(Thethaovanhoa.vn) - Stephanie L. Kwolek, nhà khoa học được biết đến với phát minh sợi dệt chống đạn Kevlar vĩ đại của Công ty Hóa chất DuPont, đã qua đời hôm qua (21/6) ở tuổi 91.
Gần nửa thế kỷ trước, vào năm 1965, nhà hóa học người Mỹ gốc Ba Lan Stephanie L. Kwolek đã tạo được tiếng vang lớn trong giới khoa học với việc phát minh ra sợi tổng hợp para-aramid – vật liệu chế tạo áo giáp chống đạn gây chú ý thế giới.
‘Mẹ đẻ’ sợi dệt chống đạn Kevlar Stephanie L. Kwolek đã qua đời ở tuổi 91.
Trong những ngày đầu tiên của dự án, nhà khoa học nữ thực hiện thí nghiệm tạo ra một dung dịch polymer lỏng màu đen đặc và bà đã cảm thấy thất vọng khi kết quả không được như ý muốn. Tuy nhiên, khi thử xe thành sợi, Stephanie đã hết sức bất ngờ khi vật liệu ấy lại có độ bền khỏe gấp 5 lần thép và đặc biệt là vô cùng nhẹ cũng như có thể chống cháy. Phát hiện này đã khiến nhà hóa học lỗi lạc phát minh ra vải Kevlar trong khi trước đó, DuPont đã phải bỏ ra 15 năm và 500 triệu USD để nghiên cứu tìm ra sợi dệt chống đạn tương tự.
Hiện nay, vải Kevlar được sử dụng nhiều trong may áo giáp bảo vệ và mũ bảo hiểm của cảnh sát, quân đội. Qua quá trình tìm hiểu nhiều tài liệu báo cáo, Công ty DuPont ước tính Kevlar đã giúp bảo vệ hơn 3.000 nhân viên cảnh sát từ những phát súng nguy hiểm.
Thực tế, có một điều gây bất ngờ mà ít người biết đến là trước đó, Stephanie không có ý định phát minh ra sợi dệt chống đạn. Trong giữa những năm 60 của thế kỷ trước, bà và các nhà hóa học DuPont đã nghiên cứu tạo ra chất liệu nhẹ thay thế cho thép được sử dụng để nâng cao độ bền của lốp xe. Và sợi Kevlar đã vượt xa mục tiêu ban đầu khi giờ đây, ngoài ý nghĩa cao cả của việc cứu sống các nhân viên an ninh và quân đội, nó còn có vai trò to lớn trong sản xuất dây buộc tàu, sợi cáp quang và nhiều ứng dụng dưới nước khác.
Stephanie Louise Kwolek sinh ngày 31/7/1923 ở ngoại ô thành phố Pittsburgh (New Kensington, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ). Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, bà từng làm cố vấn cho DuPont, phục vụ trong Hội đồng Nghiên cứu quốc gia và Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ. Với 40 năm làm nhà hóa học, bà đã đệ trình và được công nhận 28 bằng sáng chế. Năm 1997, bà được trao Huy chương Perkin và Giải thưởng của Hội Hóa học Hoa Kỳ cho Phát minh sáng tạo.
Dương Trần
Theo The Verge