21/12/2023 20:17 GMT+7 | Văn hoá
"Tôi vẽ tranh trừu tượng một cách tự nhiên và đơn giản hóa mọi thứ, mọi trạng thái cảm xúc, mọi mong muốn cho đến khi không thể đơn giản hóa hơn được nữa" - họa sĩ Hoàng Lan (sinh năm 1979) thổ lộ như thế trong triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Ấn tượng, đang diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Triển lãm còn kéo đến 22/12.
1. Đánh dấu 20 năm lặng lẽ, bền bỉ với đam mê hội họa của Hoàng Lan, Ấn tượng có đủ 20 bức tranh chất liệu acrylic trên toan.
Được đào tạo về ballet từ khi mới 8 tuổi, nhưng đam mê hội họa đã đưa Hoàng Lan đến với Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2003. Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm tại đây, nhiều năm qua, Lan miệt mài làm một giáo viên dạy năng khiếu cho trẻ em, trong đó có trẻ tự kỷ. Khi dạy trẻ, chị nhìn học trò mà ký họa. Chị vẽ con gái mình và những đứa trẻ đang múa, đó là hình ảnh vô cùng thân thương, gần gũi, đặt bút là ra đường nét, sắc màu.
Cứ thế, Hoàng Lan vẽ một cách tự nhiên, như hơi thở. Chị từng vẽ về mọi thứ để rồi nhận ra mình thường không vẽ gì đó thật cụ thể. Khi trạng thái tâm lý của Lan đang le lói vấn đề gì, trái tim chị khát khao muốn thể hiện điều ấy.
Có một câu chuyện vui: Không đặt ra sự nhất thiết về việc vẽ mỗi ngày, nhưng hễ có tiền Lan sẽ mua rất nhiều toan, dẫu có khi cả tháng không đụng vào hoặc có tối lại nhoằng cái đã vẽ hết. Có những bức tranh cả năm chưa được vẽ tiếp, có bức 20 tiếng làm việc đã xong. Chị không ép mình về tiến độ, nhưng chỉ cần có cảm xúc trước một vệt màu thôi, chị sẽ làm việc.
Hoàng Lan quan niệm, tác phẩm hội họa tồn tại độc lập. Chị chủ tâm để tác phẩm tự đối thoại với người xem chứ không bó buộc vào tình cảm, tâm tư họa sĩ. Cũng bởi thế, chị cho rằng phong cách trừu tượng phù hợp nhất với mình.
2. Đến với Ấn tượng, ta sẽ thấy một Hoàng Lan đi sâu vào thế giới nội tâm trong tác phẩm. Chị tâm sự, những tác động bên ngoài vốn không liên quan nhiều đến đời sống và sáng tạo của mình. Với chị, rất nhiều thứ mênh mang trôi chảy trong đời đôi khi lại không thể chi phối đủ mạnh bằng những điều thân thuộc như sự cảm nhận của chị về ký ức đã qua, hay về phụ nữ, trẻ em.
Lan kể: "Những lúc khó khăn trong cuộc sống, ý nghĩ của tôi luôn hướng về ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể ở Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), nơi tôi sống từ bé. Tôi yêu không gian xưa cũ, không dứt khỏi niềm ưu tư, ám ảnh về nó. Tôi tự thấy, điều này tôi giống với bố - một nghệ sĩ, cũng là một người lính trở về từ chiến trường Quảng Trị". Cứ thế, ngôi nhà ký ức thấp thoáng ẩn hiện trong tranh Hoàng Lan. Ký ức dội về tạo cảm xúc và mở ra không gian đa chiều cho họa sĩ.
Hay khi tiếp xúc với những em bé tự kỷ, thấy sự thay đổi tích cực mỗi ngày của chúng, chị thấy ngập tràn cảm hứng và cảm hứng. Còn là khi ngắm con trẻ tung tăng, chị cũng tự hỏi: Những thiên thần kia liệu có biết mình đang ở quãng đời vui sướng nhất không? Chị cũng thường hay nghĩ về những người lao động, tự đặt ra câu hỏi: Ngày trẻ họ thế nào, họ làm gì, họ chọn nghề hay nghề chọn họ?
Những câu hỏi cứ tự nhiên luôn thôi thúc Hoàng Lan ghi lại vẻ đẹp tâm hồn, sự hy sinh và hạnh phúc trong cuộc sống từ chính những điều bình dị nhất. Tất cả xuất hiện trong tranh Hoàng Lan ngay từ những cái tên đầy chiêm nghiệm: Bình yên của tôi, Sự tin tưởng, Bay xa, Cuối con đường, Xoa dịu, Một ngày mới đến, Cầu nguyện, Tất cả chỉ mình tôi, Như tôi có thể, Nơi tôi sinh ra và lớn lên, Một ngày xanh…
3. Dành 20 năm lặng lẽ theo đuổi đam mê để có triển lãm cá nhân đầu tiên, Hoàng Lan cho biết, trên con đường hội họa, mình không e ngại điều gì những cũng không muốn định hình phong cách một cách quá cụ thể, không quá sốt sắng đi tìm cái tôi. Cảm xúc nhất thời với chị hay ở chỗ, nó tạo ra sự rung động và thú vị.
"Trong cái nhìn của mình, tôi luôn thấy mọi thứ luôn uốn lượn, rung rinh, không ổn định. Tôi thích trạng thái đa chiều ấy, từ đôi mắt lan tới những cảm xúc đan xen. Như vậy, tất sẽ có những giá trị được cá nhân hóa, sẽ có những giá trị gặp được nhau" - chị thổ lộ.
Dễ thấy, cảm xúc là kim chỉ nam giúp Hoàng Lan làm việc, sáng tạo. Thế nhưng, nhiều khi vẽ xong, chị úp tranh, không nhìn lại, để tác phẩm có đời sống riêng. Cá tính là vậy, nên ngay trước triển lãm Ấn tượng, có những tác phẩm chị xóa đi trước sự ngạc nhiên của ông xã. Đó có lẽ chính là đời sống nội tâm của một nghệ sĩ luôn khao khát cái mới.
"Trên con đường dạy học và hội họa, tôi dùng kiến thức để đi một mình - điều mà hồi bé tôi hay sợ. Một mình khiến tôi thấy thoải mái, cân bằng hơn, dù vất vả" - Hoàng Lan.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất