Hàng công ĐT Anh: Hết thời rồi, Owen!

27/03/2009 11:26 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Cứ ĐTQG đá, người ta lại lôi các tiền đạo đã và đang khoác áo Real Madrid ra mà bán tán. Ở Tây Ban Nha vẫn là câu chuyện quen thuộc về Raul, từ thời Aragones đến bây giờ là Del Bosque. Ai cần Raul khi đã có Torres và David Villa. Ở Italia là Cassano và như trước đây, Lippi không cần đưa ra lời giải thích về quyết định quay lưng với Cassano. Tại sao Lippi lại phải giải thích khi ông đã đưa Italia lên đỉnh cao thế giới mà không cần Cassano? Ở Anh, báo chí vẫn nỗ lực không ngừng để lăng xê Owen. Họ tin mình có lý khi ĐT của Capello chỉ sở hữu một tiền đạo đẳng cấp thế giới (Rooney) và quá nhiều tiền đạo hạng hai.

Đã 1 năm trôi qua, kể từ lần cuối cùng Owen đá cho ĐT Anh. Trận làm khách trước Pháp vào ngày 26/3/08, Owen vào sân thay Rooney ở hiệp 2. Kể từ sau đấy, Owen không một lần được Capello ngó ngàng đến. Dù có giai đoạn, anh ghi bàn đều đặn 1 bàn/trận cho Newcastle, như hồi đầu mùa 2008-2009. Dù có lúc Capello không thể triệu tập 2 chân sút quan trọng nhất là Rooney và Heskey, như trận giao hữu với Đức ở Berlin hồi tháng 11/08. Trong ký ức của người Anh, Owen luôn là bảo vật của quốc gia từ sau cú nước rút hơn 40m, đi qua Jose Chamot và Roberto Ayala để sút tung lưới Argentina. Đó là bàn thắng đẹp nhất của VCK World Cup 1998.
 
Hết thời rồi, Owen!

Capello đã chứng kiến bàn thắng ấy và ông không cực đoan đến mức phủ nhận những gì thuộc về quá khứ. Trước khi dẫn dắt ĐT Anh, ông đã từng thành công với những ngôi sao tưởng chừng thuộc về quá khứ là van Nistelrooy và Beckham. Nhưng Owen là trường hợp khác. 1 năm qua, đội bóng của ông không có chỗ cho Owen. 1 năm tới, nếu ĐT Anh đặt chân đến Nam Phi, Owen có lẽ vẫn không có tên trong danh sách của Capello.

Không chỉ có Capello. Ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa qua, Mourinho từng đáp trả tin đồn rằng Inter liên hệ với Owen bằng lời đánh giá lạnh lùng: "Ở Chelsea trước đây và Inter bây giờ, tôi chưa bao giờ một lần nghĩ đến Owen. Đó không còn là Owen của 11 năm về trước". Owen được phép tự do rời Newcastle vào mùa Hè 2009 này khi hợp đồng giữa hai bên hết hạn. Nhưng đến thời điểm này, chưa có đội bóng lớn nào đặt vấn đề với Owen. M.U không. Chelsea không. Arsenal không. Đội bóng cũ Liverpool càng không. Các đội bóng tầm trung như Everton, Tottenham chỉ mở cửa cho Owen với điều kiện tiền đạo sắp bước sang tuổi 30 phải chấp nhận hưởng lương theo số trận chứ không phải tuần hay năm.

Chấn thương, phong cách và tốc độ

Điều kiện ấy đã làm nổi bật vấn đề của Owen: chấn thương dai dẳng. Kể từ khi gia nhập Newcastle vào mùa hè 2005, Owen đã dính chấn thương đến 16 lần, với đủ các bộ phận khác nhau trên cơ thể, từ háng đến bàn chân, từ đùi đến mắt cá chân, từ bắp chân đến dây chằng. Riêng chấn thương ở đầu gối từng khiến anh phải nghỉ thi đấu gần 1 năm, từ World Cup 2006 đến tháng 4/2007. Các HLV luôn phải chấp nhận sống với chấn thương của các trụ cột. Nhưng chấn thương như Owen thì quá khủng khiếp, mà tính ra trung bình mỗi năm là 4 lần trong khi ĐTQG đá chưa đầy chục trận/năm. Nếu tin dùng Owen, Capello coi như đã lao vào một canh bạc mà ông nắm chắc phần thua. Nếu triệu tập Owen, ông sẽ sống trong nỗi lo lắng rằng liệu buổi tập sáng nay có khiến Owen gục ngã hay không, liệu vài chục phút thi đấu căng thẳng có quá sức với Owen hay không. Gọi Owen tức là phải hy sinh một chân sút khác, như Heskey, một cầu thủ không giỏi ghi bàn nhưng ít nhất đá đều đặn. Vậy tại sao lại gọi Owen khi mà giải pháp tốt hơn nhiều là dành cơ hội, thử nghiệm, tôi luyện các sơ đồ chiến thuật với tiền đạo khác?

Vấn đề của Owen còn nằm ở phong cách, lối chơi của chính anh. 1 thập kỷ về trước, Owen là mẫu tiền đạo được ưa thích nhất. Nhưng bây giờ, anh không còn hợp thời. Tiền đạo giỏi theo quan niệm bây giờ phải như Drogba hay Torres, những người bên cạnh đạt các yêu cầu của một chân sút điển hình như sút tốt và không chiến giỏi, còn phải cực khỏe, tích cực tham gia phòng ngự bằng cách săn bóng trong chân hậu vệ đối phương, phối hợp hay biết cách tạo khoảng trống cho các tiền vệ. Tóm lại, ngoài nhiệm vụ ghi bàn, các chân sút còn phải đóng góp vào lối chơi của đội bóng. Owen lại không thuộc mẫu này. Ngay ở thời đỉnh cao, Owen chỉ bùng nổ khi cả đội bóng phục anh chứ không có trường hợp ngược lại.

Cuối cùng, điểm mạnh nhất đã làm nên thương hiện Michael Owen chính là tốc độ. Ở World Cup 1998, anh chưa đầy 19 tuổi và dễ dàng cho các hậu vệ "ngửi khói". 11 năm sau, với bao cuộc vật lộn trong bệnh viện và phòng hồi phục thể lực, sẽ là ảo tưởng nếu tin vào tốc độ của Owen.

Đơn giản, Owen đã hết thời...
 
Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm