Nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh sang Thái, quyết giành huy chương châu lục ở 2 cự li sở trường

11/07/2023 10:18 GMT+7 | Thể thao

Sáng hôm qua, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã bay sang Thái Lan chuẩn bị cho giải vô địch điền kinh châu Á. Nguyễn Thị Oanh dĩ nhiên là cái tên được chú ý nhất.


Nguyễn Thị Oanh: Sau SEA Games là giải vô địch châu Á

Tham dự giải lần này, đội tuyển điền kinh có lực lượng hùng hậu với 28 thành viên, trong đó có 20 VĐV. Đáng chú ý nhất chính sự hiện diện của Nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh, người vừa đoạt 4 HCV tại các nội dung 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật, 5.000 m và 10.000 m ở SEA Games 32.

Tuy nhiên, ở giải vô địch điền kinh châu Á, Oanh và ban huấn luyện quyết định chỉ đăng ký hai nội dung là 1500m và 3000m. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi mức độ cạnh tranh ở sân chơi châu lục khắc nghiệt hơn nhiều, nên không thể ôm đồm nhiều nội dung. Ngoài ra, đây cũng là những nội dung mà Nguyễn Thị Oanh từng có thành tích khá tốt ở cấp độ châu lục. Cụ thể, cô từng đoạt huy chương đồng 3000m vượt chướng ngại vật, và về thứ tư 1500m ở ASIAD 2018. Theo lịch thi đấu, Oanh sẽ thi đấu ngay ngày mai, 12/7, ở nội dung 1500m. Sau đó hai ngày là nội dung 3000m vượt chướng ngại vật.

Nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh sang Thái, quyết giành huy chương châu lục ở 2 cự li sở trường - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Oanh từng giành HCĐ 3000m vượt chướng ngại vật ở ASIAD 2018

Cơ hội cạnh tranh huy chương

Hiện tại, kỷ lục châu Á ở nội dung 1500m nữ đang là 3 phút 50 giây 46 (Qu Yunxia, lập năm 1993), thành tích này vẫn cao hơn nhiều so với thành tích tốt nhất của Oanh (4 phút 14 giây 98 – tại SEA Games 31). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhà đương kim vô địch nội dung này là P.U.Chitra của Ấn Độ cũng chỉ có thành tích 4 phút 14 giây 56, còn đương kim HCĐ là Winfred Mutile Yavi (Bahrain) là 4 phút 16 giây 18. Như vậy, khả năng cạnh tranh huy chương ở nội dung này của Nguyễn Thị Oanh là có cơ sở.

Winfred Mutile Yavi cũng chính là ĐKVĐ ở nội dung 3000m vượt chướng ngại vật, với thành tích 9 phút 46 giây 18 (kỷ lục châu Á là 8 phút 52 giây 78 – Ruth Jebet lập năm 2016), còn đương kim HCĐ là Tigest Mekonen (cũng của Bahrain) là 9 phút 53 giây 96. Tại SEA Games 32 vừa qua, thành tích của Nguyễn Thị Oanh là 10 phút 34 giây 37, nhưng thật ra, thành tích tốt nhất của cô cao hơn nhiều. Đó là 9 phút 43 giây 83, khi cô giành HCĐ ở ASIAD 2018.

Nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh sang Thái, quyết giành huy chương châu lục ở 2 cự li sở trường - Ảnh 3.

Giải vô địch châu Á là bài test quan trọng cho ASIAD 2023 vào tháng Chín tới

Không chỉ quyết tâm giành huy chương ở sân chơi châu lục, Nguyễn Thị Oanh còn xem đây là một bài test quan trọng cho ASIAD 2023 sẽ diễn ra vào tháng Chín tới ở Hàng Châu (Trung Quốc). Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 có sự tham dự của 42/45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, và quy tụ nhiều ngôi sao điền kinh xuất sắc và được coi là giải đấu tiền ASIAD 19.


Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm