Vĩnh biệt họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận: Người nằm xuống bên đời lãng du

19/07/2021 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với Đinh Cường (1939-2016), Bửu Chỉ (1948-2002), Dương Đình Sang (1950 -2005)… thì Hoàng Đăng Nhuận (1942-2021) góp phần không nhỏ vào bản sắc của mỹ thuật Huế nửa sau thế kỷ 20. Ông có một hướng đi riêng biệt, ít bị ảnh hưởng ai, nên được quý trọng không chỉ ở Huế, mà còn cả nước.

Họa sĩ Lê Thánh Thư đột ngột qua đời do Covid-19

Họa sĩ Lê Thánh Thư đột ngột qua đời do Covid-19

Gia đình cho biết mới xét nghiệm ra dương tính Covid-19 chiều 15/7, hơn 10 tiếng sau thì qua đời.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận mất lúc 16h ngày 14/7/2021 tại tư gia ở Huế, ông sinh năm Nhâm Ngọ (1942), theo lịch ta, tại thế được 80 năm.

Sáng 18/7, làng hội họa Huế cũng như đồng nghiệp xa gần xót xa tiễn đưa một người tài ra đi, nhưng có lẽ di sản tranh của ông sẽ còn ở lại lâu trong sự yêu thích, ngưỡng mộ của nhiều người. Nhìn bạn bè, người thân, đồng nghiệp và các hội đoàn đến viếng đám tang mấy ngày qua – trong bối cảnh phải vất vả phòng chống dịch Covid-19 - cũng đủ thấy Hoàng Đăng Nhuận được người ta mến thương như thế nào.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận, năm 2008. Ảnh: Văn Bảy

“Tôi mãi mãi thất bại”

Tôi luôn nhớ đến lời nhắc của một người thầy hồi học mỹ thuật, rằng “năng khiếu chỉ là 1%, còn 99% còn lại là sự nỗ lực và cố gắng của bản thân mà thành”. Nói như vậy để thấy họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận là một người đúng nghĩa của phần 99% ấy: ông tự học, khổ luyện và luôn nỗ lực trong sáng tạo, để tạo ra một lối đi riêng. Đơn cử một chuyện: Ông bị tai biến rất nặng vào đầu năm 2009, nhưng hơn 6 tháng sau, ông đã ngồi xe lăn để tập vẽ trở lại, sau đó là có các tác phẩm mới để triển lãm.

Hoàng Đăng Nhuận luôn tự răn mình bằng mấy câu sau: “Tôi đã thất bại/ Tôi đang thất bại/ Tôi mãi mãi thất bại/ Sáng tạo nghệ thuật với tôi là một đời nỗ lực/ Hụt hơi, không bao giờ tự cảm thấy yên tâm, thỏa mãn”.

Chú thích ảnh
Lễ di quan diễn ra từ lúc 5h ngày 18/7/2021, đưa đi an táng tại nghĩa trang phường An Tây, TP Huế

Năm 1969, Hoàng Đăng Nhuận triển lãm cá nhân đầu tiên tại Đà Nẵng, từ đó đến nay ông đã có gần 20 triển lãm cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài. Ông đã tham gia triển lãm tại Liên Xô, Tiệp Khắc, Pháp, Đức, Ba Lan, Bulgaria, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Triều Tiên… Tác phẩm có trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng và cá nhân ở nhiều quốc gia. Ông là họa sĩ tiêu biểu cho phong cách điểm họa (pointillisme/ pointillism) của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hoa ban công 2” (sơn dầu và acrylic trên toan, 110cm x 180cm) điển hình cho phong cách điểm họa của Hoàng Đăng Nhuận

Một người khi đã đến ngưỡng này mà nhận mình luôn thất bại thì chứng tỏ rất cầu tiến, tự học suốt đời, sáng tạo không mệt mỏi cho đến những phút giây cuối cùng. Dường như đối với ông thì không có sự tự đắc và an phận trong sáng tạo.

Với hơn nửa đời người sống rày đây mai đó, đâu cũng là bạn, cũng là nhà, nhưng cái chất phong trần ấy lại không thể hiện trực tiếp lên mặt tranh. Tác phẩm của ông nhiều chất thơ, sâu lắng và có chút buồn vương, lãng mạn, thấp thoáng dáng dấp của Huế, của Đà Lạt mù sương…

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Suối chảy qua” (sơn dầu và acrylic trên toan, 90cm x 110cm) của Hoàng Đăng Nhuận

“Bằng tất cả sự nhiệt huyết, niềm đam mê, ông đã tạo nên phong cách độc đáo và rất riêng. Chính sự lăn lộn và trưởng thành từ thực tế, nên khi vẽ về đời sống, người xem dễ tìm thấy trong tác phẩm của ông sự đồng cảm và gần gũi. Tuy họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận không đóng góp nhiều công sức với Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, nhưng tên tuổi của ông đã là một bông hoa, một tiếng thơm góp phần làm cho hội thêm hãnh diện vì tài danh” - họa sĩ Đặng Mậu Tựu chia sẻ.

Đam mê và tận hiến

Họa sĩ Trần Anh Huy viết trên trang riêng: “Tranh của bác Nhuận qua các thời kỳ chủ yếu theo phong cách biểu hiện, tân ấn tượng và dã thú, nhưng dù ở thời kỳ nào thì sự rung động, sự nhạy cảm vẫn thể hiện rõ nét qua nhát cọ, vệt màu, nét chấm phá. Dù vẽ phóng túng hoặc tỉ mẫn, mạnh mẽ hoặc nhẹ nhàng, đôi khi là các lỗi ở cấp độ vô thức, thì cũng đều liền mạch về tâm tạng, với bảng màu rất đẹp, dễ nhận ra”.

Tôi thì đặc biệt thích mảng tranh về cỏ cây của ông, những bụi bờ, lau lách bảng lảng, những khóm bông lau dọc 2 bên bờ sông Hương như giấu kín nỗi lòng miên viễn của một họa sĩ phong trần. Những tầng tầng lớp lớp trong bố cục của bụi bờ ấy luôn chặt chẽ và có sức hấp dẫn, làm người xem như muốn vén những bụi cây mà bước vào thế giới ấy. Một thế giới thênh thang và nhiều mơ mộng, nơi dấu chân của ông đã đi qua trên các nẻo đường từ thành thị cho đến núi đồi Đà Lạt, từ Huế đến Paris… Ông tích trữ một năng lượng rất lớn, một sức vẽ dồi dào, dù cuối đời gặp tai biến, nhưng ông vẫn vẽ, vẫn đam mê và tận hiến.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Phố xưa rêu cũ” (sơn dầu và acrylic trên toan, 90cm x 110cm) của Hoàng Đăng Nhuận

Hôm nghe tin ông mất, tôi liền đến thăm, con trai ông là họa sĩ Hoàng Đăng Khanh chia sẻ: “Lâu nay ba em vẫn minh mẫn và làm việc bình thường, mấy hôm trước khi mất cũng không nói gỡ điềm gì báo hiệu sắp ra đi. Chiều hôm trước, ba ăn chén cháo bữa lỡ xong, đi nằm nghỉ như mọi khi, nhưng rồi nhẹ nhàng ra đi luôn”.

Chiếc giường nơi ông nằm, những bức tranh trên tường còn khá nhiều, mực màu giấy bút còn đó, như chứng kiến một hơi thở vừa vụt tắt. Mấy năm nay, tuy bệnh, nhưng ông vẫn có tranh mới đều đặn, thỉnh thoảng vẫn bán tranh để tự lo thuốc thang cho bản thân và việc gia đình. Vì vậy mà ông có thể yên tâm nằm xuống bên đời lãng du, sau 80 năm đi giữa cuộc dương thế này.

Vĩnh Thịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm