Bà Smita Pant - Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam: Sẽ vận động đưa áo dài lên màn ảnh Bollywood

29/03/2016 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 25/3/2016, tại Bảo tàng phụ nữ Nam bộ, văn phòng Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM phối hợp với Bảo tàng áo dài tổ chức buổi họp báo giới thiệu đêm thời trang chủ đề: Áo dài - áo Saree. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa đã có buổi phỏng vấn bà Smita Pant - tổng lãnh sự Ấn Độ đồng thời là người chỉ đạo tất cả mọi hoạt động liên quan đến đêm diễn.

Bà Smita Pant chia sẻ: “Tôi được biết chiếc áo dài hiện nay của các bạn có nguồn gốc từ chiếc áo tứ thân cổ xưa của người phụ nữ Việt. Cho dù chiếc áo này chỉ hơn 100 năm thời gian nhưng vẻ đẹp của nó có thể chinh phục được bất kỳ ai kỹ tính trong quan điểm thời trang. Tôi thực sự không hiểu được vì sao chiếc áo đơn sơ như vậy mà hội đủ các tính chất nền nã, sang trọng, vừa kín đáo lại vừa rất gợi cảm. Tôi say mê chiếc áo dài ngay trong lần đầu tiên nhìn thấy nó”.

Giao thoa giữa áo Saree và áo dài

* Thưa bà Tổng lãnh sự, xin bà cho biết nguyên nhân nào tạo động lực để bà lên ý tưởng tổ chức đêm thời trang chủ đề “áo dài - áo Saree” sẽ diễn ra tại Bảo tàng áo dài thuộc xã Long Thuận, Quận 9, TP.HCM vào tối ngày 1/4/2016?

- Tôi là một nhà ngoại giao của đất nước Ấn Độ đang hoạt động tại Việt Nam, vì vậy, tôi muốn dân chúng hai quốc gia có sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa dân tộc. Lần này, trong khái niệm văn hóa truyền thống rộng lớn tôi chọn thời trang làm điểm nhấn.

Bộ áo Saree là niềm tự hào của phụ nữ và cả dân tộc Ấn Độ chúng tôi. Theo sách sử ghi lại, bộ áo Saree hiện diện trong đời sống người Ấn Độ khoảng 3.000 năm. Nhiều chuyên gia văn hóa dân tộc còn xác định tuổi đời của nó là 5.000 năm.

Chiếc áo Saree và chiếc áo dài mang vẻ đẹp đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó là lý do tôi chọn hai bộ trang phục này để đại diện cho hai nền văn hóa đặc thù của Ấn Độ và Việt Nam trong đêm diễn thời trang nhắm đến tính giao lưu văn hóa của hai dân tộc.


Bà Smita Pant -Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam và nhà thiết kế Sỹ Hoàng

* Ở Việt Nam có rất nhiều nhà thiết kế thời trang áo dài nổi tiếng, vì sao bà chọn nhà thiết kế Lê Sỹ Hoàng làm đối tác cho chương trình này, thưa bà?

- Sỹ Hoàng là một nhà thiết kế thời trang áo dài có kiến thức về áo dài sâu sắc. Anh đã từng có nhiều bộ sưu tập và nhiều show diễn được quốc tế biết tới. Bản thân tôi cũng rất thích thú khi chiêm ngưỡng các sáng tác của anh. Anh đã xây dựng hẳn một bảo tàng áo dài để người Việt Nam và nước ngoài có nơi để thưởng thức và tìm hiểu về lịch sử áo dài. Điều đặc biệt là Sỹ Hoàng có một sự quan tâm đặc biệt đến thời trang Ấn Độ.

* Nhà thiết kế Sỹ Hoàng có cho bà biết rõ anh sẽ làm gì trong đêm thời trang do bà lên ý tưởng và chỉ đạo thực hiện không, thưa bà?

- Anh Sỹ Hoàng sẽ thiết kế áo dài trên những tấm vải từ những bộ Saree của Ấn Độ. Anh cho biết rằng số lượng vải của một bộ Saree đủ để may một chiếc áo dài Việt, một thông tin rất lý thú phải không? Anh còn cho biết thêm sẽ vẽ lên những chiếc áo dài cắt may từ vải Saree những hoa văn, họa tiết đặc thù của Ấn Độ. Đó là cách giao thoa giữa Saree và áo dài, giữa văn hóa Ấn và Việt.

Được biết sẽ có nhiều người mẫu thời trang nổi tiếng của Việt Nam tham gia trình diễn. Về phía Ấn Độ, chúng tôi chọn ra những phụ nữ đẹp để trình diễn bộ sưu tập Saree xen kẽ trong các tiết mục trình diễn áo dài.

Áo dài tiếp cận thị trường 1,2 tỷ dân

* Bên cạnh là biểu tượng văn hóa, áo dài còn là một sản phẩm thời trang mang tính ứng dụng cao. Trong vai trò của mình, bà có thể góp sức để chiếc áo dài có cơ hội được tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ không, thưa bà?

- Đó chính là một mục tiêu chúng tôi nhắm đến. Trong đêm diễn “áo dài- áo Saree” chúng tôi mời đến rất nhiều đại diện của các công ty dệt may, và các nhà thời trang Ấn Độ. Họ sẽ là chiếc cầu đưa chiếc áo dài Việt Nam đến thị trường hơn 1,2 tỷ dân, nơi mà ngành thời trang đã tiếp cận được với đẳng cấp thời trang thế giới.

Sức hút áo dài Việt...

Sức hút áo dài Việt...

Từ ngày 5 đến 20/3/2016, Lễ hội Áo dài lần 3 của TP.HCM sẽ chính thức diễn ra, với chủ điểm 'Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố áo dài'. Nhân tháng này, lãnh đạo thành phố đã phát động chị em phụ nữ mặt áo dài suốt tháng...


Song song đó, chúng tôi sẽ vận động các nhà làm phim tại Bollywood đưa chiếc áo dài lên màn ảnh. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mời Sỹ Hoàng đến Ấn Độ để tham gia các hoạt động quảng bá chiếc áo dài. Tôi tin là với nhiệt huyết của mình, anh sẽ làm tốt vai trò đại sứ áo dài tại Ấn Độ.

* Mục đích của đêm thời trang “Áo dài- áo Saree” là quảng bá hình ảnh chiếc áo dài và chiếc áo Saree ra rộng rãi công chúng, thế nhưng khách mời chỉ giới hạn trong đối tượng các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự quán các nước; phần còn lại là văn nghệ sỹ. Vì sao ban tổ chức không chọn một địa điểm rộng lớn hơn để rộng rãi công chúng tham dự, thưa bà?

- Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một đêm thời trang nên còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi muốn giới hạn quy mô để tổ chức một cách tốt nhất, hoàn chỉnh nhất. Từ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình khác, và lúc này chúng tôi sẽ thực hiện ở nhà hát hay địa điểm nào đó mà nhiều người có thể tham dự.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những khách mời lần này là những người có ảnh hưởng lớn. Họ sẽ là những nhịp cầu đầu tiên mang thông điệp của chúng tôi đến những người khác. Họ sẽ là thước đo ban đầu để chúng tôi biết nên và không nên làm gì cho những lần sau.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Tam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm