, lọt tới chung kết World Cup 1970, giành vị trí thứ tư ở World Cup 1978 và đến năm 1982 thì trở thành nhà vô địch thế giới.

Thành công ở cấp ĐT nhưng ở cấp độ CLB, bóng đá Italia vẫn không được đánh giá cao ở đấu trường châu lục. Nguyên nhân là trong khi tất cả các CLB Italia chỉ dựa vào nội lực sẵn có thì các đội bóng tên tuổi của châu Âu đều thu về thành công nhờ có nòng cốt là các cầu thủ có quốc tịch nước ngoài. Nhận thấy luật Stranieri đang đi ngược với xu thế phát triển chung của thời đại, FIGC cuối cùng cũng đã phải dỡ bỏ luật Stranieri vào năm 1980, chấm dứt 14 năm cấm các cầu thủ nước ngoài thi đấu ở Serie A.

Ban đầu, FIGC chỉ cho tối đa mỗi CLB có 1 cầu thủ nước ngoài sau đó qua từng mùa giải, con số này tăng lên 2, 3 và cho tới hiện tại, sau 30 năm, số cầu thủ nước ngoài gần như có giới hạn trong mỗi CLB Italia.

Ảnh hưởng của “Stranieri” lên Serie A

Thực tế, sự có mặt của các cầu thủ ngoại không hoàn toàn khiến cho các cầu thủ Italia hết cơ hội để phát triển. Bằng chứng là kể từ khi luật Stranieri được gỡ bỏ, ĐT Italia vẫn vào tới bán kết World Cup 1990, chung kết World Cup 1994 hay chức vô địch thế gới năm 2006, bên cạnh đó là ngôi Á quân Euro 2000. Ở cấp CLB, cũng nhờ những đóng góp của các cầu thủ nước ngoài mà Serie A trở thành giải đấu số 1 của châu Âu ở các thập niên 1980 và 1990.

Juventus với sự có mặt của Michel Platini đã vô địch châu Âu năm 1985, Milan với bộ ba người Hà Lan bay Marco Van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard đã có 3 C1/Champions League vào các năm 89, 90 và 94. Đến năm 96, đội trưởng Deschamps giúp Juventus tiếp tục ghi danh vào bảng vàng Champions League với chức vô địch thứ hai. Ngay như Napoli, CLB lột xác với “Cậu bé vàng” Diego Maradona, từ chỗ khẳng định vị trí ở giải quốc nội cũng đã thể hiện được đẳng cấp tại châu Âu với UEFA Cup năm 1989.

Sau này, sự có mặt của những Zidane, Seedorf, Davids , Ronaldo, Kaka… Serie A vẫn có được những bước tiến vượt bậc ở đấu trường châu Âu. Ví dụ cụ thể nhất là Milan đã kịp thời bỏ túi thêm 2 Champions League nữa (2003 và 2007), Inter sau 3 UEFA Cup (91, 94 và 98) cũng đã 1 lần được vinh danh với Champions League 2010. Vì thế không thể phủ nhận vai trò của các cầu thủ nước ngoài trong bước phát triển của bóng đá Italia.

Song cũng bởi xu thế phát triển chung của thời đại, ngày nay các CLB Serie A đang phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố ngoại binh. Những đội bóng vốn hội tụ nhiều cầu thủ Italia nhất (Juventus) lại đang tụt lùi dần so với những CLB đang đi theo xu hướng toàn cầu hóa. Đơn cử như trường hợp của Inter ở mùa giải năm ngoái là một ví dụ điển hình. Đội bóng của chủ tịch Massimo Moratti giành cú ăn ba lịch sử với chỉ 3 cầu thủ mang quốc tịch Italia (Santon, Materazzi và Balotelli). Điều đáng nói là cả 3 cầu thủ này đều không đóng vai trò chủ chốt trong thành công của ĐKVĐ châu Âu

Thái Toàn

Một số kỉ lục của các “Stranieri”

+ Sinisa Mihajlovic (Serbia): Ghi nhiều bàn thắng nhất từ đá phạt trực tiếp (28 bàn) và ghi được nhiều bàn thắng nhất từ đá phạt trực tiếp trong một trận đấu (3 bàn, trong trận Lazio 5-2 Sampdoria ngày 13/12/1998)

+ Gunnar Nordahl ( Thụy Điển): Ghi được nhiều bàn thắng cho một CLB Serie A (210 bàn cho Milan từ năm 1948-1956) và nhiều lần giành danh hiệu “Vua phá lưới” nhất (5 lần)

+ Khouma Babacar (Senegal): Cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại Serie A (Fiorentina, 17 tuổi và 3 ngày).

+ Javier Zanetti (Argentina ): Cầu thủ nước ngoài chơi bóng ở Serie A nhiều nhất (502 trận)

+ James Spensley (Anh), Dejan Stankovic (Serbia) và Walter Samuel (Argentina): Giành nhiều Scudetto nhất (cùng 6 lần)

+ Patrick Vieira (Pháp): Giành Scudetto với nhiều CLB nhất (Milan 1, Inter 3, Juventus 1)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm