15/12/2022 07:22 GMT+7 | Văn hoá
Một cuộc triển lãm "quen mà lạ" vừa khai mạc vào hôm qua 14/12 tại Hà Nội với tên gọi "Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử".
Quen, bởi như tên gọi, đây là sự kiện gắn với cây cầu sắt Long Biên - vốn không hề xa lạ với người dân Thủ đô - trong dịp kỷ niệm 120 năm từ khi ra đời. Còn lạ, bởi triển lãm có khá nhiều tư liệu lần đầu được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội công bố.
Đa phần, đó là những tài liệu, bản vẽ và hình ảnh gắn với quá trình xây dựng cầu, và mở ra vô vàn câu chuyện thú vị của một Hà Nội giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
Chẳng hạn, bắc qua khúc sông rộng như một eo biển, sâu chừng 30 mét vào mùa mưa, cây cầu "sinh ra từ ý tưởng điên rồ" của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer được khởi công trong vô vàn hoài nghi của người Pháp, còn người Việt gọi đó là "chất núi này lên núi khác để leo lên trời". Thế nhưng, đằng sau quyết tâm ấy lại là sự thay đổi về tư duy phát triển - khi người Pháp coi sông Hồng là một trở ngại phải vượt qua trong việc kiến tạo cách di chuyển mới bằng đường bộ và đường sắt, thay vì đường sông truyền thống.
Hoặc, đó là chuyện của những mỹ từ như "con rồng sắt" hay "dải đăng ten thép" dành cho cây cầu trị giá 6 triệu phơ-răng này. Với chiều dài hơn 2,5km kể cả đường dẫn, cầu Long Biên từng được đánh giá là một trong những công trình vĩ đại và đẹp nhất tại Viễn Đông khi ấy.
Rồi, cũng không thể bỏ qua chuyện của hàng ngàn người "thợ An Nam" dũng cảm, chôn mình dưới những chiếc giếng chìm có khí nén để đào và xây móng cầu ở độ sâu dưới 30 mét. Sự khéo léo và bền bỉ đã khiến họ dần thay thế lực lượng lao động người Hoa được thuê ban đầu - để rồi, trong một chừng mực, trở thành những công nhân đầu tiên tại Hà Nội.
Có độ lùi thời gian không quá lớn và đã ít nhiều được biết tới trước đó, nhưng khi tập hợp cạnh nhau trong một cuộc trưng bày,chúng vẫn có sự lôi cuốn rất mạnh trong mạch chuyện nối dài về những gì gắn với một cây cầu …
***
Đến giờ, đã có quá nhiều ý kiến về việc cầu Long Biên cần được bảo tồn hợp lý - khi mà trong những năm gần đây, cây cầu sắt hơn trăm tuổi này đang xuống cấp nghiêm trọng. Vẫn biết, đó không thể là câu chuyện của một sớm một chiều. Nhưng ở phía ngược lại, rõ ràng, đây cũng là nhu cầu tất yếu mà đời sống đang đặt ra với một di sản đặc biệt của Hà Nội.
Và cuộc triển lãm vừa rồi cũng chỉ là minh chứng cho một điều đã được nhắc tới từ lâu: Với những lớp "trầm tích" văn hóa - lịch sử mang theo, cầu sắt Long Biên hoàn toàn có thể trở thành một không gian sáng tạo đặc thù, để mang lại cho Hà Nội những hệ giá trị cao hơn so với chức năng giao thông xưa cũ.
Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà khi nói về cầu Long Biên, người ta hay nhắc lại nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc. Rằng,phải đi bộ chậm rãi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của cây cầu sắt ấy, bởi nó cũng có hồn và sức sống như mỗi người dân Hà Nội.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất