15/04/2024 11:40 GMT+7 | Văn hoá
Văn học thiếu nhi Việt Nam đã có một thời kỳ dài phát triển rực rỡ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dù hoàn cảnh khó khăn, gian khổ là thế, mà các nhà văn vẫn cho ra một loạt tác phẩm văn học thiếu nhi tiêu biểu.
Trước Cách mạng tháng Tám, Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài ra đời, trở thành tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Những tác phẩm sau đó có thể kể như Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi (1957), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960) của Nguyễn Huy Tưởng, Góc sân và khoảng trời (1968) của Trần Đăng Khoa, Quê nội (1973) của Võ Quảng, Chuyện hoa chuyện quả (1974) của Phạm Hổ… Sau 1975, có thể tiếp tục kể đến những tác phẩm tiêu biểu như Búp sen xanh (1980) của Sơn Tùng, Tuổi thơ im lặng (1987) của Duy Khán, Tuổi thơ dữ dội (1988) của Phùng Quán, và còn nhiều tên tuổi khác nữa.
Kỳ vọng một thời kỳ mới lại khởi sắc
Như vậy, văn học thiếu nhi đã ra đời và phát triển, tạo nên diện mạo rất khỏe khoắn và đẹp đẽ, góp phần không nhỏ nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân cách con người Việt Nam trong đấu tranh và xây dựng đất nước. Đó là một thời đã qua, ta thường gọi là thời hoàng kim của văn học thiếu nhi nước nhà. Đáng tiếc là thời đó đang dần trở thành kỷ niệm, bởi thực tế cho thấy vài chục năm qua, văn học thiếu nhi không kế tục được truyền thống các thế hệ trước để lại.
Ngẫm cũng buồn, vì trong những thời kỳ khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhất của đất nước bởi chiến tranh và thời bao cấp thì văn học thiếu nhi lại rực rỡ, nhưng đến thời kỳ kinh tế, đất nước phát triển thì văn học thiếu nhi không để lại nhiều dấu ấn. Mấy chục năm qua, vẫn có những tác giả tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi và vẫn có những thời điểm khởi sắc, xuất hiện nhiều cây bút mới, nhiều tác phẩm mới, nhưng những tác phẩm xuất sắc, giá trị như xưa cứ thưa dần, thưa dần, thậm chí có lúc, cảm giác như chỉ còn thấy có Nguyễn Nhật Ánh một mình một sân, vẫn bền bỉ và sung sức đã cho ra mắt những tác phẩm như Kính vạn hoa (54 tập), Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...
Thực trạng này, các nhà văn đã lên tiếng, dư luận xã hội cũng cảnh báo, nhưng phải đến nhiệm kỳ Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam, văn học thiếu nhi mới thực sự được quan tâm một cách thiết thực. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tâm huyết: "... Các nhà văn tin tưởng BCH khóa X sẽ mang đến một tư duy mới, một năng lượng mới và tràn ngập cảm hứng sáng tác cho các nhà văn chân chính...". Điều đó, văn học thiếu nhi cũng được hưởng lợi chung, khi mà BCH hướng hoạt động về cơ sở, về hội viên trong cả nước để khơi dậy lòng đam mê, sức sống mãnh liệt, nơi cho ra đời những tác phẩm lớn mà không một cá nhân, tổ chức nào thay thế được. Hơn thế nữa, văn học thiếu nhi được sự quan tâm đặc biệt của BCH khóa mới, từ chỗ chỉ là ban văn học, thậm chí có nhiệm kỳ còn không còn tên trong hệ thống tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam, thì nay có cả Hội đồng Văn học thiếu nhi. Đó là sự đánh giá vai trò, vị trí của văn học thiếu nhi, cũng như sự kỳ vọng một thời kỳ mới lại khởi sắc.
Để tạo điều kiện cho VHTN phát triển, BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã chuyển nguồn lực từ cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết trước đây sang văn học thiếu nhi. Đây là cuộc vận động lớn, 5 năm (2021 - 2025), nhằm "hướng tới mục đích thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, những hành động, những suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai".
Về kết quả giai đoạn đầu cuộc vận động, báo chí đã nói nhiều, sau khi sơ kết và trao giải vừa qua, tôi không nhắc lại, chỉ nói thêm, mới gần 2 năm, nhưng số lượng tác phẩm gửi tham dự đã khẳng định sự thành công bước đầu với những tín hiệu vui ngoài mong đợi. Có đến 246 tác phẩm (trong đó có 102 tác phẩm thơ và 144 tác phẩm truyện) của 228 tác giả khắp các vùng miền và kiều bào ở nước ngoài gửi về, đủ các lứa tuổi, trẻ nhất 10 tuổi, cao nhất là 95 tuổi.
Hội đồng sơ khảo (cũng là Hội đồng Văn học thiếu nhi) đã làm việc vất vả, thay nhau đọc và nhận xét tất cả các tác phẩm dự thi, lựa tuyển chọn dần qua bỏ phiếu với 12 cuộc họp trực tiếp và trực tuyến để chọn ra 26 tác phẩm văn và thơ cho Hội đồng chung khảo xem xét, chọn ra 16 tác phẩm đạt giải thưởng giai đoạn đầu (2021 - 2023), bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.
Cụ thể, giải Nhất thuộc về tác phẩm Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên (văn xuôi, bản thảo).
Hai giải Nhì là Hạt dẻ ơi, về nhà thôi của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) (văn xuôi, bản thảo), Dắt mẹ đi chơi (Đố mẹ, Dế mèn học chữ) của tác giả Mai Quyên (thơ, sách).
Giải Ba gồm các tác phẩm Những đôi mắt khoảng trời của tác giả Đào Quốc Vịnh (văn xuôi, sách), Con cáo lửa của tác giả Phạm Thanh Thúy (văn xuôi, bản thảo), Đi bắt nỗi buồn của tác giả Nguyễn Thị Như Hiền (văn xuôi, bản thảo), Sông vừa đi vừa lớn của tác giả Nguyễn Minh Khiêm (thơ, bản thảo), Cái bếp kể chuyện của tác giả Đinh Công Thủy (thơ, bản thảo). Và 8 giải Khuyến khích...
Tìm ra được tác phẩm đỉnh cao
Về văn xuôi, đề tài khá đều, có đồng thoại, cổ tích, 2 thể loại quen thuộc với thiếu nhi, nhưng chưa có tác phẩm nào nổi trội, mà vẫn theo cách viết, các thể hiện đã quá quen thuộc. Thể loại sinh hoạt khá nhiều (Cây quất xù gai của Ngô Thị Ý Nhi, Những đôi mắt khoảng trời của Đào Quốc Vịnh); về truyền thống cách mạng có Rừng Việt Bắc của Lê Toán. Riêng đề tài về con thú khá sinh động, nhiều tác phẩm ghi điểm trong cuộc vận động này như Nhật ký của Mun của Trương Nhất Vương, Con cáo lửa của Phạm Thanh Thúy, Ai giàu nhất của Hồng Chiến...
Đáng chú ý là có sự khởi sắc của những hướng viết đang cần khích lệ như giả tưởng, khoa học viễn tưởng như Cu Sang, cây ma của Nguyễn Xuân Lai, Khi nàng tiên cá biết chữ của Y Nguyên...
Vui nhất là Hội đồng sơ khảo và chung khảo khá thống nhất trong cách đánh giá và cùng tìm ra được tác phẩm đỉnh cao là Mèo không sinh ra để bắt chụp của Dương Thị Thảo Nguyên để trao giải cao nhất trong đợt 1 này.
Trong khi đó, về thơ, vẫn nằm trong bối cảnh chung hiện nay của thơ thiếu nhi mấy thập niên qua, chưa tìm ra tác phẩm nào bứt phá tạo thành hiện tượng, tuy nhiên cũng có những tín hiệu vui.
Ví dụ Áo đất áo trời của Phạm Quỳnh Như, dù vẫn lối viết cũ, nhưng khá thành công với thể loại thơ 4 chữ, 5 chữ. Nhiều bài thơ thể hiện sự quan sát sự vật và hiện tượng cuộc sống sâu sắc, độc đáo; cảm xúc ít tươi vui mà nhẹ nhàng, trầm lắng.
Tập Dắt mẹ đi chơi của Mai Quyên đạt giải Nhì rất trong trẻo, dung dị như tiếng lòng của con trẻ trước tình cảm yêu thương của bố mẹ. Những câu hỏi, suy nghĩ ngộ nghĩnh trước những hiện tượng thiên nhiên gần gũi mà nhiều bí ẩn của đứa trẻ.
"Chiều nay dắt mẹ đi chơi/ Bao điều muốn hỏi chẳng đuôi chẳng đầu/ Con ong nó cứ đi đâu/ Để bao nhiêu mật chảy vào trong hoa/ Đám mây sao lại chơi xa/ Mặt trời bị nắng chẳng nhà nào che/ Cầu vồng ở tít trên kia/ Mẹ trèo lên đấy hái về cho con/ Ông trăng tròn đến là tròn/ Chẳng về sao cứ lon ton giữa trời/ Chiều nay dắt mẹ đi chơi/ Hái về cả một bầu trời ước mơ".
Tập Tổ ấm muôn loài của Lê Thị Xuân mang đến thông điệp thiên nhiên, gia đình, lớp học chính là "tổ ấm" nâng bước cho em bé bước vào đời và bay cao, bay xa. Những bài thơ nhỏ gọn, ngôn ngữ thơ ngọt ngào, ấm áp.
Tập Sông vừa đi vừa lớn của Nguyễn Minh Khiêm khá dày dặn, tác giả đều hướng đến một thông điệp, đưa các em nhỏ cùng lớn lên qua hành trình thú vị - đi cùng chiều dài đất nước, sống cùng những câu chuyện cổ tích, những cái tên địa danh, những đồ vật mang hồn cốt văn hóa của dân tộc một cách giản dị, dễ hiểu.
Còn Chúc ngủ ngon (song ngữ Việt - Anh) của Nguyễn Phong Việt là những bài thơ chỉ nói về giấc ngủ của con. Đó cũng là quá trình nhà thơ quan sát sự lớn lên của con mình, cùng những triết lý nhân sinh gắn với con người, với gia đình, với lẽ sống. Tập thơ thể hiện tình cảm vô bờ bến dành cho con, song cũng đượm buồn, pha trộn những nỗi suy tư và sự nhạy cảm của tác giả. Tập thơ có sự thể hiện nghiêm túc, công phu.
"Đã mấy chục năm qua, mới có không khí văn chương cho thiếu nhi sôi động, hào hứng như hiện nay. Đó cũng là lý do để các em có quyền hy vọng, chờ đợi sự trở lại thời kỳ hoàng kim của văn học thiếu nhi Việt Nam…" - nhà văn Thái Chí Thanh.
Sự chuyển động ngày một mạnh mẽ
Cùng với Cuộc vận động sáng tác về đề tài văn học thiếu nhi, mấy năm gần đây, văn học thiếu nhi đang có sự chuyển động ngày một mạnh mẽ. Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã trải qua 4 mùa giải để vinh danh các tác giả văn học, nghệ thuật xuất sắc dành cho thiếu nhi, góp phần góp phần làm ấm lên bầu không khí sáng tác văn học cho tuổi thơ.
Nhà xuất bản Kim Đồng với mong muốn phát hiện thêm những cây bút mới viết cho thiếu nhi đã phát động cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025 và thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng với những giá trị tinh thần và vật chất vô cùng hấp dẫn.
Một chuyển động khác là giải thưởng văn học thiếu nhi hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, qua mấy chục năm vắng bóng, nay liên tiếp xuất hiện trở lại, nhằm khích lệ các nhà văn viết cho thiếu nhi. Từ Thung lũng Đồng Vang, truyện dài của Trung Sỹ nhận giải năm 2022 đến Cá Linh đi học của Lê Quang Trạng nhận giải năm 2023 đã thổi vào văn học thiếu nhi một sinh khí mới…
Những chuyển động trên có sự lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương, trường học với những cuộc thi văn học, những hoạt động của các cơ sở thực sự tác động thiết thực đến bầu không khí văn chương cho các em trong cả nước.
Những người làm văn học thiếu nhi rất vui với những chuyển động trên. Nhưng Cuộc vận động sáng tác về đề tài văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn mới nửa chặng đường, giải lớn, tác phẩm xuất sắc nhất vẫn đang nằm ở phía trước.
Giải Dế Mèn càng ngày càng được hưởng ứng mạnh mẽ hơn. Cuộc vận động của NXB Kim Đồng đang vào cao trào thu hút nhiều tác phẩm hơn… Đã mấy chục năm qua, mới có không khí văn chương cho thiếu nhi sôi động, hào hứng như hiện nay. Đó cũng là lý do để các em có quyền hy vọng, chờ đợi sự trở lại thời kỳ hoàng kim của văn học thiếu nhi Việt Nam với sức sống mới, tài năng mới, trong thời đại 4.0 hiện nay.
Dẫu vậy, vẫn còn bao câu chuyện cần hoàn thiện như văn học thiếu nhi đâu chỉ có thơ và truyện, còn cả truyện tranh, tranh truyện - một loại hình văn học nghệ thuật rất yêu chuộng của tuổi thơ, mà Hội đồng Văn học thiếu nhi đã tổ chức hội thảo và kiến nghị bổ sung vào quy chế các cuộc thi. Lại còn văn học dịch, lý luận phê bình trong mảng đề tài quan trọng này. Lại nữa, nguồn lực để hoạt động, sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân liên quan đến cuộc thi có nhịp nhàng, có một lòng vì mục đích cho tuổi thơ không...
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024 sẽ nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 20/4/2024 tới. Tất cả các tác phẩm hoặc bản thảo được sáng tác, hoàn thiện hoặc công bố, từ 1/1/2023 đến 20/4/2024 đều có quyền dự thi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất