Có thể bạn chưa biết: Cãi cọ bất tận vì một 'Chuyện dài bất tận'

05/08/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

The NeverEnding Story (Chuyện dài bất tận) với hơn 8 triệu ấn bản và được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ (trong đó có tiếng Việt) chắc phải được chọn làm sách gối đầu giường của các fan văn học kỳ ảo. Với độ lan rộng như thế, tác giả Michael Ende giàu nứt đố đổ vách, nhưng số phận xui khiến ông gặp toàn những kẻ khiến ông khó nhắm mắt dưới mồ.

'The NeverEnding Story' câu chuyện 'Không bao giờ kết thúc'

'The NeverEnding Story' câu chuyện 'Không bao giờ kết thúc'

Ngày 1/9 vừa qua đánh dấu thời điểm tròn 40 năm kể từ khi tiểu thuyết "The NeverEnding Story" (tạm dịch: Câu chuyện không bao giờ kết thúc) của nhà văn Đức Michael Ende xuất hiện trên thị trường. Cuốn sách ấy, cũng như những bộ phim và ca khúc “ăn theo” nó, xứng đáng là một hiện tượng đặc biệt của thế kỷ XX.

Một chuyến du hành nho nhỏ vào giới xuất bản vốn đã chẳng mấy long lanh như tác phẩm của nó trên kệ sách.

Mang nặng đẻ đau

Cuốn sách xoay quanh một cậu bé Bastian 10 tuổi, một thằng cu thừa cân và kỳ quặc không được cha đoái hoài sau khi mẹ chết. Trên đường chạy trốn trước mấy đứa bắt nạt mình, Bastian sà vào cửa hàng sách cũ của Karl Konrad Koreander và chợt thấy hứng thú với cuốn sách có tên Chuyện dài bất tận. Không thể cưỡng nổi, cu cậu chôm cuốn sách và trốn trên tầng áp mái của trường mình để đọc tiếp. Như đã nói, chuyện mãi không hết.

“Tôi càng viết càng không biết những tưởng tượng của tôi sẽ kết thúc ở đâu. Thời hạn nộp bản thảo đã trễ hơn một năm rồi” - tác giả Michael Ende tâm sự - “Nhà xuất bản đã lập kế hoạch ngày in, mua giấy sẵn, ông giám đốc Weitbrecht liên tục gọi điện hỏi khi nào thì xong, và tôi luôn phải nói: Chịu thôi, tôi không xong được đâu, Bastian sẽ không quay trở lại nữa. Tôi làm gì bây giờ? Tôi phải đợi cho đến khi các nhân vật cảm thấy cần phải quay lại, và đó là lý do tại sao cuộc phiêu lưu này mãi chưa kết thúc” .

Chú thích ảnh
Nhà văn Michael Ende

Năm 1977 là thời điểm ông giám đốc nhà xuất bản đặt hàng Michael Ende viết một tác phẩm mới, sau thành công vang dội của Momo hồi 1973 (cũng đã được dịch sang tiếng Việt). Ende hứa sẽ hoàn thành vào dịp Giáng sinh, nhưng chưa nói xong đã thầm chắc là không viết nổi quá 100 trang. Ý tưởng chủ đạo được Nhà xuất bản Thienemann bật đèn xanh trước: Khi đọc sách, một cậu bé thực sự bị cuốn vào câu chuyện và cảm thấy rất khó để thoát ra.

Đúng như người cha tinh thần của tác phẩm lo ngại, câu chuyện nhanh chóng trở nên phong phú và rối rắm hơn Ende tưởng. Nhà xuất bản cắn răng trì hoãn lịch in hết lần này đến lần khác. Ende lại hứa nộp bản thảo vào mùa Thu năm 1979. Một năm trước ngày đã hẹn, anh gọi điện cho giám đốc Weitbrecht và thông báo rằng nhân vật chính, Bastian, đang kiên quyết từ chối rời Vương quốc Tưởng tượng, và ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đồng hành cùng Bastia trên chặng đường dài (gần như bất tận) của mình. Nó cũng không còn là một cuốn sách bình thường nữa. Đúng hơn, nó phải được thiết kế giống như một cuốn sách ma thuật thực sự: Bọc bìa da với những chiếc cúc bằng đồng và khảm xà cừ. Cuối cùng hai bên thống nhất thiết kế bìa lụa, in hai màu với hai mươi sáu họa tiết chữ cái đặc biệt cho các chương riêng lẻ. Ý tưởng này của họa sĩ do chính Ende thuê trình bày đã làm tăng đáng kể chi phí sản xuất, nhưng sau này mới ngộ ra rằng nó đã góp phần vào việc phân phối sách trên toàn thế giới, vì thiết kế này đã được áp dụng trong hầu hết hơn 40 bản dịch (trừ bản tiếng Việt).

Sau ngót ba năm và sau khi ném 80% bản thảo vào sọt rác, Ende cầm trên tay khoảng 500 trang còn lại và thế là rốt cuộc tác phẩm cũng được chào đời.

Cỗ máy in tiền

Cả một ngành công nghiệp ăn theo rùng rùng vào cuộc, và mấy chục năm sau người ta vẫn sản xuất đồ lưu niệm cho các fan cuồng của Chuyện dài bất tận, từ T-shrirt, cặp sách cho đến ốp lưng điện thoại di động hay trò chơi game online. Cũng là chuyện bình thường, khi bất cứ một sản phẩm nào ăn khách ra đời.

Chú thích ảnh
“The NeverEnding Story” (Chuyện dài bất tận)

Chuyện dài bất tận ra kệ sách vào năm 1979 và bán chạy ngay từ ngày đầu; sau vài tháng, doanh số đã tăng vọt quá mức mong đợi. Nó đứng đầu trong danh sách sách bán chạy được đánh giá cao của tạp chí danh tiếng Spiegel 113 tuần liền và trụ lại ở đó hơn sáu năm. Ấn bản gốc được in với dòng chữ màu đỏ và xanh lục: Loại màu đỏ để thể hiện các cốt truyện diễn ra trong thế giới loài người và loại màu xanh lục để thể hiện các sự kiện diễn ra trong Vương quốc Tưởng tượng. Ban đầu sách chỉ có bản bìa cứng, không phải bìa mềm, vì Ende muốn cuốn sách trông giống với cuốn sách mà Bastian đánh cắp từ ông Koreander trong truyện.

Phiên bản tiếng Anh được phát hành đồng thời ở Anh và Mỹ vào năm 1983. Kể từ đó, một số ấn bản bằng tiếng Anh khác đã được xuất bản, với nhiều loại bìa và kiểu phông chữ. Tính đến nay, Chuyện dài bất tận đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và đã bán được hơn tám triệu bản trên toàn thế giới.

Cái giá của tiền

Ende phải "lánh nạn" sang Ý vì suốt ngày có các fan đến quấy rầy. Tuy nhiên, nhiều môn đồ không bỏ "truy kích" sát sạt để xin chữ ký hoặc chụp ảnh. Họ phớt lờ mọi nhu cầu riêng tư của ông, thậm chí còn vác lều đến cắm giữa khoảnh vườn nhà ông.

Một người khác thậm chí còn không hỏi trước khi bước vào vườn của Ende để ... tè vào luống hoa của gia đình: Bernd Eichinger. Phải nói thêm, đây là một nhà sản xuất đầy tài năng, nhưng việc ông ta không cất công đi vào nhà vệ sinh đã biến ông ta thành một kẻ đáng bị xua đuổi, ít nhất là đối với vợ của Ende. Song, mặt khác, Eichinger cũng có một sức thuyết phục phi thường, và chẳng mấy chốc ông dụ được Ende hợp tác, mặc dù ở thời điểm đó Ende đã bán bản quyền phim cho hai nhà sản xuất khác. Sau đó, tất cả đều nhanh chóng nhận ra rằng bộ phim chuyển thể này đòi hỏi một nỗ lực ít ai gánh nổi - và vì vậy họ mừng rỡ đưa thêm Eichinger tham gia vào dự án. Các diễn viên bắt buộc phải đồng ý nhận thù lao khi đã bán được phim! Phút thứ 89 Warner Bros. (USA) mở hầu bao và cứu toàn bộ dự án.

Chú thích ảnh
Bản in “Chuyện dài bất tận” của Michael Ende (NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam)

Đúng như dự đoán, vấn đề của Michael Ende bắt đầu với chữ ký dưới hợp đồng bán bản quyền cho nhà làm phim. Khi nguồn tài chính đến từ Hoa Kỳ thì Ende, dù có quyền tham gia kịch bản, bắt buộc phải chiều theo thị hiếu Mỹ. Kịch bản đầu tiên của ông bị Eichinger xé ngay, vì “quá lý trí”, nói cách khác là không đủ hàm lượng cướp-hiếp-giết để bán sang thị trường Mỹ.

Vì vậy đích thân Eichinger thọc tay vào, làm cho kịch bản có tính hấp dẫn hơn cho thị trường đại chúng và đồng thời biến Michael Ende trở thành kẻ thù của mình. “Tôi biết rằng kịch bản phim đã khiến Ende mất ngủ, ông ấy ấy thực sự rất đau khổ” - Ulli Pfau, người đã thực hiện một bộ phim tài liệu về cuốn sách và tác phẩm chuyển thể lên màn bạc, kể lại. Hai thế giới chạm nhau tóe lửa giữa Ende và Eichinger: Trong khi tác giả không ghê tởm gì hơn một phiên bản bị “sến hóa” kiểu Disney, thì Eichinger, người suốt ngày chỉ thích mặc áo phông in hình chuột Mickey, lại muốn chính điều đó. Và bởi vì Eichinger là kẻ nắm hầu bao, bộ phim đã trở thành một vở sến súa không có chiều sâu và không quan tâm đến logic nội tại của cốt truyện. Một ví dụ - chỉ một trong rất nhiều - là con rồng Phúc Long khi xâm nhập thế giới thực trong cảnh cuối cùng và tung ra một cuộc tấn công bay là là sát đất nhằm vào ba thằng nhãi chuyên bắt nạt Bastian, đã khiến Michael Ende vô cùng tức giận. Ngay lập tức ông đòi xóa tên mình khỏi bộ phim và chửi bới Eichinger ở bất cứ đâu có thể.

“Tôi đã nỗ lực hòa giải một chút xíu giữa hai bên, nhưng không có nhiều thứ có thể cứu vãn được”, Ulli Pfau nhớ lại. Eichinger và Ende, những người mà Pfau quen thân, đều là những người tuyệt vời. Nhưng kỳ vọng của họ về bộ phim chuyển thể là nước với lửa.

Của thiên trả địa

Với kinh phí 60 triệu Mark Tây Đức, Chuyện dài bất tận là một trong những bộ phim Đức đắt nhất cho đến thời điểm đó, đồng thời cũng là một thành công lớn về tài chính. Dĩ nhiên, cho dù bực mình đến mấy thì cuối cùng Michael Ende cũng được hưởng lợi lớn từ nó. Ulli Pfau kể: “Nhờ bộ phim được chiếu rộng rãi mà doanh số bán sách cũng tăng theo, mọi người tham gia vào dự án này đều kiếm được rất nhiều tiền".

Tuy nhiên, khối tài sản kếch xù của Michael Ende không tồn tại được lâu. Vào cuối thập niên 1980 ông phát hiện ra rằng cố vấn tài chính của mình, người mà ông đã trao quyền tự do dùng tiền của mình đầu tư, đã đốt toàn bộ tài sản của ông vào các khoản đầu tư mạo hiểm. Để trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng chừng 10.000 Mark (khoảng 5.000 USD), Ende phải ký sổ vay ngân hàng và bảo chứng bằng ngôi nhà của mình.

"Thực ra chuyện này cũng khá phù hợp với con người Michael Ende" - Ulli Pfau nói - "Làm người chuyên viết sách kỳ ảo và giả tưởng, ông ấy là một người đàn ông có học thức cao và rất nhiều mối quan tâm - nhưng cũng là một ông tiên chuyên kể truyện cổ tích và chẳng biết gì trong thế giới thực cả".

Nhà sản xuất Ulli Pfau, người đã thực hiện một bộ phim tài liệu về cuốn sách và tác phẩm chuyển thể lên màn bạc kể: “Đôi khi nhà in không thể tái bản vì hết giấy”! Bản tụng ca của Ende về sức mạnh của trí tưởng tượng biến tác giả thành một dạng sư phụ của văn học kỳ ảo.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm