Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Giấc mơ giúp tôi sống trên mặt đất'

20/07/2023 07:46 GMT+7 | Giải trí

Trong buổi trò chuyện Sống để làm nhạc cuối tuần qua tại Salon Cà phê thứ Bảy Hà Nội, nhạc sĩ Dương Thụ tiết lộ: Những dự án của ông đang làm phải dừng lại vì vừa bị lừa hết tiền. Tôi nhắn tin ngay cho vợ ông để "xác thực". Chị đáp: "Ối giời, người này thì ai nói chả tin"!

Điều này quả là "khớp" với lời nhận xét của cụ thân sinh về nhạc sĩ từ thuở bé: "Thụ chỉ được mỗi cái thật thà". Một con người thật thà đến nỗi ở tuổi ngoài 80 vẫn bị lừa - nhưng không vì thế mà ông đánh mất đi sự bay bổng trong cuộc đời mình với những giấc mơ, đặc biệt là giấc mơ dành cho âm nhạc.

Đói nhưng nghe nhạc là sướng

Như nhiều người cùng thời, sinh ra vào những năm đầy biến động, nhạc sĩ Dương Thụ cũng nếm trải một cuộc sống "lên bổng, xuống trầm".

Trước năm 1954, ông bảo mình may mắn sinh ra trong gia đình có môi trường Tây học, văn chương nghệ thuật ngập tràn từ thuở bé. Ngay cả khi gia đình về Hải Phòng những năm 1949, đời sống văn hóa của ông vẫn rất đầy đủ.

"Cứ đi học về là tôi quẳng cặp, quay dây cót cái máy nghe đĩa mà mọi người vẫn gọi là "chó sủa vào loa" để nghe. Tôi được nghe nhạc cổ điển rất sớm" - ông kể.

Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Giấc mơ giúp tôi sống trên mặt đất' - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Dương Thụ tại buổi trò chuyện. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Trước đó, ông còn được gia đình cho học piano của nhà giáo dương cầm nổi tiếng đất Hà thành: Thái Thị Sâm.

Đến giờ, Dương Thụ vẫn đánh giá cao những giá trị trong môi trường văn hóa mà mình được thừa hưởng từ thiếu thời. Ông cho rằng môi trường này rất quan trọng vì ở tuổi nhỏ, nghe để "thẩm thấu" như thế thì sẽ không bị chi phối mà chỉ có tích lũy.

Thời đấy, cách nghe nhạc của ông đã rất "bài bản": Phải ra hiệu sách ngoại văn để mua tổng phổ về đọc vì "có đọc tổng phổ tác phẩm thì nghe mới hiểu được".

Rồi những thay đổi trong cuộc sống đến sau năm 1954. Gia đình nhạc sĩ chuyển về Vân Đình sống. Chị gái phải đan len nuôi mẹ, còn ông vừa học vừa làm và dần có những "va chạm" xã hội đầu đời.

"Không ai nuôi mình, về ăn cơm nhà là phải góp tiền nên buổi sáng đi học, buổi chiều tôi đi làm. Tôi gánh gạch mộc từ khi mười mấy tuổi. Lúc đấy, công viên Thống Nhất còn là bãi rác lớn, tôi đi gánh đất thuê để kiếm tiền" - nhạc sĩ kể.

Nhưng để có thể theo đuổi những công việc như vậy, nhạc sĩ cũng phải vượt qua cả nỗi mặc cảm: "Trước mình đi về quê là mặc áo sơ mi, quần kaki Mỹ, đi sandal, xách cặp da, rất oai. Bây giờ tự nhiên đi lòng khòng kéo xe, chẳng ai để ý đến mình đâu nhưng tôi đội mũ lụp xụp, vì tự mình thấy xấu hổ, phải che đi".

Công cuộc kiếm kế sinh nhai của nhạc sĩ thời đấy cũng không hề dễ dàng. Người ta chỉ cho ông những "mánh khóe" để có thêm tiền nhưng nhạc sĩ không làm được vì sự ngay thẳng. Rồi có lúc bị quỵt tiền, ông cũng không đòi được. Song, trong những năm tháng đấy, có một điều duy nhất ở ông không thay đổi: Luôn sung sướng khi gặp những gì gắn liền với âm nhạc.

"Tôi không nghĩ đến cái bần hàn. Không có ăn thì đói là tự nhiên. Nếu ăn nửa bát cơm là đói, ăn một bát cơm là hạnh phúc thì mình đói mà được nghe nhạc là thấy sướng, thấy bay bổng" - nhạc sĩ cho hay.

"Lý lẽ sống của tôi gắn với 4 chữ T. Đó là tự do với gia đình, với những gì mình học. Từ tự do sinh ra tự tại. Từ tự tại mới có tự tôn, tự tôn mới có tự tin. Và chỉ có tự tin mới làm được việc" - nhạc sĩ Dương Thụ.

Chạm tới giấc mơ

Dương Thụ bảo rằng việc đi học sư phạm với ông là theo ý nguyện của cụ thân sinh. Đó không phải là giấc mơ của nhạc sĩ.

Tốt nghiệp cấp 3, nhạc sĩ Dương Thụ được thầy giáo văn phê: "Có triển vọng là nhà nghiên cứu phê bình". Do vậy, ông thi vào khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng cùng lúc, ông vẫn thi vào Nhạc viện Hà Nội và đỗ thủ khoa khoa Sáng tác.

Ở thời điểm đó, ông mình vẫn  đang thích lý luận: "Cứ môn nào liên quan đến lý luận là tôi thích. Tôi từng đọc tất cả Đạo đức kinh, các kinh Đại thừa... Nhưng cuối cùng hiểu ra là phải chia tay" - nhạc sĩ tâm sự.

Giai đoạn 1962 - 1977 được xem là bước ngoặt kế tiếp trong cuộc đời của nhạc sĩ Dương Thụ khi ông gặp được nhạc sĩ Nguyễn Xinh. Đây cũng là người thầy đầu tiên của ông với môn sáng tác. Cũng từ đấy, ông "học văn thì ít, học nhạc thì nhiều".

Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Giấc mơ giúp tôi sống trên mặt đất' - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Dương Thụ và khán giả. Ảnh: Page Café thứ 7 Hà Nội

"Ở bên khoa Văn cũng có đàn piano nên trưa nào tôi cũng ra tập đàn. Song khi đó, nếu tốt nghiệp Đại học Sư phạm thì tôi không thể đậu trường nhạc được. Tôi sẽ phải đi dạy học trả nợ" - nhạc sĩ kể  - "Là sinh viên giỏi, không thể vờ thi trượt, tôi nghĩ ra cách phơi sương, nhịn ăn, thức đêm để bị ốm. Được vài hôm thì ốm thật. Đến hôm thi, tôi lựa 3 môn để… trượt là Chính trị kinh tế học, Hán Nôm và Tâm lý giáo dục. Nhưng thế nào, các thầy thương nên tôi được vẫn đỗ tốt nghiệp. Tôi đau khổ, mọi người thì vui".

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhạc sĩ Dương Thụ được giữ lại dạy ở khoa Văn nhưng rồi lại bị "đẩy" xuống dạy phổ thông với lý do "kỷ luật vì đánh đàn suốt". Sau 2 năm (1966 - 1967), trường mở khoa Mỹ học và lại điều ông về làm ở đây. Lúc này, ông bảo mình chỉ có nguyện vọng dạy học trả nợ ngành 5 năm, rồi muốn quay lại trường nhạc.

Nhưng con đường để quay lại với âm nhạc của Dương Thụ không đơn giản thế. Ra khỏi cơ quan Nhà nước, nhạc sĩ Dương Thụ vào Nam năm 1980.

Ông kể, khi ấy ông có 2 cuộc sống khác hẳn giữa ngày và đêm: "Đêm đêm, mình lang thang Chợ Lớn - trung tâm ca nhạc của thành phố - để nghe các nhóm nhạc, tìm người lập ban nhạc, còn ban ngày vẫn phải lo kiếm sống".

"Khi đó, bơm vá xe đạp và chụp ảnh dạo là 2 nghề sống tốt. Nhưng chụp ảnh được vài hôm, tôi bị đuổi đánh, phải bỏ máy. Bơm vá xe đạp thì cũng ngại vì từng là thầy giáo, nên tôi phải kiếm chỗ ngồi làm ở cư xá. Rồi buôn nhu yếu phẩm ở chợ An Đông, bán quần áo cũ, nói chung nghề gì cũng làm" - ông kể thêm.

"Đó cũng là những năm tháng tôi viết Lắng nghe mùa Xuân về. Khổ như thế vẫn có Hơi thở mùa Xuân với "con chim bồ câu bé nhỏ, bay qua vùng trời, vùng trời mùa Xuân… Thực tế thì mùa Xuân có về đâu!" - nhạc sĩ cười - "Nhưng tôi không thắc mắc vì những gì đang diễn ra. Quan trọng là sống với giấc mơ của mình. Được như thế là sung sướng".

Kể lại chặng đường cũ để có một Dương Thụ như bây giờ, ông tổng kết: "Giấc mơ thì kỳ diệu mà cuộc đời thì không bao giờ như vậy. Nhưng giấc mơ lại giữ tôi sống trên mặt đất". Có phải vì thế, ở tuổi bát tuần, nhạc sĩ vẫn không ngừng mơ?

"Đôi khi tôi thấy việc đi học là nặng nề, nhưng cứ "dính" đến nhạc là thấy nhẹ nhàng. Càng ngày tôi càng hiểu: Cái gì mình thích thì không phải là công việc, cái gì người khác bảo mình làm, người khác nghĩ ra mới là công việc" - nhạc sĩ Dương Thụ.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm