'Góc tối' của Charles Dickens từ 200 năm trước

29/08/2023 07:21 GMT+7 | Giải trí

Đúng 200 năm trước, vào mùa Thu năm 1823, cậu bé Charles Dickens - khi đó mới chỉ 11 tuổi - đã bị buộc phải nghỉ học để đi làm cực nhọc trong một nhà máy ngập tràn những chuột. Đơn giản, bố ông, John Dickens, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Một bộ sưu tập các hiện vật quan trọng từ thời thơ ấu của Dickens - đại văn hào Anh (1812 - 1870), tác giả của David Copperfield và Oliver Twist - hiện đang được trưng bày tại London để mang tới cái nhìn rõ hơn về quãng thời gian ám ảnh và những tác động của nó tới sáng tác của nhà văn.

Làm rõ hơn một thời kỳ lịch sử

Từ tháng 9/1823, cậu bé Dickens bắt đầu làm việc tại nhà máy sản xuất xi giày của Warren ở Hungerford Stairs, phía Bắc sông Thames, gần ga Charing Cross ngày nay. Trong 10 giờ 1 ngày, 6 ngày 1 tuần, Dickens cùng các lao động trẻ em khác phải dán nhãn lên các chai dung dịch đánh bóng giày để giúp tăng thu nhập cho gia đình.

Vài tháng sau, bố của ông, John Dickens, bị bắt và bị giam 3 tháng tại nhà tù dành cho những con nợ ở Borough. Khi nhà máy chuyển tới cơ sở mới ở đường Chandos, Covent Garden vào tháng 1/1824, cậu bé tiếp tục tới đó làm việc cho tới khi bố ông cho nghỉ việc vào tháng 9.

'Góc tối' của Charles Dickens từ 200 năm trước - Ảnh 1.

Nhà văn lỗi lạc Charles Dickens

Để đánh dấu 200 năm một giai đoạn quan trọng đã định hình nên tính cách, quan điểm chính trị và các tác phẩm của Dickens, Bảo tàng Charles Dickens đang trưng bày bộ sưu tập các hiện vật làm sáng tỏ hơn một phần tuổi thơ đau khổ của Dickens.

Bảo tàng, tọa ở số 48 phố Doughty ở Holborn, là căn nhà duy nhất mà Dickens sống khi trưởng thành ở London còn tồn tại. Tại đây, ông đã viết những câu chuyện làm nên sự nghiệp. Vào thời điểm gia đình ông chuyển khỏi nơi đây, Dickens đã nổi đình đám toàn cầu với bộ 3 tiểu thuyết cực kỳ thành công là The Pickwick Papers, Oliver Twist Nicholas Nickleby.

'Góc tối' của Charles Dickens từ 200 năm trước - Ảnh 2.

John Dickens viết thư cho chính trị gia Joseph Parkes năm 1834 để cố tìm việc cho con trai khi gia đình gặp khó khăn tài chính

Trong số những hiện vật và tài liệu mới được trưng bày có một cặp thư được viết bởi John Dickens - người được con trai miêu tả là "một kẻ vui tính và cháy túi" và là nguồn cảm hứng cho 1 trong những nhân vật được yêu thích của Charles Dickens là Wilkins Micawber trong David Copperfield. Những bức thư này được Bảo tàng mua lại vào năm 2019. Nó tiết lộ những khó khăn tài chính mà gia đình phải đối mặt cũng như sự rạn nứt trong mối quan hệ của Dickens với cha mẹ khi bị ép đi làm.

Một trong những lá thư được bố Dickens viết năm 1834, một năm mà gia đình gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Trong thư, John Dickens khẩn nài chính trị gia Joseph Parkes tìm việc cho cậu bé, cam kết con trai ông có "năng lực trong mọi khía cạnh". Bức còn lại viết năm 1843, khi Dickens đã là nhà văn đình đám, để xin nhà xuất bản Chapman & Hall gửi cho ông 1 cuốn sách sắp xuất bản của con trai, American Notes, vì "thật đau lòng nếu tôi không biết về nội dung sách".

'Góc tối' của Charles Dickens từ 200 năm trước - Ảnh 3.

Chai sành mà Dickens phải dán nhãn khi 11 tuổi

Cũng trong lần trưng bày này còn có 1 chai sành có chữ "Dung dịch của Warren. 30 Strand" ở một bên và "Xi đen" ở bên kia. Dickens đã làm việc với những chiếc chai như hiện vật này. Chúng được một nhóm khảo cổ học khai quật được vào năm 2006 từ một hầm lạnh cũ từng được dùng làm bãi rác thải của các nhà xây dựng vào thế kỷ 19. Chiếc hầm này nằm dưới Bảo tàng Kênh đào London và Bảo tàng Kênh đào đã tặng vào bộ sưu tập. Ngoài ra, còn có ấn bản đầu tiên cuốn The Life Of Charles Dickens của John Forster - cuốn sách tiết lộ cho thế giới biết về cuộc đời của nhà văn dưới tư cách một lao động trẻ em.

"Trong những tác phẩm sau này của Dickens, nhà máy xi giày nhiều lần xuất hiện. Và đó chính là động lực thúc đẩy ông sáng tạo ra những nạn nhân trẻ em bất hạnh trong các câu chuyện của mình, chẳng hạn như các cậu bé David CopperfieldOliver Twist" - ông Kubicki, phụ trách Bảo tàng Charles Dickens.

Những ảnh hưởng nặng nề

Sinh thời, Charles Dickens luôn giấu kín về quãng thời gian ở nhà máy. Tuy nhiên, ông đã viết 1 bản tường thuật cho người bạn John Forster - người sẽ xuất bản cuốn tiểu sử về Dickens sau khi ông qua đời 2 năm.

Trong bản tường thuật, Dickens chua chát: "Tuyệt vời làm sao khi tôi dễ dàng bị vứt bỏ ở tuổi như vậy. Tuyệt vời làm sao, ngay cả khi tôi rơi vào cảnh khốn cùng cực nhọc, chẳng ai đủ lòng trắc ẩn với tôi - một đứa trẻ có khả năng kỳ lạ, nhanh nhẹn, háo hức, tinh tế và sớm bị tổn thương, cả về thể xác và tinh thần - để gợi ý về việc có thể giúp tôi thoát khỏi cảnh này".

'Góc tối' của Charles Dickens từ 200 năm trước - Ảnh 5.

Tranh minh họa Charles Dickens thời kỳ phải làm việc tại nhà máy xi giày

Ông bị ám ảnh mỗi khi nhớ về nhà máy đó: "Nhà máy làm xi giày là ngôi nhà cũ kỹ, xiêu vẹo, tất nhiên là tiếp giáp với sông và tràn ngập chuột theo nghĩa đen. Những căn phòng ốp ván, sàn nhà và cầu thang mục nát, lũ chuột xám già tràn xuống tầng hầm. Tiếng cọt kẹt và xô xát của chúng lúc nào cũng vang lên trên cầu thang. Bụi bẩn và mục nát của nơi đó hiện lên rõ ràng trước mắt tôi như thể tôi lại đang ở đó".

Ông cũng nhớ về 1 trong những nhân công trẻ em làm cùng mình: "Một người trong số họ tới, đeo tạp dề rách rưới và đội mũ giấy, vào sáng thứ Hai đầu tiên, để chỉ cho tôi mẹo dùng dây và thắt nút. Tên anh ấy là Bob Fagin và tôi đã tự ý dùng tên anh rất lâu sau đó, trong Oliver Twist".

Frankie Kubicki, phụ trách cao cấp tại Bảo tàng Charles Dickens, cho rằng: "Dù Dickens chưa bao giờ công khai nói về nhà máy xi giày, cuộc đời ông ở đó làtrải nghiệm mà ông không bao giờ quên. Cậu bé 11 tuổi đi bộ từ nhà trọ ở Camden và Southwark mỗi sáng đã chịu đựng sự tồi tệ của cuộc sống ở nhà máy và mang trong mình dấu ấn vĩnh viễn về sự khó khăn rình rập những đứa trẻ nghèo khó".

Quãng thời gian ngắn này ảnh hưởng rõ trong các tác phẩm của Dickens. Vàtheo ông Kubicki: "Công việc của ông tại nhà máy đã tổn hại tới quan hệ của ông với cha mẹ trong suốt quãng đời còn lại. Những vấn đề triền miên về tiền bạc của bố ông chỉ càng khắc sâu thêm khoảng trống này. Những hiện vật được trưng bày khiến trải nghiệm đó trở nên rõ ràng và cho phép chúng ta thấy tác hại của đói nghèo lên cuộc sống của trẻ nhỏ và quan hệ gia đình".

Các hiện vật trên được trưng bày trong phòng làm việc của Dickens từ 25/8/2023 tới 21/1/2024.

Đôi nét về Charles Dickens

Charles John Huffam Dickens (7/2/1812 – 9/6/1870) là nhà văn người Anh, người đã tạo ra những nhân vật hư cấu nổi tiếng bậc nhất thế giới và được nhiều người coi là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thời Victoria. Các tác phẩm của ông đạt tới sự nổi tiếng chưa từng có trong suốt cuộc đời ông và tới thế kỷ 20, các nhà phê bình và học giả công nhận ông là một thiên tài văn học. Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông ngày nay cũng được đọc rộng rãi.

Sinh ra tại Portsmouth (Anh), Dickens là con thứ 2 trong 8 người con của Elizabeth Dickens và John Dickens. Bố ông có thời gian ngắn ngủi làm thư ký cho Văn phòng Hải quân, giúp Dickens có được vài năm học trường tư thục.

Ngày nhỏ, Dickens là đứa trẻ hiếu động nhưng cũng vô cùng say mê sách vở. Tuy nhiên, gia đình ông sớm rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Để giúp đỡ gia đình, Dickens phải nghỉ học và đi làm ở nhà máy xi giày. Ba năm sau cảnh lao động trẻ em, ông trở lại trường, trước khi bắt đầu sự nghiệp văn chương như một nhà báo.

Dickens làm biên tập cho một tạp chí tuần trong 20 năm, viết 15 tiểu thuyết, 5 tiểu thuyết ngắn, hàng trăm truyện ngắn và bài báo phi hư cấu. Tiểu thuyết của ông hầu như được xuất bản từng đợt theo tháng hoặc tuần và trở thành tiên phong cho lối xuất bản từng kỳ nối tiếp thời Victoria. Những đoạn kết gay cấn của ông luôn khiến độc giả hồi hộp và ngược lại, phản hồi liên tục của độc giả cũng giúp ông sửa đổi cốt truyện. Thời đó, nhiều người nghèo mù chữ sẵn sàng trả nửa xu để được đọc cho nghe mỗi kỳ mới của Dickens.

Là người nổi tiếng nhất thời của mình, ông đã thực hiện rất nhiều buổi diễn thuyết và diễn đọc rộng rãi ở giai đoạn sau của sự nghiệp. Ông còn là người viết thư không biết mệt mỏi và là người vận động mạnh mẽ vì giáo dục và quyền lợi trẻ nhỏ cũng như nhiều cải cách xã hội khác.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm