Sao mai 2011: Xem hay không xem?

29/08/2011 07:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Sao mai 2011 đã vào giai đoạn nước rút. Như mọi năm, đây là thời điểm mọi bàn luận, đồn đoán, đánh giá thường diễn ra rất sôi nổi tại những điểm gặp mặt của giới âm nhạc. Mang niềm hứng khởi có tính chu kỳ như vậy tới quán cà phê, dự định khơi mào một buổi đàm luận với các đồng nghiệp. Kết quả nhận được là những cái lắc đầu, “không xem, không biết!…”. Thật ngạc nhiên!

Một cuộc thi có bề dày và độ phủ sóng lớn như vậy mà mấy nhạc sĩ cốt cán lại không biết? Biết chứ, vấn đề là họ không xem. Lý do ư, không thấy hay. Có người không xem từ đầu (vì tâm lý thất vọng từ mùa giải trước), có người xem đến lưng chừng rồi thốt lên: “mùa sau sẽ không xem nữa”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những người đang sát cánh với đời sống âm nhạc quay lưng lại với một cuộc thi mà thành quả (hoặc hệ quả) của nó có tác động không nhỏ tới hoạt động của chính họ?

Chơi theo kiểu của… ban tổ chức!?

Để tìm kiếm một tài năng ca hát có nhiều cách, nhưng có lẽ có hai cách cơ bản nhất. Một là tìm tòi và phát hiện cá nhân có tiềm năng ở những nơi có hoạt động âm nhạc diễn ra như trường học, hội diễn, quán bar… Cách nữa là tổ chức những cuộc thi để các cá nhân thể hiện mình, qua đó phát hiện ra tài năng và tạo dựng tên tuổi cho họ. Cách thứ nhất trong thời buổi này xem ra quá xa vời, người có nghề, có chuyên môn thường bận túi bụi lấy đâu thời gian đi lùng sục khắp nơi. Chỉ còn cách thứ hai. Vậy là những tiềm năng ca hát đổ xô vào để mong tìm kiếm một tương lai cho nghề nghiệp. Điều này vô tình đẩy nhà tổ chức vào vị trí cao hơn mức mà lẽ ra họ phải đứng, thế là một sân chơi theo cách riêng của họ được họ tạo ra.

Nhiều thí sinh khi dừng cuộc chơi rất bức xúc. Họ không thấy thỏa đáng về kết quả. Tâm tư đó được bộc bạch và lan truyền trong một bộ phận dư luận để rồi xuất hiện những hoài nghi. Xem nghệ thuật mà cứ cấn cá nghi ngờ người này hát hay thì bị loại, người kia hát không bằng lại được đi tiếp..., tốt nhất là… “không xem nữa”!

Để tiến tới vòng chung kết các khu vực, mỗi tỉnh, thành chọn ra 3 người đưa lên. Để chọn 3 người này, mỗi tỉnh thành lại tổ chức một cuộc thi để tuyển chọn. Có thể hiểu những cuộc thi này là vòng loại của cuộc thi lớn nhất: Sao mai. Nghĩa là có sự xuyên suốt chặt chẽ từ tỉnh, thành đến trung ương về tổ chức và đánh giá năng lực thí sinh. Thực tế không như vậy. Nếu theo dõi các cuộc thi do Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) các tỉnh, thành tổ chức thì thấy có vẻ như nó độc lập với cuộc thi của Đài Truyền hình Việt Nam (THVN). Ở đó họ cũng thích tổ chức theo cách “riêng” của mình.

Bấy nhiêu đài bấy nhiêu cách riêng

Năm 2011 trong cuộc thi như vậy tại Hải Phòng do đài PTTH Hải Phòng tổ chức, thí sinh Ngọc Bích, ca sĩ đoàn Ca múa Hải Phòng, muốn có một nhạc công của đoàn mình đệm cho tiết mục của cô vì sợ thời gian tập với ban nhạc của BTC chưa đảm bảo. BTC không đồng ý và nói rằng như vậy là vi phạm quy chế. Đúng là quy chế chung của BTC đài THVN có quy định như vậy. Nhưng ở Quảng Ninh cũng trong khuôn khổ cuộc thi nói trên thì thí sinh có thể sử dụng ban nhạc riêng thoải mái. Thậm chí ngay tại Hải Phòng năm 2009, có thí sinh từ Hà Nội về dự thi mang theo một nghệ sĩ đàn nhị tham gia tiết mục của mình! Nghe đâu, trước khi cuộc thi 2011, ban nhạc đoàn Ca múa Hải Phòng và BTC không thống nhất được về tiền nong nên vị trưởng ban bực mình gây khó cả thí sinh lẫn nhạc công của đoàn. Nghĩa là thích thì cho còn không thích lập tức vin vào quy chế chung để không cho!

Ngoài cái “riêng” mang tính tự ái cá nhân đó còn có những cái “riêng” xuất phát từ việc không am hiểu về âm nhạc. Chẳng hạn cấm sử dụng nhạc công mang theo, có thể hiểu là bắt buộc phải hát với ban nhạc của BTC, nhưng các thí sinh có thể được hát với… đĩa (phần nhạc đệm thu sẵn). Ai cũng hiểu hát đĩa trên sân khấu hiệu quả khó có thể bì với ban nhạc sống. Một trong những vấn đề bất cập nữa của việc những nhà tổ chức lơ mơ về âm nhạc là sự kết nối giữa thí sinh và ban nhạc. Lẽ ra nên có một người làm cầu nối mà người này phải là nhạc sĩ hay ít nhất là nhạc công, để phổ biến rõ ràng những gì cơ bản nhất (tông giọng, bản phối…) cho ca sĩ và ban nhạc. Nhưng người làm chức năng đó (trừ ở đài THVN) gần như không có. Có chăng chỉ là người liên hệ ghi chép mang tính hành chính và quán xuyến giờ giấc tập, để rồi tới nơi, nhiều khi ban nhạc còn không biết sẽ đệm bài gì! Vì vậy mới xảy ra tình trạng ca sĩ Mai Hương tố ban nhạc chơi sai giọng (đêm 10/7 tại TP.HCM), sau đó được ban nhạc giải thích thí sinh này không đưa bản nhạc. Tìm hiểu kỹ thì thấy rằng Hương ngọc lan (sáng tác Anh Quân - Dương Thụ) là bài hát có hai phần. Phần đầu giọng Pha thăng trưởng, phần hai (điệp khúc) ở giọng Mi giáng trưởng (theo đúng giọng Mỹ Linh hát), nghĩa là tương đối phức tạp, nếu không có văn bản dựa vào thì ban nhạc khó mà chơi được. Nghe phần trình diễn của Mai Hương, thấy ban nhạc chơi ăn ý với nhau về mặt hòa âm ở giọng Si giáng trưởng và Son trưởng trong điệp khúc (cao hơn giọng Mỹ Linh). Vậy chắc chắn họ có văn bản. Trong một vài tập nhạc được in trên thị trường có bài Hương ngọc lan in ở giọng mà Mai Hương hát (có cả hòa âm kèm theo). Rất có thể ban nhạc tự kiếm bản này. Vậy là tai nạn xảy ra. Suy cho cùng ban nhạc không có lỗi mà ca sĩ cũng không. Lỗi ở nhà tổ chức vì thời gian tập ít, cách thức liên kết giữa thí sinh với nhạc công lọng cọng. Còn biết bao thí sinh gặp tai nạn tương tự như vậy ở những vòng thi địa phương nữa? Biết đâu trong số họ có những giọng ca tốt?… BTC của đài THVN sẽ chẳng bao giờ gặp được họ (hoặc không cần gặp)?

Thí sinh cũng… có cách

Sau bao nhiêu năm, cuộc thi đã trở nên cũ theo đúng nghĩa đen của nó.

Dù có bao nhiêu cách “riêng” của BTC đi chăng nữa thì các thí sinh cũng phải lên sân khấu thể hiện mình. Đến lúc này lại có những cách khác. Thí sinh Vũ Thắng Lợi năm 2009 thi tại Hải Phòng đoạt giải nhì nằm trong ba thí sinh được chọn. Năm 2011 anh thi tại Nghệ An và không lọt vào top 3. Thắng Lợi xin một suất ở Quảng Ngãi và lọt tới chung kết toàn quốc. Trong các đêm thi, MC thường gọi tên anh kèm câu “… đến từ Quảng Ngãi”. Thực chất Thắng Lợi đang sống và làm việc tại Hà Nội. Tương tự, Huyền Hương luôn được gọi “… đến từ Hải Phòng” (cô đoạt giải nhất trong khuôn khổ cuộc thi này ở Hải Phòng 2011). Hỏi ra mới biết cô ở… Hà Nội. Còn rất nhiều trường hợp khác tương tự như vậy và diễn ra từ nhiều năm nay ở Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang... Điều đó nói lên rằng, chẳng có bản sắc con người của từng địa phương được chắt lọc qua các vòng thi như mọi người vẫn tưởng. Những địa phương đó đã trở thành công cụ cho các thí sinh thực hiện việc “đánh đấm” của mình. Ở đó có thể cơ chế thoáng hơn, có mối quan hệ nào đó thuận lợi hơn, đối thủ nhẹ ký hơn… Suy cho cùng các thí sinh cũng chỉ muốn con đường đi đến vinh quang của mình thuận lợi nhất. Cái đó có thể hiểu là chiến thuật, mà đã chiến thuật thì nặng đấu đá. Chả trách khi lên sân khấu ca sĩ hát và đưa tay cứng như khúc gỗ. Truyền cảm sao được khi đầu óc vẫn nghĩ tới đường đi nước bước tiếp theo sẽ là gì? Lượng tin nhắn đã đủ chưa?...

Cũ thật rồi

Bắt đầu từ vòng chung kết khu vực, công tác tổ chức chặt chẽ hơn thì trên sân khấu, các thí sinh trình bày những khuôn mặt giống nhau. Thi thính phòng, thường cố chọn những bài có đoạn vocalize (ơ hoặc a theo một giai điệu) khó, âm vực rộng để lấy điểm mà quên bẵng đi cách diễn đạt sao cho cuốn hút khán giả. Đêm thi dân gian nghe cả chương trình chỉ phân biệt rõ nhất là giọng nam, nữ, còn lại thì một màu. Nhạc nhẹ chưa làm bật được phong cách (rất quan trọng ở mảng này). Điều được nhất là ban nhạc chơi rất sạch sẽ và chỉn chu.

Sau bao nhiêu năm, cuộc thi đã trở nên cũ theo đúng nghĩa đen của nó. Có nhiều cái cũ còn giữ nguyên giá trị thì vẫn hay. Những bài ca đi cùng năm tháng, những giọng ca với những kỹ thuật căn bản nhất của thanh nhạc, những thanh âm của nhạc cụ gắn với từng ca khúc. Tất cả vẫn còn đó, nhưng đã len lỏi vào đó những toan tính của cả thí sinh lẫn nhà tổ chức. Cũ thật rồi. “Xem” hay “Không xem nữa”?

Khanh Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm