05/06/2024 05:30 GMT+7 | Thể thao
Mặt bằng chế độ đãi ngộ cho VĐV nói chung hay các tài năng thể thao ở nhiều môn của thể thao Việt Nam hiện ở mức thấp và cần được điều chỉnh để tạo đột phá về thành tích.
Tuyển thủ Olympic lương 7 triệu đồng/tháng
Nhiều năm qua, câu chuyện về tiền lương của VĐV ở mức thấp là một trong những trăn trở lớn nhất của những người làm công tác chuyên môn. Một tuyển thủ quốc gia hiện đang hưởng mức lương 270.000 đồng/ngày và nếu trừ đi các ngày nghỉ, tính 26 ngày công tập luyện, tuyển thủ đó sẽ nhận 7.020.000 đồng/tháng chưa trừ thuế.
Mức lương này đã được áp dụng nhiều năm qua với toàn bộ các đội tuyển của thể thao Việt Nam (TTVN). Rất nhiều ngôi sao từng giành thành tích đặc biệt xuất sắc gần đây như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Phạm Quang Huy (bắn súng), Nguyễn Văn Khánh Phong (thể dục)… cũng nhận mức lương như vậy.
Trong quá trình tìm hiểu về tiền lương VĐV của PV TT&VH, nhiều tuyển thủ tỏ ra e ngại khi chia sẻ dù họ đều nhìn nhận mức lương mình đang nhận là thấp. Bản thân mỗi người đều gặp khó khăn khi trang trải chi phí sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, chưa nói đến chuyện hỗ trợ cho gia đình hay giúp đỡ bố mẹ.
Trịnh Văn Vinh, người vừa giành suất dự Olympic 2024 môn cử tạ hiện cũng đang nhận mức lương như trên. Lực sĩ 29 tuổi người Bắc Ninh cho biết, anh đã nhận mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng khi tập trung cùng đội tuyển quốc gia và không thay đổi kể từ trước hay sau khi nằm trong danh sách những lực sĩ xuất sắc được trao quyền dự Thế vận hội.
Theo quy định hiện hành, việc chi trả lương cho VĐV được áp dụng theo các mức khác nhau. VĐV của đội tuyển trẻ quốc gia nhận 215.000 đ/ngày, VĐV đội tuyển của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 180.000 đ/ngày, VĐV đội tuyển trẻ của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 75.000 đ/ngày và VĐV năng khiếu nhận 55.000 đ/ngày.
"Với mức lương hiện tại, rất nhiều VĐV có năng khiếu, có tố chất nhưng không muốn gắn bó với thể thao mà lựa chọn các ngành nghề khác có thu nhập tốt hơn. Đặc biệt với các VĐV trẻ, nếu thu nhập chỉ ở mức 4 đến 5 triệu đồng/tháng, rất khó để thu hút tài năng hoặc giữ chân họ cống hiến lâu dài", lãnh đạo Liên đoàn một môn thể thao cơ bản từng chia sẻ.
Tại Hội nghị "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2023, nhiều chuyên gia lĩnh vực thể thao đều có chung nhận định, tiền lương nói riêng hay chế độ đãi ngộ cho VĐV hiện tại còn thấp và rất khó để thu hút, tuyển mộ tài năng, làm tiền đề cho sự phát triển về thành tích thi đấu. Đây là bài toán hóc búa mà bấy lâu nay ngành thể thao chưa tìm ra lời giải.
Chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW
Xung quanh vấn đề về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ, chính sách đối với VĐV thể thao, trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra, bên cạnh kết quả tích cực, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế.
Về số lượng VĐV thể thao trên cả nước, báo cáo cho hay, hiện nay có khoảng 2.500 vận động viên quốc gia (trong đó VĐV đội tuyển trẻ 1.100; VĐV đội tuyển là 1.400). Trong khi đó, VĐV của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào khoảng 22.000 VĐV.
Đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao tuy có tăng hằng năm, song còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08- NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng VĐV kế cận trong các đội tuyển quốc gia. Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Tổ chức và hoạt động của một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao Quốc gia chưa thích nghi được với xu thế quốc tế, thiếu tính chủ động vì chưa có khả năng tự chủ về tài chính, do đó sự đóng góp vào công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao chưa tương xứng với kỳ vọng. Chưa thu hút và phát huy được tiềm năng to lớn của các nguồn lực xã hội tham gia công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ.
Về vấn đề chế độ chính sách đối với VĐV thể thao, so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với VĐV thể thao ở nước ta còn hạn chế. Chế độ tiền lương đối với VĐV các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP còn thấp.
Tiền lương đối với VĐV thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao. Chế độ dinh dưỡng đối với VĐV thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao.
Một số địa phương tuy đã áp dụng chế độ đặc thù đối với VĐV tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với VĐV đạt thành tích cao tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự đại hội thể thao quốc tế, nhưng đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.
Giải pháp tháo gỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Để khắc phục hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các VĐV. Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các tổ chức quản lý thể dục, thể thao triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 36/2019/NĐCP, bảo đảm chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của VĐV thể thao thành tích cao…
Đối với vấn đề việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành một số Nghị định quan trọng và tiếp tục tập trung rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho VĐV để sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao sẽ đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn vào vị trí việc làm phù hợp. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động thể thao chuyên nghiệp cho các VĐV để đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn làm việc trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, các tổ chức thể thao ngoài công lập.
Để nâng cao thành tích của TTVN trên đấu trường quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó xác định tập trung đầu tư cho các môn, nội dung trọng điểm tham dự các kỳ ASIAD (ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật, ASIAD 21 năm 2030 tại Qatar, ASIAD 22 năm 2034 tại Ả Rập Xê Út) và Olympic (Olympic năm 2024 tại Pháp, Olympic năm 2028 tại Mỹ, Olympic năm 2032 tại Úc) và các kỳ SEA Games.
Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm trong giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu, lộ trình, đối tượng, phương thức và giải pháp đầu tư cho từng nhóm môn và nội dung thể thao trọng điểm, ứng với từng kỳ Olympic và ASIAD. Đồng thời xác định địa bàn đào tạo để có hướng phân cấp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong công tác đào tạo lực lượng VĐV trọng điểm.
Hà Nội đãi ngộ đặc thù cho VĐV giành suất dự Olympic 4
Căn cứ vào Nghị quyết số 13/2023/NQ- HĐND ngày 6/12/2023 do HĐND thành phố Hà Nội ban hành, từ ngày 01/01/2024, các HLV, VĐV đạt thành thích cao của Hà Nội sẽ được hưởng chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù.
Cụ thể, thành phố Hà Nội ưu đãi trợ cấp, đãi ngộ đặc thù cho VĐV vượt qua vòng loại Olympic hoặc giải bóng đá thế giới World Cup ở mức 17 triệu đồng/người/tháng. VĐV Hà Thị Linh, người mới giành được suất dự Olympic 2024 sẽ được hưởng chế độ này trong đủ một chu kỳ kéo dài 4 năm và hiện là VĐV duy nhất của thể thao thủ đô có mặt tại Thế vận hội.
Ngoài ra, VĐV của Hà Nội được tập trung đội tuyển thể thao quốc gia sẽ được nhận thêm chế độ 7 triệu đồng/người/tháng từ thành phố, còn VĐV của Hà Nội được tập trung đội tuyển thể thao trẻ quốc gia sẽ được hưởng thêm 5 triệu đồng/người tháng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất