14/07/2017 14:59 GMT+7 | AC Milan
(Thethaovanhoa.vn) - “Điên rồ” có lẽ là từ đúng nhất để mô tả những gì đang diễn ra trong lòng nhiều milanista ở thời điểm này, khi thương vụ Bonucci sắp hoàn tất. Từ lâu lắm rồi, họ mới lại sống trong một bầu không khí hối hả, náo nức đến mức ngộp thở đến thế. Không phải là hành trình đến Scudetto hay Champions League, mà là thị trường chuyển nhượng, khi họ sống và thở từng giờ nối tiếp nhau trong sự chờ đợi: ai sẽ đến tiếp theo đây?
Những điều không tưởng đang diễn ra từng ngày, từng giờ và khiến Milan trở thành tâm điểm cho mọi sự chú ý của dư luận, kể cả những người ít quan tâm đến calcio. Đội bóng đỏ-đen đã tiến hành một loạt các vụ chuyển nhượng lớn nhỏ kể từ đầu mùa hè, và khi vụ Bonucci đến San Siro hoàn tất-một cú sốc chuyển nhượng thực sự làm rung chuyển Serie A mùa hè này, thì điều người ta có thể chắc chắn được, là Milan vẫn chưa chịu dừng lại, dù lúc này họ đã có một đội hình hoàn toàn mới.
Báo chí Ý dồn dập đăng tin về việc Milan sẵn sàng trả 60 triệu euro để có Aubameyang, không ngần ngại trả 70 triệu để mua về Morata hay Belotti. Khi đội bị lên đường sang Trung Quốc du đấu mùa hè, danh sách những cầu thủ mà họ quan tâm vẫn còn có vài cái tên khác nữa, từ Kalinic (Fiorentina) cho đến Kjaer (Fenerbahce). Điều đó nghĩa là Milan vẫn còn rất nhiều tiền để chi ra và khuynh đảo thị trường chuyển nhượng ở Italy.
Mùa hè không tưởng
Đã lâu lắm rồi kể từ những ngày hè rực lửa đầu những năm 2000, khi trụ sở của Milan ở đường Turati trở thành nơi tụ hội của hàng nghìn milanista đứng chờ một tân binh ngôi sao nào đó xuất hiện bên cửa sổ, với chiếc áo Milan trên tay. Trước đó, họ hồi hộp và háo hức đọc các thông tin chuyển nhượng của Milan hầu như luôn lên trang nhất. Con phố nhỏ đi qua tòa nhà lạnh lẽo có trụ sở Milan ấy đã từng chứng kiến biết bao cuộc ra mắt như thế, dồn dập, liên tục, đầy ngôi sao, khi Milan ngày càng mạnh lên trên đỉnh thế giới. Nesta đã là một cú sốc như thế trên TTCN ngày cuối cùng của các cuộc shopping vào tháng 8/2002, khi cười rạng rỡ xuất hiện trên cửa sổ.
Một năm sau nữa là Kaka, ngôi sao gần nhất của Milan đoạt Quả bóng vàng. Trước đó nữa, những cuộc ra mắt tifosi diễn ra trong tiếng cười, tiếng la hét vì sung sướng và hào hứng, với gương mặt của những Shevchenko, Rui Costa hay Inzaghi. Sau đó là những khoảng tối, những nỗi buồn, biết bao thất vọng, bởi Milan, trong cơn vật vã vì tiền đã cạn đi, vì các con của Berlusconi không muốn cha tiếp tục dốc túi nhà mình để đổ vào một đội bóng không có lãi, đã tự tìm cách co mình lại như một miếng da lừa. Những ngôi sao không còn đến nữa. Galliani tự hài lòng với những vụ chuyển nhượng tầm thường, đưa về những cầu thủ hết “đát”, những người đến theo dạng cho mượn, hoặc chuyển nhượng tự do.
Những đám đông phía trước trụ sở của đội cũng đã vãn. Via Turati không còn là điểm hẹn mùa hè, không là nơi người ta cùng gặp gỡ để thể hiện sự phấn khích, lạc quan và hy vọng cho mùa bóng mới, khi Milan có thể thoải mái mua sắm các ngôi sao mà không hề ngần ngại. Kể cả khi Milan chuyển đến trụ sở mới ở đường Aldo Rossi, trong một tòa nhà hiện đại nhìn từ xa giống một con tàu màu đỏ-đen hướng về phía trước, thì tình yêu của các milanista vẫn đập trong lồng ngực, nhưng là một tình cảm buồn.
Quảng trường Duomo từ lâu đã không còn là nơi mà các milanista lấp đầy không gian rộng lớn ấy, không chỉ bằng số lượng người, mà còn rất nhiều cờ, màu sắc và những tiếng hô hạnh phúc. Những năm qua không còn là Milan của họ nữa, và rồi tình yêu ấy chịu thêm một cú sốc nữa, khi Berlusconi chính thức bán Milan cho người Trung Quốc, chấm dứt 30 năm đầy thăng trầm và biết bao vinh quang.
Quá trình biến đổi từ Milan Berlusconi, nghĩa là một Milan của nước Ý, sang “Cilan”, như cách mà báo chí Ý đã từng mỉa mai và là ghép của chữ “Cina” và “Milan, kéo dài trong gần hai năm, khi đội bóng đang ở quá trình thoái trào toàn diện và mất phương hướng, càng làm cho các milanista thêm đau buồn. Nhiều khi, họ không thèm đưa mắt nhìn vào danh sách mua bán mỗi mùa hè của Milan nữa, bởi đã quá chán nản.
Có Bonucci, nhưng Milan vẫn cần một chân sút đẳng cấp
Thế rồi mùa hè này ập đến như một liều nước mát đổ lên đầu và vào cổ họng các tifosi đang chết dần mòn vì khát trên sa mạc. Cặp đôi Fassone-Mirabelli đã hành động như một cỗ máy chính xác và lạnh lùng ít thấy ngay khi mùa bóng vừa kết thúc, cho thấy, một khi những ông chủ mới người Trung Quốc đã đổ đầy két sắt của họ, Milan có thể làm được những gì, dứt khoát, mạnh mẽ, chủ động theo kiểu băm bổ và không ngán ngại các cuộc thương lượng ở thế bị đối phương dồn vào cửa khó để ép giá.
Thậm chí những vụ tấn công chóng vánh trong vòng 1-2 ngày như thương vụ Bonucci cũng có thể diễn ra theo một cách không tưởng, cho thấy sự khao khát nhanh chóng trở lại đỉnh cao của đội bóng mùa trước chỉ kết thúc ở vị trí thứ 6. Việc đồng ý trả mức lương khủng để giữ chân Donnarumma, việc đưa về Bonucci và tiếp tục theo đuổi Aubamayang, Morata và cả Belotti là sự khẳng định về điều này, trên cơ sở tối thượng là Milan đang có rất nhiều tiền. Trên thực tế, việc chi ra trên 200 triệu euro chỉ trong một mùa hè cho nguyên một đội hình mới để thay máu gần như toàn bộ là điều chưa từng thấy trong 30 năm của triều đại Berlusconi (họ chi nhiều nhất vào mùa hè 2001, gần 140 triệu euro), đặt ngang tầm Milan với Barcelona, Man United hay Man City về mức độ chịu chi.
Đương nhiên, vẫn còn quá sớm để nói Milan mùa tới sẽ ra sao, nhưng có thể tin rằng, chất lượng đội hình của họ đã tăng lên đáng kể so với đội quân trẻ nhưng chắp vá mà Montella đã dẫn dắt ở mùa bóng trước. Trừ Bonucci và tân binh đầy hứa hẹn Andre Silva, những tân binh còn lại đều chưa đạt đến tầm vóc thế giới, nhưng họ là những bổ sung quan trọng nhằm tăng chất lượng ở tất cả các tuyến, và tạo cơ hội cho Montella triển khai một số các phương án chiến thuật cho các sơ đồ khác nhau. Milan thay đổi toàn bộ hàng thủ, thay đổi toàn bộ cách chơi của hàng tiền vệ, với Biglia và Calhanoglu, nhưng nhìn toàn cục, dù đã có Andre Silva, họ vẫn cần một chân sút đẳng cấp có khả năng ghi trên 20 bàn một mùa để thực sự trở thành một con ngoáo ộp thực sự trên sân cỏ.
Tuy nhiên, với thương vụ Bonucci, Milan không chỉ tạo ra một cú sốc làm rung chuyển thị trường chuyển nhượng mùa hè Italy, mà còn có khả năng tạo ra một sự thay đổi cán cân lực lượng trên sân cỏ Serie A như hồi Inzaghi từ Juve sang Milan hè 2001, mở ra một thời kì huy hoàng của đội ngay sau đó, khi Ancelotti tạo ra một sơ đồ chiến thắng, với việc kéo Pirlo xuống phía dưới hàng tiền vệ, tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong lối chơi. Liệu điều tương tự có lặp lại sau 17 năm? Sự thay đổi ấy bây giờ vẫn nằm trong lí thuyết và còn chờ sự khẳng định trên sân cỏ mấy tháng nữa. Còn quá sớm để nói đến những chữ như Scudetto hay Champions League, nhưng không ai có thể cấm các milanista mơ.
Mùa hè điên rồ nhất kể từ nhiều năm qua đang diễn ra, và những gì đã thấy là sự thực, không phải những giấc mơ. Một mùa bóng điên rồ đang chờ đợi Milan ở phía trước…
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất