'Hội họa Truyện Kiều': Thế giới truyện Kiều qua mộng tưởng mỗi người

21/11/2020 17:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. Triển lãm do Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền tổ chức, nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du.

Sức sống trường tồn của 'Truyện Kiều' trong đời sống đương đại

Sức sống trường tồn của 'Truyện Kiều' trong đời sống đương đại

Như báo điện tử Thể thao & Văn hoá đã đưa tin, chuỗi sự kiện văn hóa "Ai nhớ Tố Như..." do MaiHaBooks tổ chức đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, kéo dài hết ngày 31/10, nhằm dịp kỷ niệm 200 năm mất đại thi hào Nguyễn Du.

Triển lãm trưng bày gần 100 tác phẩm hội hoạ, là kết tinh của hơn 20 năm theo đuổi nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo với các nhân vật Truyện Kiều của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn, còn được biết đến với nghệ danh “Sơn Kiều”. Trong tranh của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn, các nhân vật, địa danh, câu chuyện trong Truyện Kiều lần lượt hiện hữu qua những mảng màu, nét vẽ của người họa sỹ nặng lòng với Truyện Kiều. Đó là Đại thi hào Nguyễn Du – người đã sáng tác Truyện Kiều, đến Thuý Kiều, Kim Trọng, Thuý Vân, Từ Hải… đến Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến, Sở Khanh, Hoạn Thư, gã bán tơ…

Triển lãm, Hà Nội, hội họa, họa sĩ, Nguyễn Tuấn Sơn
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (trái) và một số tác phẩm của mình

Ở Việt Nam, nhiều họa sỹ đã vẽ Kiều, trong đó có những danh họa nổi tiếng như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... Với hơn 20 năm nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn có cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt. Các tác phẩm của anh không chỉ minh họa tác phẩm Truyện Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải khám phá từng đường nét và không ngừng tưởng tượng.

Có thể nói, các bức tranh của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn là sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua các bức tranh của anh là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ. Các tác phẩm của anh đem lại cho người xem những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm các nhân vật từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời...

Khi xem các tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn, người xem sẽ thấy ẩn hiện trong những nét màu rất mạnh và rất sắc là những đường nét của điêu khắc đình làng, mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng các nhân vật trong các vở chèo, tuồng truyền thống. Đây là một sự kết hợp mang màu sắc dân tộc mà họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn rất tâm đắc.

Triển lãm, Hà Nội, hội họa, họa sĩ, Nguyễn Tuấn Sơn
Tranh sơn dầu ''Tiếng sắt, tiếng vàng'' của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn

Họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Không chỉ sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn còn có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong Truyện Kiều… Niềm đam mê của Nguyễn Tuấn Sơn không chỉ dừng lại ở việc vẽ Kiều, anh còn là nhà sưu tập Truyện Kiều cổ xưa và là một nhà giáo với nghệ danh Picas Sơn - người truyền cảm hứng nghệ thuật tới các thế hệ học trò.

Triển lãm “Hội hoạ Truyện Kiều” kéo dài đến hết ngày 23/11/2020.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm