Có thể bạn chưa biết: Từ 'con rùa' đến 'thuyền bọc sắt trên bộ'

10/09/2022 07:27 GMT+7 | Văn hoá

Có thể bạn chưa biết: Từ 'con rùa' đến 'thuyền bọc sắt trên bộ'

Chiến tranh có lẽ là hiện tượng không thể tách rời xã hội loài người? Bởi dường như chưa có ngày nào trên thế giới không xảy ra xung đột.

Có thể bạn chưa biết: 'Thành phố ma' giữa đại dương

Có thể bạn chưa biết: 'Thành phố ma' giữa đại dương

Hashima là một hòn đảo của Nhật Bản mà khi nhắc đến, người dân chỉ dùng cái tên truyền miệng Gunkanjima tức “Đảo tàu chiến”.

Và mỗi bên tham gia chiến sự đều cố giành thắng lợi trong cuộc chạy đua chế ra vũ khí tốt hơn. Cho dù đó là những chiến xa ngựa kéo thời cổ đại hay những kỵ sĩ bọc kín giáp trụ thời Trung cổ hay, tùy thuộc vào tiến bộ của công nghệ quân sự, bao giờ cũng có một loại vũ khí trọng tâm góp phần quyết định chiến thắng hay thất bại. Ví dụ như xe tăng, một loại vũ khí còn hữu dụng trên chiến trường Ukraine những ngày này.

Vô số ý tưởng mà lịch sử quân sự ghi lại hoặc lơ đãng bỏ qua, đa số chỉ là sản phẩm trong trí tưởng tượng của các nhà phát minh, đôi khi lại là những người bị giễu nhại...

Những bản nháp nguyên thủy

Tuy nhiên, một số phát minh như chiến xa bọc thép, đã và đang tồn tại dai dẳng: Sinh thời, Leonardo da Vinci đã cố gắng chế tạo một cỗ xe hình nón trang bị súng thần công mà ông gọi là “con rùa”, nhưng ông không thành công vì thiếu một động cơ khả dĩ vận động cục sắt giết người nặng nề đó.

Gần 4 thế kỷ sau, tác giả khoa học viễn tưởng người Anh H. G. Wells đã mơ về một loại phương tiện tương tự, tất nhiên là hiện đại hơn nhiều: Trong câu chuyện The Land Ironclads viết năm 1903, ông tiên tri về một cuộc chiến tranh sử dụng rộng rãi "thuyền bọc sắt trên bộ".

Chú thích ảnh
Ý tưởng chiến xa của Leonardo da Vinci từ thời Phục Hưng

Vào thời điểm đó, khó ai có thể tưởng tượng được rằng tiểu thuyết văn học này sẽ trở thành hiện thực, như nhà sử học quân sự Hammerich mô tả trong tiểu luận Lịch sử xe tăng, một phần của tuyển tập Kỷ nguyên của các cuộc chiến tranh thế giới 1914-1945, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm Thế chiến I.

Winston Churchill, Bộ trưởng Bộ hải quân Anh ngày nào, đã đặt hai cuộc thế chiến tàn bạo ấy vào cùng một bối cảnh. Trong Thế chiến I, chính trị gia đó - cũng như nhiều người khác - đã quan tâm đến câu hỏi: Loại vũ khí nào có thể thay đổi tương quan lực lượng ở mặt trận phía Tây. Nhưng cách đặt vấn đề của ông không được ai quan tâm.

Churchill say mê trình bày trong bức thư gửi Thủ tướng Anh Herbert Asquith vào ngày 5/1/1915: “Sẽ rất dễ dàng chế tạo trong thời gian ngắn một cơ số máy kéo bọc thép chạy bằng động cơ hơi nước, trong đó binh lính và súng máy được bảo vệ trước làn đạn của đối thủ”. Nhưng, như đã nói, chẳng ai đoái hoài đến sáng kiến nọ.

Nguyên mẫu đầu tiên

Có thể ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể vì tiếp xúc với nhau ở một thời điểm may mắn mà một trung tá người Anh, Ernest Swinton, cũng có cùng sáng kiến.

Vào một ngày đẹp trời, khi chiến sự đã bùng nổ gần một năm ở châu Âu, ông trình làng một chiếc xe bánh xích bọc thép được cho là sẽ xuyên thủng phòng tuyến của quân Đức tại vùng giáp ranh với Bỉ và đông bắc nước Pháp. Nhưng không một quan chức hay tướng lĩnh hàng đầu nào bị thuyết phục về tiềm năng của vũ khí mới. Ngoại trừ Bộ trưởng Hải quân Churchill.

Chú thích ảnh
Tháng 9/1915, nhà sản xuất máy nông nghiệp William A. Tritton giới thiệu nguyên mẫu đầu tiên của xe tăng

Tầm nhìn của H.G. Wells đã truyền cảm hứng cho Churchill không chỉ một lần ấy. Sau này, hai bộ óc bạo lực ấy lại một lần nữa đều suy nghĩ giống nhau về bom nguyên tử, rất lâu trước khi Albert Einstein cùng các nhà vật lý lỗi lạc khác coi nó là khả thi về mặt kỹ thuật. Dù sao chăng nữa, khi nhận được đề nghị của Wells, chính trị gia nổi tiếng ma mãnh Churchill đặt tên những cỗ máy giết người tương lai là “thiết giáp hạm”. Ông ra lệnh chuyển khoản tắp lự 75.000 bảng Anh từ ngân sách của Bộ Hải quân cho nhóm kỹ thuật viên thiết kế phát triển.

Vào ngày 24/7/1915, công ty máy kéo Fosters of Lincoln được giao nhiệm vụ biến viễn cảnh của Churchill thành hiện thực. “Cỗ máy Lincoln số 1” đã ra đời và dịch chuyển những mét đầu tiên chỉ sau 47 ngày, từ ngày 11/8 đến ngày 8/9/1915. Điều này chỉ có thể thực hiện được vì người ta đã sử dụng các bộ phận lắp ráp có sẵn của máy kéo để hoàn thành đơn đặt hàng.

Bộ Chiến tranh ở London đã yêu cầu một loại xe bọc thép có thể vượt qua các chiến hào rộng từ 4 đến 8 feet. Các chiến hào mà cuộc chiến ở mặt trận xuyên Bỉ và miền Đông nước Pháp đã bị kẹt lại kể từ mùa Thu năm 1914 rộng tối đa 8 feet (khoảng 2,5 mét). Hàng chục nghìn binh sĩ Anh đã ngã xuống trước các chiến hào như vậy mà không giành được bất kỳ mét đất nào đáng kể. Điều đó hy vọng sẽ được thay đổi bởi cỗ xe tăng, và quả thật, bất chấp những vấn đề lớn với động cơ và khung gầm, thiết bị này xứng đáng được gọi là tổ tiên của xe tăng.

Chú thích ảnh
Xe tăng của Tritton trong chuyến thử nghiệm thực địa đầu tiên

Lễ rửa tội cho vũ khí mới

Một thời gian sau, kỹ sư Walter Gordon Wilson đã thiết kế thành công mẫu chiến xa đầu tiên khả dĩ chế tạo hàng loạt, gọi là “Mark I”. Để giữ bí mật về vũ khí mới ra lò này, người Anh cũng gọi dự án phát triển chiến xa là “thiết kế tank”.

Trên thực tế, con quái vật sắt, dài gần 8 mét, rộng 4 mét và nặng khoảng 30 tấn, gợi nhớ đến một chiếc xe có bồn chứa chất lỏng nước hơn là một vũ khí có thể quyết định thắng bại của cuộc chiến.

Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, Bộ trưởng Chiến tranh Anh Herbert Kitchener đã quyết định sản xuất xe tăng hàng loạt vào ngày 12/2/1916. Các xưởng máy nhận ngay 100 đơn đặt hàng ban đầu cho “Big Willie”, và con số này tăng lên gần 1.900 vào cuối chiến tranh.

Cỗ máy giết người này cũng là một niềm an ủi nho nhỏ dành cho Bộ trưởng Hải quân Churchill đã bị phế truất từ lâu: Ông bị đổ lỗi cho cuộc tấn công thảm bại lên bán đảo Gallipoli. Sau đó, ông tình nguyện tham gia mặt trận phía Tây để khỏi biến mất hẳn khỏi sân khấu chính trị. Tuy nhiên, vào thời điểm những bồn nước khổng lồ đầu tiên có dòng chữ ngụy trang "tank" xuất hiện ở mặt trận Pháp vào ngày 30/8/1916, Churchill đã về nhà từ lâu.

Lễ ra mắt cho loại vũ khí mới được lên kế hoạch cho trận chiến bên sông Somme, một con sông ở vùng Picardy phía Bắc nước Pháp, chính xác hơn là vào ngày 15/9/1916. Các trận tổn hại người và của lớn nhất trong Thế chiến I đã diễn ra ở miền Bắc nước Pháp kể từ đầu tháng 7.

Chú thích ảnh
Nửa cuối năm 1917, hàng trăm xe tăng chọc thủng toàn bộ phòng tuyến Đức

Nhưng ngày đó xe tăng mới chỉ được xem như một loại vũ khí hỗ trợ thuần túy. Trong cuộc tấn công của quân Đồng minh, người ta chia ra hai chủng: Xe tăng “đực” được trang bị hai khẩu pháo 57 li có nhiệm vụ dọn đường cho bộ binh vượt qua các vị trí của quân Đức, trong khi xe tăng “cái” được trang bị từ 5 đến 6 trung liên và đại liên để bảo vệ binh lính trong những trận cận chiến.

Lợi ích chiến thuật của loại vũ khí mới này được đánh giá ở mức vừa phải: 13 trong số 49 xe tăng thậm chí không thể đến được mặt trận do trục trặc kỹ thuật. Những xe còn lại, nếu không bị chết máy hoặc bị pháo Đức bắn hạ, chỉ có thể di chuyển với tốc độ rùa bò. Ngoài ra, bên trong xe tăng là nhiệt độ cao không chịu nổi, đi kèm tiếng ồn điếc tai, chưa kể nguy cơ nhiễm độc thán khí cấp tính cho lính tăng. Hình ảnh những quái vật khổng lồ bằng sắt do đó chỉ thỉnh thoảng khiến quân Đức giật mình. Lễ rửa tội có thể coi là thất bại.

Tiến bộ kỹ thuật hạ gục sai lầm chiến lược

Quân Đồng minh chỉ đạt được những thành công ban đầu với xe tăng từ năm 1917 trở đi, khi triển khai được hàng loạt các mẫu cải tiến như “Mark IV” hay xe tăng Renault của Pháp “FT-17”, loại tăng đầu tiên có tháp pháo xoay, cho đến nay vẫn được coi là mẫu cơ bản của xe tăng hiện đại.

Bất chấp những thất bại đầu tiên, báo chí tiếng Anh chỉ đăng tải những câu chuyện thành công của “những quái vật phun lửa”. Trái ngược hoàn toàn với bộ máy tuyên truyền Đức tập trung chế giễu những cái xe sắp được đưa vào “triển lãm quân sự”.

Song đó lại là một sai lầm: Bộ Tư lệnh Đức đã ngộ ra tầm quan trọng của loại vũ khí mới này quá muộn. Ít nhất kể từ trận đánh xe tăng Cambrai vào tháng 11/1917, khi quân Đồng minh đột nhập vào tuyến phòng thủ Siegfried của Đức với hơn 400 xe tăng, người Đức đã thôi đánh giá thấp loại vũ khí mới. Nhưng họ thiếu nguồn lực công nghiệp để làm ra xe tăng phản công, do tập trung vào chế tạo đóng tàu ngầm. Cho đến cuối cuộc chiến, Đức chỉ có thể tung ra 20 chiếc xe tăng tấn công loại “A7V”, một con số thảm hại so với tổng cộng 6.000 xe tăng của Anh và Pháp. Một sai lầm chiến lược hoàn toàn, dẫn đến thất bại của Đức.

Thế chiến II cũng dính cái “dớp” tương tự: Hitler phải thúc thủ trong cuộc chiến của mình. Các trận đánh chớp nhoáng thành công chống lại Pháp với sự hỗ trợ của vũ khí bọc thép hiện đại đã khiến hắn lạc quan tếu để sớm tấn công Liên Xô, quốc gia ngày đó đã sớm sản xuất ra những chiếc xe tăng với tính năng vượt trội. Hitler lặp lại sai lầm của Bộ Tư lệnh Đức trong Thế chiến I và dựa vào những chiếc xe tăng cồng kềnh và khá ì ạch bởi trọng lượng chiến đấu của chúng như mẫu “Königstiger” hoặc “Maus” dài 10m và nặng 188 tấn - kỷ lục trong lịch sử quân sự.

Rốt cuộc, chính quân Đồng minh chiến thắng vào năm 1918 và cả trong Thế chiến II với Winston Churchill ở vị trí lãnh đạo, với ưu thế tuyệt đối về số lượng của các mẫu xe của họ như “Sherman” hoặc T-34 của Liên Xô áp đảo quân Wehrmacht của Đức.

“Thiết kế tank”

Để giữ bí mật về vũ khí mới ra lò này (Mark I), người Anh cũng gọi dự án phát triển chiến xa là “thiết kế tank”. Mật danh này có lý do của nó: Hình dáng chiến xa gợi nhớ đến một bồn chứa chất lỏng hay “tăng” (tiếng Anh: tank), với tên dân gian là là “Big Willie” tức Willie lớn. Tên này liên quan đến nguyên mẫu đầu tiên của Wells, vốn được các tờ báo lá cải của Anh gọi nó là “Little Willie” tức Willie nhỏ, một cách chế nhạo Thái tử Wilhelm của Phổ.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm