Vĩnh biệt họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn: Một chứng nhân lặng lẽ

14/03/2023 07:31 GMT+7 | Văn hoá

Với nhiều người, ngay cả trong giới hội họa, thì Nguyễn Thái Tuấn vẫn là một tên tuổi còn ít được biết tới. 

Vì anh sống lặng lẽ tại Đà Lạt, nhẩn nha vẽ và miệt mài theo đuổi ý niệm về sự phi lý của kiếp người, về sự mỉa mai của các không gian sống. Nhưng anh đã là một trong những họa sĩ quan trọng nhất của Việt Nam đương thời, vì những ghi chép mang tính lịch sử qua tranh.

Nguyễn Thái Tuấn mất lúc 16h ngày 10/3 vừa qua tại TP.HCM, sau một thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo. Theo di nguyện, anh muốn ra đi lặng lẽ, không báo tin cho ai ngoài gia đình, không làm lễ tang, không phúng viếng, không cúng kiếng. Ngày 11/3, gia đình đưa thân xác đi thiêu, sau đó mang một ít tro cốt rải ở vịnh Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Từ bức tranh đen vẽ bà nội

Nhà phê bình mỹ thuật Demetrio Paparoni từng nhận định: "Mối quan tâm của Nguyễn Thái Tuấn là hướng tới những hành vi và động thái hiện hữu của những ai tạo ra sự kiện, cũng như những ai phải chịu đựng chúng".

Vĩnh biệt họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn: Một chứng nhân lặng lẽ - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn

Còn theo Sàn Art thì: "Thực hành của anh neo giữa đối xứng của cái tràn đầy và cái thiếu vắng trống rỗng. Ở đâu ký ức của chúng ta đầy nhất? Cái gì khiến chúng ta nhớ lại hoặc che phủ quá khứ của chính ta? Đối với Nguyễn Thái Tuấn, không gian và những vật thể trong lòng nó, mối dây giữa xác thể và vật chất có vai trò quan trọng không thể chối từ".

2 triển lãm cá nhân gần đây của Nguyễn Thái Tuấn diễn tả khá rõ sự chuyển biến này. Đó là Đợi ngày cạn gió (3/2022) do Sàn Art tổ chức tại TP.HCM, là Nội thất và linh hồn đen (7/2021) do Primo Marella tổ chức ở Milan, Italy. Primo Marella gần như là đại diện quốc tế xuyên suốt của Nguyễn Thái Tuấn, đã đưa tranh đến nhiều bộ sưu tập trên thế giới, xuất hiện ở những sự kiện nghệ thuật quan trọng.

Vĩnh biệt họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn: Một chứng nhân lặng lẽ - Ảnh 2.

Một tác phẩm trong triển lãm “Đợi ngày cạn gió”

2 triển lãm này là sự thăng hoa của những ý niệm, những triển lãm trước đó, mà cụ thể nhất là loạt tranh đen, khởi sự vẽ từ khoảng 2005. Nguyễn Thái Tuấn từng chia sẻ: "Bức tranh số 01 là vẽ bà nội tôi, một bức tranh chân dung bình thường, nó tách khỏi loạt tranh đen tôi đã vẽ sau này, nhưng tôi vẫn đặt nó vào vị trí đầu tiên như là một dấu mốc của một giai đoạn. Nó là khởi nguồn cho những sự thay đổi của tôi về phương pháp thể hiện và quan niệm nghệ thuật".

"Tôi đã chụp bà tại Quảng Trị, rồi dùng bức ảnh để vẽ lại khi vào Đà Lạt. Đây là lần đầu tiên tôi có ý thức về việc sử dụng nguồn nhiếp ảnh như là một phương tiện trung gian mà qua đó để đưa vào cái nhìn riêng của mình" - anh nói thêm - "Thời gian này tôi nghiên cứu sâu hơn về họa sĩ Luc Tuymans và qua ông tôi quay trở về lại với Gerhard Richter, người mà Luc Tuymans cũng chịu ảnh hưởng từ cách vẽ đến cách tiếp cận các sự kiện xã hội và các vấn đề lịch sử qua nguồn tư liệu ảnh. Có thể nói rằng Luc Tuymans là một họa sĩ mà tôi yêu thích nhất và cũng đã ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, ngay ở giai đoạn trước và nhiều hơn về giai đoạn sau này".

Vĩnh biệt họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn: Một chứng nhân lặng lẽ - Ảnh 3.

Tác phẩm “Linh hồn đen 5” trong triển lãm “Nội thất và linh hồn đen”

Sau gần 5 năm theo đuổi loạt tranh đen, Nguyễn Thái Tuấn chuyển dần sang loạt tranh về di sản, về không gian sống, về linh hồn đen. Mà, mục tiêu chính của anh là ghi chép một phần đời sống của những người sống bên lề xã hội - hoặc đúng hơn, bị dòng chảy chính xô đẩy mà trôi dạt.

Bút pháp hậu ấn tượng

Nguyễn Thái Tuấn dùng kết hợp bút pháp hậu ấn tượng (post-impressionism) và hiện thực hoài nghi (cynical realism) để ghi chép lại một vài hoàn cảnh sống.

Vĩnh biệt họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn: Một chứng nhân lặng lẽ - Ảnh 4.

Một tác phẩm trong loạt tranh đen

Nhà phê bình Trần Đán nhận định: "Họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn dùng màu đen để khơi dậy sự thiếu vắng. Phân tích vật lý của ánh sáng đã cho ta biết màu trắng là tổng hợp của tất cả các màu, và ngược lại màu đen là sự thiếu vắng hoàn toàn của các màu. Họa sĩ đã sử dụng màu đen thật đúng chỗ. Người xem không thể không cảm thấy một điều gì bất ổn. Tay, chân, cổ của nhân vật thập thò sau mớ áo quần như những mảng màu đen. Trong những bức khác trong loạt tranh đen, có nhân vật có đầu nhưng màu đen. Họ có đầu hay không, theo tôi, chỉ là một kỹ thuật phụ. Trong tranh thiếu vắng hoàn toàn những đường nét khả dĩ cho người xem nhận diện được nhân vật. Đó có thể là bất cứ ai".

"Họa sĩ cảm thông với những dày vò trước bao điều phi lý trong cuộc sống. Bằng các thủ thuật của hội họa đương đại, anh đã thành công trong việc tạo hình cho nỗi dày vò trước sự phi lý này" - ông cho biết thêm.

 "Câu chuyện kể từ các bức tranh ấy được rút ra từ hiện thực cuộc sống, là những hình ảnh chứa đựng thông tin và những hình ảnh thường nhật được tác giả chắt lọc từ ảnh chụp, từ báo chí, truyền hình, hoặc trên mạng" - nhà phê bình mỹ thuật Demetrio Paparoni kết luận - "Trong khi luôn nhìn vào các sự kiện lịch sử và những gì diễn ra trong thực tiễn, chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Thái Tuấn ít khi nào đậm nét sự kiện, nó chỉ như một tiếng vọng được tạo nên từ những vùng tối trong tâm hồn của mỗi người, tác động tới đời sống hằng ngày của người đó".

Nguyễn Thái Tuấn (1965 - 2023) sinh ra tại Quảng Trị, tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật tại Huế, sau đó chọn Đà Lạt để sống và vẽ. Vốn thích sự lặng lẽ, nên Nguyễn Thái Tuấn gần như chỉ dùng mỗi email để làm phương tiện liên lạc, không điện thoại di động, không Facebook…

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm