06/08/2020 08:07 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Kiến trúc làng Việt truyền thống là tên gọi cuộc triển lãm khai mạc vào chiều 5/8 tại Hà Nội, do Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ VH,TT&DL) tổ chức.
Triển lãm giới thiệu về 6 ngôi làng Việt cổ, trải dài từ làng Thổ Hà ven sông Cầu tỉnh Bắc Giang, làng Cự Đà ven sông Nhuệ của Hà Nội, làng Nôm tỉnh Hưng Yên, làng Hành Thiện nơi ngã ba sông Hồng - sông Ninh Cơ ở Nam Định, làng Phước Tích bên dòng Ô Lâu và làng An Chuyền bên đầm Chuồn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Như chia sẻ của KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, làng Việt truyền thống vốn là một cấu trúc chặt chẽ về tổ chức và điều hành xã hội. Ở đó, mỗi ngôi làng, tùy thuộc vào môi trường tự nhiên, xã hội lại có một cách thức tổ chức khác nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng, đặc sắc của làng Việt truyền thống. Nếu đi sâu vào tìm hiểu, người ta có thể nhận thấy sự sắp xếp, bố trí rất khoa học của người Việt với từng ngôi làng, trong sự hòa quyện của đường đi, không gian sống hay môi trường thân thiện giữa con người với thiên nhiên
Dù vậy, theo thời gian, những thiết chế này đã bị ảnh hưởng khá mạnh bởi xu thế đô thị hóa và đứng trước nguy cơ tan biến.Ý thức được tầm quan trọng của những di sản này, kiến trúc làng cổ từ lâu đã được Viện Bảo tồn di tích quan tâm nghiên cứu để vừa bảo tồn, làm phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.
Các làng cổ là đối tượng trưng bày tại triển lãm đã được Viện Bảo tồn di tích tiến hành khảo cứu, điều tra liên tục trong nhiều năm và giới thiệu kèm các thông tin về lịch sử, văn hóa, quỹ di sản kiến trúc hiện còn... cũng như bản vẽ chi tiết các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu và các ảnh chụp sinh động.
Cũng trong đợt triển lãm, ấn phẩm Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích - tập 1 (viết về 6 làng cổ nói trên) đã chính thức ra mắt. Những làng cổ được giới thiệu trong cuốn sách này không chỉ là chủ nhân của những di sản kiến trúc, thậm chí những di tích độc hiếm cần được giữ lại, mà chúng còn là những thiết chế cộng cư chuyển động trong dòng chảy của thời đại, của hiện đại hóa.
Dự kiến, trong thời gian tới, cuốn sách Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích - tập 2 cũng sẽ được ấn hành, với nội dung giới thiệu thêm 6 làng cổ khác tại Việt Nam.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất