Vĩnh biệt họa sĩ Lê Thánh Thư: 'Người mẫu mực đến tận cùng cái chết'

20/07/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lê Thánh Thư sinh ngày 20/5/1956 tại Quy Nhơn, qua đời lúc 2h ngày 16/7/2021 tại TP.HCM (trước đó, anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/7). Tự học làm thơ từ năm 1972 và tự học hội họa từ năm 1982, anh đã tạo ra một hành trình thi họa đẹp đẽ, diễn tả được bao nỗi niềm nhân sinh.

Họa sĩ Lê Thánh Thư đột ngột qua đời do Covid-19

Họa sĩ Lê Thánh Thư đột ngột qua đời do Covid-19

Gia đình cho biết mới xét nghiệm ra dương tính Covid-19 chiều 15/7, hơn 10 tiếng sau thì qua đời.

Sinh thời, trong bài thơ về Van Gogh, anh viết: “Không hoa/ Không lời ai điếu/ Âm bản đời ông/ Không tiếng động/ Không thở than/ Không thì thầm.../ Người hành đạo bằng màu/ Người của nắng gió/ Của đất và hoa/ Người mẫu mực đến tận cùng cái chết”.

Từ căn phòng 2 mét vuông

Đầu thập niên 1980, trong một phòng trọ chừng 2 mét vuông ở TP.HCM, Lê Thánh Thư bắt đầu nghĩ đến việc vẽ, dùng bút sắt và bút kim vẽ những ý nghĩ lên các cuốn sổ nhỏ. Chính những năm tháng mày mò và tập luyện này đã để lại dấu ấn còn nhìn thấy qua kỹ thuật vẽ đơn sắc (monochrome), điểm họa (pointillisme/ pointillism) và thuật họa (tachisme) về sau của Lê Thánh Thư. Anh dường như muốn gạt bỏ trừu tượng hình học để đến gần với trực giác biểu hiện - trừu tượng, chỉ giữ lại nét, tương tự như lối vẽ hành động, hoặc lối trừu tượng trữ tình mà anh theo đuổi từ năm 1994 đến lúc qua đời.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lê Thánh Thư, năm 2009. Ảnh: Văn Bảy

“Trước hết, tôi là một nhà thơ. Cái nhìn hội họa của tôi hoàn toàn khác biệt so với cái nhìn của họa sĩ. Đó là cái nhìn của thi sĩ làm hội họa. Tôi quan tâm nhiều đến cấu trúc được tạo thành bởi sự lặp lại các yếu tố đơn giản và tạo dựng nên các nhịp điệu trong bố cục. Tranh của tôi nhiều tính chất tượng trưng, thường dùng màu đơn sắc, độ dày mỏng khác nhau trong nhiều tranh sơn dầu” - Lê Thánh Thư nói.

Chính trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction) đã giúp anh giữ được thế cân bằng giữa thơ và họa, nhiều lúc viết không được thì vẽ, hoặc ngược lại. Nhiều lúc có một cái tứ phù hợp. Ví dụ như về không gian tù túng của đô thị, anh viết, vẽ và chụp ảnh luôn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Không gian đô thị #5” (sơn dầu trên bố, 65cm x 65cm, 1997) của Lê Thánh Thư

Trong loạt tranh Không gian sống, mới nhìn thoáng qua, cứ ngỡ là những nét được kéo đến mức trừu tượng, nhưng không, đó là những chữ tượng hình về người trong chữ Ai Cập, chữ Hán được cách điệu hóa. Lê Thánh Thư mượn những hình tượng cổ xưa để diễn đạt cuộc sống ngày nay, sau 5 - 7 ngàn năm, dường như phận người cũng không có quá nhiều điều mới mẻ.

“Vẽ là cách duy nhất để tôi có thể giữ lại những cảm xúc không sao diễn tả nổi bằng cách khác. Tôi vẽ để cảm thấy mình không cô độc” - Lê Thánh Thư từng nói.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Sức sống và nhịp điệu” (sơn dầu trên bố, 135cm x 200cm x 4 tấm, 1997) của Lê Thánh Thư

Cũng như trong bài Ðêm của người nhiều mộng, anh viết: “Tôi là kẻ mất thăng bằng trên sợi buồn vui/ Là người phí sức giữa đêm mơ/ Đêm cuộn tôi bằng nanh vuốt của mãnh thú đói mồi/ Có nhiều đứa con gái đi ra đi vào trong bóng tối/ Không nói lời nào/ Chiêm bao mị tôi chuyện dữ và buồn”.

Hội họa là tôn giáo

Lê Thánh Thư nói: “Với tôi, hội họa là tôn giáo, với đủ đầy ân phúc. Bởi khi đến với hội họa là lúc tôi mới rời trường dòng, không nghề nghiệp, không tiền bạc, không định hướng tương lai, nên vẽ không chỉ là sự giải tỏa, mà còn là sự cứu rỗi”.

Gần 40 năm cầm cọ, mà xuất phát điểm chỉ là vẽ để giải tỏa, Lê Thánh Thư đã liên tục làm mới mình, tìm tòi và thay đổi. Xem vựng tập mà anh in mấy năm trước, thấy rõ sự thay đổi này, dù vẫn giữ được nét chính của bản sắc.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Cõi người” (sơn dầu và acrylic trên bố, 65cm x 54cm x 3 tấm, 2009) của Lê Thánh Thư

Năm 1989, triển lãm cá nhân đầu tiên diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Từ đó đến khi qua đời, anh đã thực hiện hơn 10 triển lãm cá nhân, hơn 30 triển lãm nhóm tại Việt Nam và quốc tế. Anh được nhiều giải thưởng mỹ thuật uy tín; tác phẩm thuộc sưu tập tư nhân ở khoảng 20 nước và góp mặt trong một vài bảo tàng quốc gia như Việt Nam, Singapore…

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Những người ăn không khí” (sơn dầu và acrylic trên bố, 60cm x 120cm, 2010) của Lê Thánh Thư

Bất ngờ ra đi lúc sức sáng tạo còn khỏe, đầu óc còn rất minh mẫn, điều ấy hiển nhiên là một mất mát to lớn với bản thân và gia đình. Nhưng những gì mà Lê Thánh Thư đã làm được với hội họa, thì dấu ấn ấy hẳn khó phai mờ. Anh ra đi với tinh thần của bài thơ Tự hát cho mình nghe: “Không có gì phía trước/ Chẳng còn gì phía sau/ Tôi huýt sáo bài ngụy âm lạc loài trên rẫy đầy gai mắc cỡ/ Và bỏ đi/ Không nói/ Tôi chẳng còn đợi ai/ Nơi mảnh vườn um khói”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm