07/11/2020 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chính trong những ngày bị giãn cách vì Covid-19, con người càng cần phải tìm đến nghệ thuật, từ thơ ca, nhạc họa, phim ảnh để làm hưng phấn tinh thần của mình. Có lẽ họ sẽ thấm thía hơn cái câu nói đầy ẩn ý và diệu vợi của đại văn hào Dostoievsky: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Và với việc cho ra mắt tác phẩm thi họa Ký họa cơn mê vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua, đạo diễn Lê Quý Dương đang góp phần đưa nghệ thuật và cái đẹp làm khỏa lấp những hư hao tinh thần của những ai được tiếp xúc với tác phẩm.
Bất ngờ có lẽ là từ khá chính xác khi ai đó quen với Lê Quý Dương, mà lại vừa thưởng thức xong tập thơ Ký họa cơn mê.
Trong thế giới nội tâm của một “nghệ sĩ hoành tráng”
Không bất ngờ sao được, khi hơn 10 năm trở lại đây, cái tên Lê Quý Dương được nhiều người biết đến với tư cách là một đạo diễn của các chương trình sân khấu và lễ hội lớn trên khắp cả nước. Có thể kể đến anh với những lễ hội như Festival Huế, Festival Võ cổ truyền Bình Định, Festival Dừa Bến Tre, Festival Biển Nha Trang, Festival Di sản Hội An, Festival Cà phê Buôn Ma Thuột… Anh lại kiêm ủy viên Ban chấp hành của Hiệp hội sân khấu biểu diễn thế giới trong suốt 6 năm nay. Không quá khi nói anh là một người thuộc về những sân khấu hoành tráng, một “nghệ sĩ hoành tráng”.
Hoạt động thường xuyên trong môi trường nghề nghiệp như vậy nên theo logic thì tư duy của anh phải thường xuyên dành cho những sân khấu hoành tráng, những chi tiết, yếu tố làm nên những chương trình hoành tráng. Nhưng với tập thơ vừa ra mắt này của anh, người đọc sẽ thấy một Lê Quý Dương trong thế giới thi ca khác. Rất khác.
Nói như đồng nghiệp quốc tế của anh, nhà thơ, nhà văn người Thụy Sĩ Tobias Biancone: “Khi ngụp lặn trong vũ trụ những vần thơ của Lê Quý Dương, những câu chữ đan tôi vào thế giới của anh. Tôi tìm thấy những điều khiến tôi kinh ngạc và sững sờ. Nó cho thấy mặt khác của một con người mà tôi nghĩ tôi quen biết, nhưng thực sự lại chẳng biết gì. Tập thơ của Lê Quý Dương là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với sự thật của phút giây nào đó. Nó còn vượt trên cả câu chữ, gợi lên bầu không khí và những suy tư”.
Không lạ sao được, khi mà ở lĩnh vực sân khấu, người ta thấy Lê Quý Dương hoành tráng như thế nào thì trong thơ, đó là một Lê Quý Dương với tâm hồn dễ rung cảm trước những bối cảnh - người - vật của tình yêu thăng hoa. Lê Quý Dương của sân khấu hoàn toàn biến mất trong ngôn ngữ thi ca của chính anh. Chỉ còn lại một sự rung cảm trước hiện hữu: “Ngày mới bắt đầu/ Cố đi đến tận cùng/ Để bắt đầu một ngày khác” (Dưới mặt trời). Hay tình yêu “Bất chợt tất cả dây đàn/ Tấu lên giai điệu mất mát/ Hành trình đi tìm nhịp/ Hát không nên lời” (Tình cũ).
Và ở cả 2 khía cạnh đó, anh luôn suy tư về bản chất, những mối dây liên kết ngầm, giữa những trái tim - sự sống - vũ trụ theo kiểu như: “Từ góc vườn nhỏ/ Hình hài em/ Sữa tắm bông lên hoa trắng tinh/ Em khám phá/ Điều bí mật trốn trong tận cùng/ Vũ trụ” (Sữa tắm); “Anh ở đây/ Trái đất bé nhỏ này/ Tự quay vòng quanh chính mình/ Tìm chuỗi ngày vô tận/ Ta gọi là hôm nay… Anh ở đây/ Từ nửa vòng bên kia trái đất/ Chạm - cảm - nhập/ Nguyên sơ khối sinh tồn". Hay “Cũng có thể/ Từ sâu trong bóng đêm/ Anh thương tất cả những gì sáng lên rồi lụi tắt/ Thôi/ Cứ để tình em/ Mới nguyên như thật/ Cháy làm gì/ Chỉ để lại tàn tro” (Ngọn nến trong đêm).
Như rất nhiều các thi nhân, từ muôn thuở, những bài ca về tình yêu luôn được anh cất lên, nhưng không đơn thuần chỉ thế, Lê Quý Dương đặt tình yêu trong cái vô tận của vũ trụ với khát vọng muốn thấu cùng nó.
Lấy một thức thuộc về thế giới tinh thần đem hòa vào cái hiện thể bao la cho thấy tình yêu trong ý nghĩa viết hoa của nó đối với nhà thơ đã trở thành đức tin. Đó là một đức tin mãnh liệt.
Cái đức tin ấy, thậm chí là sự cứu rỗi, sự tái thiết cuộc đời trong anh: “Đừng đẩy anh ra xa/ Ngay cả khi em chứng kiến/ Thế giới này sụp đổ/ Ta sẽ xây và tự sáng tạo lại chính mình/ Mạnh mẽ trái tim/ Ta chết ở nơi được gọi là mới này/ Sau - trước - trái - phải - trên - dưới - quanh/ Tận cùng bên trong ta vẫn sống” (Mạnh mẽ trái tim).
Nếu không phải là đức tin vào tình yêu thì không thể nào “tự sáng tạo lại chính mình” được như vậy.
Không chỉ dừng lại ở cảm thức tình yêu, lật giở từng trang thơ Ký họa cơn mê, người đọc còn thấy một Lê Quý Dương cúi xuống thật thấp, nhìn thế giới dưới chân mình bằng một tâm hồn đa sầu cảm đến lạ thường. Đó là sự sầu cảm với những hiện diện tưởng vô tri nhưng lại quá hữu tình, như “Chuyện những hạt cát nhỏ/ Khoan thai vẽ hình hài sa mạc diệu kỳ”. Hạt cát ấy như là cội nguồn mà rồi mọi sự sống đều sẽ hóa thành, đều sẽ là nó “Từ đáy đại dương/ Tới đỉnh thiên hà/ Những hạt cát nhỏ vẫn đợi ta/ Trở về nơi ta từng đã đến/ Trái đất này” (Hạt cát nhỏ).
Đọc đến đây ta cảm tưởng Lê Quý Dương với vai trò là đạo diễn chương trình, đang ngước lên sân khấu, chiêm ngưỡng những tác phẩm trình diễn hoành tráng của mình dường như đang biến mất. Chỉ còn thấy một hồn thơ bay vào cõi của những chất vấn và truy tầm nguyên gốc những vấn đề của tồn tại người trong vũ trụ suy tưởng. Anh suy tưởng trong đam mê đắm đuối. Như Ricardo Abad trong tập sách này: “Đam mê và hòa hợp là điều không thể thiếu của tồn tại”.
Nơi ý thơ và nét họa tương hợp
Ngoài ý nghĩa hay và bất ngờ tự thân từ lời và ý thơ của tác giả, tập thơ còn một nét đặc sắc không thể bỏ qua: Sự tương hợp giữa lời thơ và những bức họa. 45 bức tranh của 15 họa sĩ đã gặp gỡ và cùng thăng hoa với 30 bài thơ của Lê Quý Dương.
Nên lưu ý rằng đây là 45 bức tranh độc lập và độc đáo chứ không phải các phụ bản hay minh họa cho thơ. Điều này đã biến cuốn sách trở thành một tập thi họa đúng nghĩa.
Và thi vị thay, nhiều họa sĩ đã cảm và đồng điệu với lời thơ của Lê Quý Dương. Họ ứng tác thi ca bằng nét cọ của mình. Thậm chí có nhiều bức tranh trong tập thi họa này đã được sáng tác trước khi bản thảo thơ đến tay họ. Đọc ngôn ngữ, các họa sĩ này liền liên tưởng và thấy tác phẩm thị giác của mình trong đó.
Từ rất xưa, “thi trung hữu họa” đã không còn mới mẻ với thơ ca. Nhưng những hình thức tranh tự do phóng chiếu vào thể thức và hồn thơ tự do như trong tập thơ này thật sự lạ. Và lạ hơn là cả 2 sự tự do mang đầy tính cá nhân này có thể tìm thấy sự tương giao và cảm hứng từ nhau để cùng sáng tạo. Điều này được chính tác giả tự bộc bạch: “Niềm vui sáng tạo thật trong sáng và thánh thiện nhưng đầy đủ sức mạnh khiến con người có thể thờ ơ với những niềm vui khác. Niềm vui ấy được nhân lên gấp nhiều lần khi nó cộng hưởng được với niềm vui của những người khác… Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc khi những vần thơ rất riêng tư trải dài theo nhiều năm tháng đó đây của mình trên trái đất này giờ đây được cộng hưởng với sự sáng tạo của 15 họa sĩ trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Cảm ơn họ đã không minh họa thơ tôi như thường vẫn vậy. Thơ của tôi và họa của họ như lấy nguồn cảm hứng từ trong nhau, sinh ra cho đời vì nhau, khi hòa quyện, khi đồng hành trong cuộc rong chơi ngắn ngủi trên cõi đời”.
Những họa sĩ này với tác giả lời thơ trước đây hoàn toàn lạ xa, nhưng nghệ thuật ngôn từ và hình ảnh ở tập thơ này đã giúp họ tìm thấy nhau trong những khoảnh khắc thăng hoa của cảm xúc. Dấu mốc này có lẽ đầu tiên phải kể đến chính là sự kết hợp, đồng điệu của những tâm hồn trước đây hoàn toàn lạ xa mà lại tìm thấy nhau trong thơ họa này.
Kết từ
Kể từ dấu mốc kịch bản đầu tay Chợ đời được dàn dựng tại Liên hoa Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, Lê Quý Dương đã có ngót 30 năm hoạt động liên tục trong lĩnh vực nghệ thuật.
Gặt hái được nhiều thành công là vậy, có lẽ con đường sáng tạo và cảm hứng dâng hiến cho đời của Lê Quý Dương chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại. Và tập thi họa này người ta mới thấy được thêm một khía cạnh sáng tạo nữa, một mảnh ghép tâm hồn rất khác biệt trong bản thể con người nghệ sĩ Lê Quý Dương. Không tự nhận mình là như thơ nhưng Ký họa cơn mê cho thấy người đạo diễn, biên kịch kia có hồn thơ dào dạt như thế nào. Anh càng rực cháy trên sân khấu bao nhiêu thì càng lắng mình trong thơ ca nhường ấy. Xin lấy chính câu thơ của anh trong bài Dưới mặt trời làm ẩn dụ để minh chứng cho nhận định về sự tương phản ấy: “Mặt trời/ Càng rực lửa/ Cát/ Lắng hồn/ Càng tinh khôi”.
Với một năng lượng dồi dào như vậy, bạn đọc, khán giả của Lê Quý Dương có quyền trông đợi ở những bất ngờ tiếp theo trên hành trình sáng tạo mà anh mang đến cho họ.
Thành công trong lĩnh vực sân khấu Dù ở vai trò đạo diễn sân khấu hay là tác giả sáng tác kịch bản thì Lê Quý Dương cũng đều gặt hái được những thành công và để lại nhiều tiếng vang. Các giải thưởng trong nước và quốc tế đến với anh đã minh chứng cho sự thành công này. Có thể kể như giải Nhất cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu châu Á - Thái Bình Dương - Asialink 1999, giải thưởng tác giả kịch bản xuất sắc của hội đồng nghệ thuật Australia (2000), giải thưởng Đạo diễn xuất sắc mang tên thủ tướng Winston Churchill của Khối liên hiệp Anh (2001), giải Ba kịch bản Liên hoan phim Cannes (2003), Giải thưởng điện ảnh mang tên Paul Verhoeven tại Hollywoood (2003), Giải thưởng sáng tạo đặc biệt của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế năm 2006. |
Bảo Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất