02/07/2025 20:23 GMT+7 | Văn hoá
Đọc lại ca dao, thích thú nhất là đôi lúc chúng ta bắt những câu thơ toàn bích, không chê vào đâu được. Có thể ban đầu còn thô ráp, sau khi lưu truyền, người tiếp nối đọc theo và tự ý chỉnh sửa để hay hơn, hoàn hảo hơn. Nói cách khác, văn chương truyền khẩu là sáng tác tập thể. Từ lâu nay, tôi yêu mến nhà thơ Xuân Diệu còn vì ông đã nhận định: "Ca dao là một thứ máu của tổ quốc". Nam bộ có câu:
"Ghe lui còn để dấu dằm
Người yêu đâu mất, chỗ nằm còn đây"
Về từ "ghe", từ điển đều giải thích là thuyền, khi nói ghe thuyền là tiếng gọi chung các thứ ghe. Có nhiều loại ghe như ghe lườn, ghe cui, ghe trẹt, ghe nan, ghe trường… Vậy, "ghe phen" là ghe gì? Trong Bài ca chúc Tết thanh niên (1927), Phan Bội Châu kêu gọi: "Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan/ Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại". Ghe ở đây có nghĩa là nhiều.
Với câu ca dao trên, dù vùng miền nào cũng dễ tâm đắc cùng từ "dấu/ dấu dằm". Dằm là ăn xuống, hằn vết còn để lại trên cát, đất, bùn chẳng hạn, tỷ như: "Rắn đi còn dằm, rồng nằm còn dấu". Phép tiểu đối trong câu tục ngữ này đã cho biết "dằm" và "dấu" cùng nghĩa. Tuy nhiên còn phải tùy vào ngữ cảnh cụ thể nữa, thí dụ tục ngữ có câu: "Con vua, vua dấu; con chúa, chúa yêu", hoặc thơ Hồ Xuân Hương: "Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/ Chúa dấu vua yêu một cái này" thì dấu có nghĩa thương, yêu mến…
Tranh minh hoạ: Internet
Tất nhiên, dằm còn có thêm nghĩa khác như sớ nhỏ xíu xìu xiu, bé tẹo tèo teo của tre, gỗ hoặc mảnh kim loại ghim, xóc vào da thịt như cái gai cũng gọi là dằm; hoặc khi làm vườn người ta dùng vật nhọn, cứng làm cho đất tơi ra để dễ trồng cây, hoa màu thì đây chính là động tác dằm.
Các tỉnh phía Nam vốn nhiều kinh, rạch, sông nước nên có thói quen di chuyển bằng ghe thuyền là lẽ đương nhiên, từ đó có các từ như "dằm ghe" là chỉ chiều dài của chiếc ghe, chẳng hạn ai đó nói: "Từ chỗ tui đến đó, cách năm dằm ghe" là khoảng cách bằng năm bề dài của chiếc ghe đó; "ngon dằm/ êm dằm" được hiểu theo nghĩa bóng: "Xuôi một đường, đi êm (ghe thuyền) xuôi việc, êm việc", ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích, ta hiểu là mọi việc "Êm chèo mát mái", "Thuận buồm xuôi gió"…
"Ghe lui còn để dấu dằm
Người yêu đâu mất, chỗ nằm còn đây".
Đây là câu ca dao thuộc thể tỷ, khi chiếc ghe lui để lại dấu dằm cũng tỷ người yêu đi đâu rồi, chỉ để lại chỗ nằm. Một cách so sánh vời vợi bâng khuâng thương nhớ, khiến ta cũng xao xuyến theo. Câu ca dao này đã tuyệt, đã hay thế, nhưng thật hết sức bất ngờ khi ông Xuân Diệu không chỉ học tập theo, mà còn "nâng cấp" lần nữa: "Ghe lui còn để dấu dằm/ Người yêu đâu vắng, dấu nằm còn đây".
Viên đã ngọc quý, nhưng qua tay người thợ lành nghề lại càng tỏa thêm ánh sáng lung linh hơn, kỳ diệu hơn. "Người yêu đâu mất" là khẩu ngữ, thay bằng từ "vắng" lại mang sắc thái văn chương hơn; "chỗ nằm" nhằm chỉ một vị trí cụ thể, nhưng thay bằng từ dấu/ dấu nằm thì không những chỉ vị trí mà còn miêu tả sắc thái của vị trí đó đã ăn xuống, hằn vết của người yêu để lại. Chứng tỏ sự ăn nằm chung chạ đã diễn ta thời gian dài, đã quen hơi bén tiếng mà từ "chỗ nằm" không phản ánh, không đạt tới được.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất