Khi nghệ sĩ trẻ tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng âm nhạc

17/05/2025 20:00 GMT+7 | Multimedia

Vừa ra mắt, ca khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh" của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Tác phẩm góp phần kết nối hiện tại với quá khứ, khơi dậy trong thế hệ hôm nay tình yêu quê hương, niềm tin và trách nhiệm công dân bằng ngôn ngữ âm nhạc của người trẻ.

Trong cuộc trò chuyện dưới đây, nhạc sĩ Đinh Khánh Ly chia sẻ về những chiêm nghiệm nghệ thuật, cảm hứng sáng tác và vai trò của người nghệ sĩ khi viết về lãnh tụ trong bối cảnh đương đại.

Video - Đối thoại cùng Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly:


Ca khúc "Việt Nam – Hồ Chí Minh" mang nhiều cảm xúc và chiều sâu lịch sử. Chị đã tìm đến những tư liệu, ký ức hay nguồn cảm hứng nào để viết nên một bản nhạc đầy rung động như vậy?

Với tôi, cảm hứng lớn nhất luôn bắt đầu từ chính trái tim, từ việc lắng nghe cảm xúc của mình. Khi viết về Bác Hồ, tôi không chỉ đọc sách, xem phim hay tìm hiểu tư liệu lịch sử, mà còn lắng nghe cả những câu chuyện đời thường từ ông bà, cha mẹ – những ký ức giản dị mà đầy yêu thương. Trong lòng tôi, Bác không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là hình ảnh gần gũi, như một người cha, một người thầy của cả dân tộc.

Viết ca khúc này, tôi không cố gắng tái hiện lịch sử theo cách "đóng khung" mà chỉ muốn kể lại một câu chuyện thật chân thành, thật cảm xúc – về một con người mang theo giấc mơ độc lập, tự do cho đất nước, mang hy vọng đến cho từng người dân Việt Nam.

Bác Hồ

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly

Giữa muôn vàn đề tài trong âm nhạc hôm nay, vì sao chị vẫn chọn viết một bài hát về Bác Hồ – một ca khúc mang tính chính luận? Và điều đó đặt ra thử thách gì cho chị trong vai trò người sáng tác?

Với tôi, có những đề tài dù đã đi qua thời gian vẫn luôn mang sức sống mãnh liệt. Viết về Bác Hồ không bao giờ là cũ, bởi hình tượng của Bác đã vượt lên trên mọi khuôn khổ, trở thành biểu tượng của niềm tin, của lòng yêu nước, của khát vọng vươn lên.

Tôi chọn viết bài hát này không phải để "dựng tượng đài" mà để thắp lại trong lòng người nghe – nhất là người trẻ – một tình cảm thật gần, thật ấm. Tất nhiên, đây là một thử thách không hề dễ: làm sao để vừa giữ được sự trang nghiêm, vừa thổi vào đó hơi thở tươi mới, để người nghe cảm thấy gần gũi, đồng cảm, chứ không bị áp lực bởi tính chính luận.

Nhưng chính những thử thách ấy lại khiến cho quá trình sáng tác trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Lời ca trong bài hát gợi lại hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước, giấc mơ độc lập, tự do cho dân tộc. Chị đã lựa chọn ngôn ngữ như thế nào để giữ được chất trang nghiêm mà vẫn gần gũi, dễ cảm với người trẻ hôm nay?

Tôi lựa chọn ngôn ngữ giản dị, không lên gân, không cầu kỳ. Những từ như "Việt Nam", "Hồ Chí Minh", "độc lập", "tự do" vốn đã mang sức nặng lịch sử, điều quan trọng là làm sao để khi đặt chúng vào âm nhạc, chúng không trở nên khô cứng mà vẫn giữ được nhịp thở đời thường – để người trẻ khi nghe có thể thấy được chính mình trong đó: thấy niềm tự hào, thấy giấc mơ, thấy cả trách nhiệm của thế hệ mình.

Bác Hồ

Trong quá trình sáng tác, có chi tiết nào khiến chị lặng người – một nốt nhạc, một ca từ, hay một khoảnh khắc nào đó khiến cảm xúc trào dâng và chị biết rằng: "Tôi đã sẵn sàng để viết bài hát này"?

Để trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn trích dẫn một phần trong ca khúc Việt Nam – Hồ Chí Minh mà chúng tôi tâm đắc:

"Thế giới nghiêng mình trước những hy sinh của Người Đất nước cùng hát lên, ngợi ca Việt Nam – Hồ Chí Minh Và đến muôn đời sau còn vang mãi khúc ca biết ơn Người."

Chúng tôi đã sẵn sàng – bằng cả trái tim!

Nếu gửi một thông điệp đến thế hệ trẻ khi nghe ca khúc này, chị mong họ sẽ cảm nhận điều gì?

Tôi mong các bạn trẻ sẽ cảm nhận được cả niềm tự hào và trách nhiệm. Tự hào vì chúng ta có một lịch sử đáng trân trọng, một vị lãnh tụ vĩ đại. Trách nhiệm vì thế hệ chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình, tự do.

Nếu ca khúc này chạm được đến một góc nhỏ trong trái tim các bạn, làm các bạn muốn tìm hiểu thêm, muốn yêu thêm đất nước mình, thì tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

Bác Hồ

Ban nhạc Âm Dấu muốn lan tỏa thông điệp ý nghĩa tới khán giả trẻ

Viết về Bác trong âm nhạc không chỉ là sáng tác mà còn là một sự tri ân sâu sắc. Theo chị, nghệ sĩ giữ vai trò gì khi tái hiện hình tượng Bác Hồ trong đời sống âm nhạc đương đại?

Tôi nghĩ nghệ sĩ không chỉ là người kể chuyện mà còn là người thắp lại ngọn lửa. Khi viết, khi hát về Bác, chúng ta không chỉ nhắc lại quá khứ, mà làm sống dậy những giá trị mà Bác đã truyền cho dân tộc: lòng yêu nước, tinh thần tự do, khát vọng vươn lên.

Trong âm nhạc đương đại, vai trò của nghệ sĩ là làm sao để hình tượng ấy không bị "bảo tàng hóa", mà vẫn sống động, vẫn hiện diện trong nhịp sống, trong trái tim mỗi người trẻ.


Yên Khương - Mộng Thìn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm