Premier League: Khủng hoảng tài chính đe dọa West Ham

09/10/2008 10:08 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - West Ham hiện đang đứng trước một hiểm họa thật sự về tài chính với việc có thể mất một khoản tiền lên tới 100 triệu bảng khi ông chủ của họ, Bjorgolfur Gudmundsson, bị chính quyền Iceland buộc phải từ nhiệm ở ngân hàng Landsbanki vào hôm qua.

Tờ Sportsmail cho hay Gudmundsson, từng là chủ tịch và cổ đông lớn nhất của ngân hàng số hai của Iceland, đang đứng trước sức ép rất lớn của nhà nước Iceland yêu cầu ông rút bớt các tài sản ở nước ngoài để góp phần cứu vãn nền kinh tế đang lâm vào đình đốn trong nước. Tối hôm thứ Ba, chính quyền Băng đảo thừa nhận họ đang ở trên bờ vực “một cuộc phá sản mang tầm vóc quốc gia” và Gudmundsson, đã mua lại West Ham với giá 85 triệu bảng vào tháng 11/2006, có lẽ sẽ bắt đầu lắng nghe những lời đề nghị mua lại đội bóng.
 
West Ham (trái) đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính

HLV mới được tuyển mộ Gianfranco Zola cũng đã được lãnh đạo CLB thông báo rằng ông sẽ phải bán bớt cầu thủ nếu muốn có tiền tăng viện vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông sẽ mở cửa vào tháng 1/2009. Phó chủ tịch West Ham Asgeir Fridgeirsson cảnh báo: “Ngài Gudmundsson không có ý định đầu tư nhiều hơn nữa cho CLB vào thời điểm hiện tại. Ông ấy đã bỏ vào đội bóng 30 triệu bảng. Chúng tôi có một đội hình rất lớn lên tới 35 cầu thủ và nếu HLV muốn mua cầu thủ mới, ông sẽ phải kiếm tiền từ việc bán bớt”.

Mặc dù West Ham khẳng định rằng Gudmundsson vẫn có thể trang trải khoản nợ đang ngày càng gia tăng của CLB bằng tiền túi của ông, nhưng trong lần kiểm toán tiếp theo, dự kiến sẽ được công ty kiểm toán độc lập Deloitte & Touche công bố vào tháng 12 năm nay, nhiều khả năng sẽ mang tới một kết quả rất đáng buồn cùng những khoản thua lỗ khổng lồ.

Trải qua nhiều cuộc vay mượn với thủ tục rắc rối và phức tạp, kết quả kiểm toán công bố ngày 31/5/2007 cho thấy West Ham hiện nợ tổng cộng 60 triệu bảng với một quỹ lương lên tới 41 triệu bảng một năm. Mà kết quả đó còn là trước khi Upton Park rước về Kieron Dyer (60.000 bảng một tuần), Craig Bellamy (65.000 bảng) và Freddie Ljungberg (85.000 bảng) (tiền vệ người Thụy Điển đã rời CLB với khoản tiền bồi thường hợp đồng 6 triệu bảng). Dean Ashton cũng đã được ký một hợp đồng mới trong mùa Hè cùng mức lương 50.000 bảng một tuần, đó là chưa kể Lucas Neil (65.000 bảng), Scott Parker (60.000 bảng) và Lee Bowyer (40.000 bảng).
 

Trong mùa Hè, West Ham thu được 19 triệu bảng từ tiền bán cầu thủ, bao gồm Anton Ferdinand (8 triệu bảng), Bobby Zamora (4,8 triệu bảng) và George McCartney (4,8 triệu bảng), cũng nằm trong kế hoạch huy động tiền mặt hòng vượt qua tình trạng tài chính khó khăn hiện giờ. Tổng doanh thu của đội bóng năm ngoái là 57 triệu bảng, với một khoản thua lỗ là 19 triệu bảng, chưa kể mối đe dọa đáng sợ từ Sheffield United, đã thắng vụ kiện đòi 30 triệu bảng bồi thường cho việc họ phải xuống hạng. Nếu Tòa án trọng tài thể thao ở Thụy Sĩ từ chối xét lại vụ kiện đã được một tòa án độc lập kết luận trước đó theo đơn kháng cáo của West Ham, túi tiền của ông chủ sân Upton Park sẽ lại bị một đòn chí tử nữa. Hiện giờ, những cầu thủ giá cao và dễ tìm được người mua trên thị trường chuyển nhượng như thủ thành Robert Green, các tiền đạo Bellamy hay Ashton, rất có thể sẽ chia tay West Ham vào tháng Giêng.

Một lựa chọn nữa cho Gudmundsson là tìm một ông chủ mới cho đội bóng. Tỷ phú người Ấn Độ Anil Ambani đã liên hệ với Upton Park và Fridgeirsson cho hay: “Tôi xin nói để làm các CĐV yên lòng rằng mối quan tâm tới CLB là rất lớn. Nhưng chúng tôi vẫn chưa rao bán đội bóng vì chưa cần phải làm như thế”. Mặc dù khoản đầu tư của Gudmundsson vào ngân hàng Landsbanki được thực hiện thông qua một công ty đầu tư độc lập, nhưng có lẽ nguyên nhân chính khiến ban lãnh đạo ở Upton Park vẫn nói cứng là do họ không muốn bị ép giá trong quá trình thương lượng bán lại West Ham. Fridgeirsson nói thêm: “Ngài Gudmundsson là một nhà đầu tư quốc tế. Khoản đầu tư ở Landsbanki là quan trọng, nhưng không phải là duy nhất. Ông ấy còn những khoản đầu tư khác ở các công ty vận tải biển, thủy sản và điện thoại trên toàn châu Âu không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện hôm nay. Vì vậy, không có lý gì để sợ ông ấy sẽ rút tiền ra khỏi CLB, dù những sự kiện mới phát sinh khiến ông ấy chưa thể đầu tư thêm cho đội bóng trong năm nay”.

Nhưng các khoản đầu tư khác của Gudmundsson thực ra không được đảm bảo như khẳng định từ phía Fridgeirsoon. Tháng trước, nhà tài trợ của West Ham, tập đoàn du lịch và giải trí XL Leisure đổ nợ và Gudmundsson, cùng con trai là Bjorgolfur Thor Bjorgolfsson, đã vay Landsbanki 163 triệu bảng để mua lại XL Leisure. Khoản vay này được Eimskip, một công ty vận tải mà Gudmundsson cũng là cổ đông lớn, đứng ra bảo lãnh. Nếu XL Leisure tiếp tục khủng hoảng, Eimskip sẽ bị liên đới, thậm chí có thể phải tuyên bố phá sản, còn Landsbanki có một khoản nợ xấu không thể thu hồi. Tất cả dường như đang dẫn đến ngõ cụt. Dù ban lãnh đạo ở Upton Park có tuyên bố gì, West Ham khó mà thoát khỏi bị ảnh hưởng trầm trọng trong mê cung những tính toán làm ăn rối như mớ bòng bong đó.
 
H.M

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm