Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh

13/05/2024 06:58 GMT+7 | Văn hoá

Hoạ sĩ LinhRab, tên thật là Nguyễn Thế Linh, là một hoạ sĩ truyện tranh được mến mộ bởi những tác phẩm dễ thương, gần gũi và giàu tình nghệ thuật như: Một ngày kì lạ (2007), Mình không thể ngủ được (2013), Tủa đi lạc rồi (2020), Khúc hát cầu mưa (2022)…. Trong các sáng tác của LinhRab, phải kể đến Cuộc phiêu lưu của Dế Út, chuyển thể từ tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài.

Bộ truyện Cuộc phiêu lưu của Dế Út (4 tập) đã lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ LinhRab:

Từ "Cuộc phiêu lưu của Dế Út"…

* Xuất phát từ đâu mà anh lại có ý tưởng chuyển thể tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu kí" của nhà văn Tô Hoài sang tác phẩm truyện tranh "Cuộc phiêu lưu của Dế Út"?

- Mình bắt đầu sáng tác tập truyện đầu tiên từ tháng 6/2016 theo đặt hàng của NXB Kim Đồng. Khi có lời mời vẽ truyện tranh về Dế mèn phiêu lưu kí mình rất hứng thú vì đây là tác phẩm yêu thích của mình khi còn nhỏ.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Thế Linh (bút danh LinhRab)

*7 năm để chuyển thể và sáng tạo một bộ truyện tranh ư? Quả thật là một hành trình dài mà không nhiều độc giả có thể nghĩ đến. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về hành trình sáng tạo này?

- Để bạn đọc dễ hình dung thì hành trình của mình cũng giống như môn chạy bền vậy. Mỗi ngày mình cũng làm việc chừng 8 tiếng giống như các bạn nhân viên văn phòng. Mình lên kế hoạch và thực hiện vẽ tác phẩm đều đặn hàng ngày, chinh phục từng phần việc một.

Với mỗi tập truyện dài 164 trang (bao gồm các khâu: kịch bản, vẽ phác, đi nét, tô màu, xử lí chữ và các hiệu ứng), mình mất trung bình một năm rưỡi để hoàn thành và nửa năm cho việc biên tập của NXB Kim Đồng. Bộ truyện gồm bốn tập nên sẽ tốn chừng đó thời gian. Mình làm việc một mình trong ba khâu đầu tiên là kịch bản, vẽ phác và đi nét. Các khâu tô màu và hoàn thiện bản thảo, mình có sự giúp đỡ của trợ lý.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh - Ảnh 2.

“Cuộc phiêu lưu của Dế Út” đã hoàn thành sau 7 năm với 4 tập

* Quả là không hề giản đơn như tôi vẫn nghĩ, lại còn thêm cả khâu tô màu cho phần tranh nữa. Vì sao anh lại chọn thể hiện hình thức truyện tranh màu mà không phải tranh đen trắng như thường thấy?

- Mình và phía NXB Kim Đồng đã thống nhất chọn hình thức truyện tranh màu vì hình ảnh sẽ sống động và hấp dẫn hơn truyện tranh đen trắng. Cá nhân mình khi còn nhỏ cũng rất mê các cuốn truyện tranh màu của Pháp Bỉ như Lucky Luke, TinTin, Spirou,... Còn gì thích hơn khi cầm trên tay cuốn truyện tranh đẹp đẽ và tràn ngập màu sắc!

Tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu kí" và nhân vật Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài đã quá nổi tiếng, được yêu mến qua rất nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Đó là động lực hay là áp lực đối với anh?

- Một thuận lợi đối với mình khi bắt tay vào công việc sáng tạo tác phẩm Dế Út là mình đã có sẵn nhân vật và cốt truyện rồi. Tác phẩm đã rất quen thuộc với tất cả trẻ em Việt Nam nên mình cũng có chút áp lực là phải tạo ra được sự mới mẻ trong cách kể chuyện, làm sao để người đọc có thêm những trải nghiệm mới cùng nhân vật và mở rộng thêm thế giới của cánh đồng.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh - Ảnh 3.

“Cuộc phiêu lưu của Dế Út” của LinhRab

* Cuộc phiêu lưu của Dế Út" nói là chuyển thể cũng đúng, nhưng nhiều người cho rằng gọi nó là một tác phẩm phóng tác thì đúng hơn. Vậy anh đã làm thế nào để đảm bảo vừa có thể bám sát nguyên tác lại vừa phải làm mới nó theo một phong cách khác để đem đến sự hấp dẫn cho bạn đọc, nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi?

- Đúng vậy, nói "Cuộc phiêu lưu của Dế Út" là tác phẩm phóng tác cũng không sai. Khi bắt đầu dự án thì mình và các biên tập viên của NXB Kim Đồng đã quyết định để Dế Út bám sát cốt truyện gốc nhưng có thêm những lí giải và các xử lí tình huống mới lạ.

Mình chỉ cố gắng hình dung thật kĩ về nhân vật Dế Út, giữ những diễn biến chính và tưởng tượng nhân vật sẽ ứng xử như thế nào với các tình huống. Cái khó là làm sao diễn tả bằng hình ảnh cho sống động, các nhân vật thật gần gũi và chạm tới các bạn nhỏ.

Chắc mình cũng có chút duyên khi vẽ cho trẻ em. Sự đón nhận của mấy đứa cháu mình chính là niềm vui lớn nhất. Mỗi khi có một tập mới ra lò, các cháu đều say sưa đọc và sẽ ngay lập tức hỏi khi nào thì chú vẽ xong tập mới. 

*Vậy theo anh, một tác phẩm truyện tranh tốt cho thiếu nhi phải đạt những yếu tố nào?

- Truyện tranh có đặc trưng là ngôn ngữ kể chuyện được thể hiện bằng các khung tranh liên hoàn, các nhân vật sẽ hành động, suy nghĩ, nói thoại liên tục hết tranh này tới tranh khác, hết trang này tới trang khác. Mình cho rằng đây chính là thể loại nghệ thuật nằm giữa văn học và điện ảnh. Việc của các hoạ sĩ là phải hình dung về các nhân vật thật kĩ, sau đó nỗ lực thể hiện lại hành động của nhân vật trên trang giấy thật sống động, kể chuyện có logic, lớp lang giống như một bộ phim vậy.

Theo mình, một truyện tranh hấp dẫn cho thiếu nhi không chỉ cần có nhân vật dễ thương, tranh vẽ đẹp, độc đáo, sống động mà cần cả nội dung có ý nghĩa, có giá trị, truyền tải được nhiều điều về văn hóa Việt Nam.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh - Ảnh 4.

* Cá nhân tôi cũng cho rằng "Cuộc phiêu lưu của Dế Út" là một tác phẩm rất chất lượng, góp thêm vào "hệ sinh thái" tác phẩm đặc sắc liên quan tới nguyên tác "Dế Mèn phiêu lưu kí", đồng thời cũng là một cách hay giúp bạn đọc tiếp cận tác phẩm tốt hơn. Nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi báo chí lại ít nhắc tới nó, tại thời điểm ra mắt cũng như khi đã hoàn tất. Anh nghĩ gì về điều này?

- Mình thì lại thấy đó cũng là việc bình thường. Tác phẩm đã ra đời hơn 80 năm nay. Thế hệ nào cũng đã có họa sĩ nổi tiếng (như Ngô Mạnh Lân, Trương Qua, Thành Chương, Ngô Xuân Khôi, Tạ Huy Long,…)  minh họa tác phẩm này. Mình cũng có duyên may tô thêm chút màu của thế hệ mình cho tác phẩm. Mình không thể biết trước nó sẽ được chú ý quan tâm hay không.

Việc của mình là cố gắng làm sao làm cho tác phẩm chất lượng nhất trước khi đến tay các độc giả. Mình chỉ nghĩ đơn giản là mỗi khi mình hoàn thành một tập truyện thì tập truyện đó đã có đời sống riêng của nó rồi.

* Các độc giả, nhất là độc giả nhí, đã đón nhận "Cuộc phiêu lưu của Dế Út" ra sao?

- Mình không có thống kê trên diện rộng, như mình trả lời ở trên, mình chỉ có thể biết thông qua những đứa bé là cháu mình. Các cháu chờ mong đọc truyện của mình là mình thấy thành công rồi.

"Một truyện tranh hấp dẫn cho thiếu nhi không chỉ cần có nhân vật dễ thương, tranh vẽ đẹp, độc đáo, sống động mà cần cả nội dung có ý nghĩa, có giá trị, truyền tải được nhiều điều về văn hóa Việt Nam" - họa sĩ LinhRab.

… Đến sự "lép vế" của truyện tranh Việt Nam

* Anh có cho rằng việc "Chuyện phiêu lưu của Dế Út" chưa được truyền thông quan tâm lắm cũng là do truyện tranh hiện đang bị "lép vế" so với những thể loại sách khác?

- Truyện tranh Việt Nam thì đúng hơn. Truyện tranh do người Việt Nam sáng tác trong một năm là quá ít đi. Theo mình quan sát thì năm 2023, chắc có khoảng trên dưới 20 đầu truyện tranh Việt Nam. Lực lượng sáng tác quá mỏng, nội dung chưa thể hấp dẫn như truyện tranh nhập khẩu thì cũng khó trách truyền thông được.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh - Ảnh 6.

* Anh có cảm thấy buồn không?

- Cá nhân mình thì mình thấy cũng bình thường. Vì bây giờ, các bạn họa sĩ có thể tự truyền thông và xuất bản trên các kênh số rất dễ dàng rồi.  

* Nhiều cha mẹ hiện nay vẫn đang "hành xử" cứ như thể truyện tranh là "con ngoáo ộp" ấy, họ lo sợ rằng truyện tranh không giúp gì đến việc đồi đắp tâm hồn con trẻ hết mà có thể còn làm nghèo nàn đi. Và vì thế họ "cấm cản" con đọc truyện tranh, thúc ép con đọc truyện chữ. Anh nghĩ sao về thực tế này?

- Đó chính là câu chuyện của mình khi còn nhỏ đó. Bố mình cấm mình đọc truyện tranh, không cho mình mua nhiều truyện tranh về đọc. Nhưng mình quá mê đi, mình đọc truyện tranh rồi sách nữa. Và mình học được nhiều kiến thức và bài học từ truyện tranh. Cũng phải mất nhiều năm, bố mình mới chấp nhận việc mình đọc sách truyện và công việc họa sĩ truyện tranh của mình.

Mình thấy đó là định kiến rất không đúng ở một số phụ huynh. Truyện tranh là món ăn tinh thần, sẽ có món ngon và món dở, phụ huynh có thể giúp các bé chọn lựa những món bổ dưỡng, lành mạnh, góp phần bồi đắp tâm hồn. 

Còn ở góc độ chuyên môn của mình, mình luôn cố gắng để tạo ra các tập truyện tranh hấp dẫn cả về nội dung và hình ảnh, góp thêm một tác phẩm truyện tranh Việt Nam hay làm món quà cho các bé. Hi vọng Dế Út cũng góp phần làm cho các định kiến xấu về truyện tranh bớt đi, để các em được thưởng thức thêm một món ăn tinh thần ngon lành.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh - Ảnh 7.

* Rất chia sẻ với anh về điều này.  Nếu trẻ được đọc sách và hướng dẫn đọc sách ngay từ nhỏ để có lòng ham khám phá, tìm hiểu, thì trẻ ắt sẽ yêu thích việc đọc sách thôi, bất kể là sách tranh hay chữ.

  - Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Trên thế giới, truyện tranh đã được công nhận là môn nghệ thuật thứ 9, mỗi châu lục đều có một văn hóa truyện tranh riêng. Việc nhập khẩu về Việt Nam các tác phẩm truyện tranh có giá trị từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Mĩ… vẫn diễn ra đều đặn trong 20 - 30 năm qua.

Hơn nữa, việc các em yêu thích đọc truyện tranh rồi sẽ chuyển sang yêu thích đọc sách cũng là một diễn biến tự nhiên. Phụ huynh có thể giúp con chọn lựa những tựa truyện hay, cách trình bày, tương tác thú vị, chắc chắn các bé sẽ yêu thích việc đọc sách nói chung và truyện tranh nói riêng.

Vẫn luôn luôn bị vẻ đẹp của truyện tranh lôi cuốn

Anh đã bắt đầu đến với hội hoạ như thế nào? Tại sao không phải một lĩnh vực hội hoạ nào khác mà anh lại chọn truyện tranh?

- Mình bắt đầu vẽ từ lúc 3 tuổi với một mẩu gạch non ở khoảng sân nhỏ nhà mình. Lớn lên mình học và tốt nghiệp ngành sơn dầu ở trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Khi vào trường, mình chỉ mong muốn học hội họa để vẽ truyện tranh cho tốt hơn thôi. Mình yêu thích cả văn học và hội họa nên truyện tranh là một loại hình nghệ thuật phù hợp với mong muốn sáng tác của mình. Hơn nữa, lĩnh vực hội họa thì đã có rất nhiều họa sĩ theo đuổi rồi, còn truyện tranh thì còn quá ít họa sĩ.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Hoạ sĩ LinhRab và cuộc phiêu lưu trong thế giới truyện tranh - Ảnh 9.

* Điều gì đã nuôi dưỡng được niềm đam mê ấy mạnh mẽ đến vậy?

- Nhu cầu kể chuyện bằng tranh, tạo ra các truyện tranh tiếng Việt Nam hấp dẫn, có giá trị luôn hiện diện trong mình. Có lẽ là mình đang làm việc này cho chính mình năm xưa, một đứa bé mong muốn được đọc những truyện tranh Việt hay, nhưng chờ hoài chả có mấy. 

* Cảm ơn anh!

Chấm chung khảo Giải Dế Mèn 2024


Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức đã kết thúc vòng sơ khảo hôm 11/5/2024 vừa qua. Từ 135 tác phẩm dự thi hoặc được đề cử, Ban sơ khảo đã chọn ra Top 10 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào chung khảo và sẽ công bố trong tuần này.

Cũng trong tuần này, từ Top 10 tác phẩm xuất sắc, Hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng, cùng các vị giám khảo là PGS-TS Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Thụy Kha và nhà báo Lê Xuân Thành sẽ bắt đầu quy trình chấm chung khảo để chọn ra 01 giải Hiệp sĩ Dế Mèn (nếu có) và các giải Khát vọng Dế Mèn.

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp 1/6 tới tại Hà Nội.

Đinh Vũ Hoàng Hạnh ((thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm