Bàn về cách đối phó với Hooligan ở BĐVN: Bóng vẫn trong chân người làm bóng đá

14/04/2009 08:42 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chỉ vì mỗi việc đối phó với sự quậy phá của CĐV đi xem bóng đá và đảm bảo an toàn cho một nhóm CĐV đội khách mà chiều Chủ nhật vừa qua Công an Nghệ An đã phải huy động tới gần 500 cảnh sát trực tiếp làm nhiệm vụ với đủ loại phương tiện hỗ trợ hết sức tốn kém. Đó là chưa kể đến lực lượng công an và quân đội đông gấp nhiều lần như thế phải túc trực trên địa bàn để sẵn sàng ứng cứu khi cần. Nhiều người đặt câu hỏi: “Liệu có nhất thiết phải tốn bao nhiêu nhân lực và tiền của như thế chỉ để thoả mãn thú vui của một nhóm người đi xem bóng đá?”
 

“Thêm vài lần nữa, tôi phải xin về hưu non”

Ông Hồ Văn Chiêm – GĐĐH CLB bóng đá SLNA, Trưởng BTC sân Vinh đã phải thốt lên như thế khi nói về sự khổ sở của BTC sân. Ông than phiền: “Năm ngoái, CĐV Hải Phòng gây rối dẫn đến ẩu đả. BTC bị phạt, sân Vinh bị VFF cấm thi đấu nên SLNA đã phải tốn một khoản kinh phí rất lớn khi phải hành quân vào Huế. Năm nay để chuẩn bị đón tiếp các CĐV Hải Phòng, BTC sân phải chuẩn bị phương án trước cả tuần, họp đi họp lại mấy lần để bàn cách đối phó. Thú thật tôi mất ăn mất ngủ vì mỗi chuyện phải suy nghĩ đến từng tình huống có thể xảy ra và xử lí như thế nào. Nếu thêm dăm trận nữa như thế, tôi chắc già trước tuổi và phải xin về hưu non. Vậy mà cũng không thể tính đến được cái chuyện CĐV Hải Phòng gây sự và xô xát với người dân tận ngoài Diễn Châu. Đúng là bó tay”!

“Cũng may trước ngày trận đấu diễn ra, báo chí rất tích cực trong việc tuyên truyền công tác an ninh của sân Vinh, nhờ đó nhiều CĐV hai đội đã có ý thức tốt, nếu không chắc chắn diễn biến còn phức tạp hơn nhiều”.

Tuy nhiên có khá nhiều CĐV Hải Phòng và một số CĐV SLNA lại không nhận thức được như vậy. Thấy lực lượng cảnh sát rất đông đảo đi hộ tống, một số CĐV Hải Phòng hênh hoang tự cho mình là VIP, được đón tiếp và bảo vệ nghiêm ngặt “cứ như Nguyên thủ quốc gia ở nước ngoài sang thăm”. Có lẽ vì suy nghĩ như vậy nên họ càng được thể làm càn và tưởng không ai dám làm gì.
 
Để đảm bảo cho trận đấu an toàn, lực lượng an ninh đã phải vất vả cứ như thể đó là một “chuyên án”
“VFF nên cân nhắc thêm các biện pháp khác”

Thượng tá Ngô Sĩ Sơn – Phó giám đốc Công an thành phố Vinh trăn trở: “Thực ra, bóng đá Việt Nam đâu đến mức phải căng thẳng như thế. Người Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau. Hải Phòng và Nghệ An cũng như tất cả các địa phương khác trên toàn quốc lâu nay vốn có quan hệ tốt đẹp chứ có thâm thù gì mà phải xung khắc. Chẳng qua do một số ít phần tử gây kích động cứ đẩy vấn đề lên cao gây mâu thuẫn làm mất đi cả vẻ đẹp của môn bóng đá”.

“Cũng do những điều không đáng có này mà trận đấu vừa qua chúng tôi đã phải điều động đến gần 500 người trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Phải dùng cả những phương tiện đặc chủng chống bạo loạn, chó nghiệp vụ và xe ô tô chở hàng chục chiến sĩ cảnh sát cơ động hộ tống đoàn CĐV Hải Phòng từ lúc vào Nghệ An đến lúc ra về. Tính ra chi phí bảo vệ an ninh cho một trận thi đấu bóng đá như vậy là rất tốn kém, nhưng vì nhiệm vụ của ngành nên không thể không làm. Tuy nhiên công an còn có nhiều nhiệm vụ khác nữa, nếu cứ trận đấu bóng đá nào cũng phải dồn hết sức lực và tâm trí vào đó thì những vấn đề an ninh xã hội khác sẽ như thế nào”?

“Bởi vậy chúng tôi kiến nghị VFF cần có những qui định đối với hoạt động của các Hội CĐV bóng đá. Trong đó cần gắn trách nhiệm của CLB với Hội CĐV. Nếu Hội CĐV của đội bóng nào đến sân khách quậy phá, đốt pháo sáng hoặc có những vi phạm khác thì VFF phải xử phạt ngay đội bóng có Hội CĐV đó và cấm Hội CĐV đến sân khách cổ vũ, số lượng bao nhiêu trận tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm”.

“Nhiều người bảo rằng nếu như thế thì CĐV tự tổ chức đi cỗ vũ thì sao? CLB không thể giám sát và quản lí hết được? Tôi tin chắc rằng, CĐV không thể tự bỏ tiền ra thuê xe cộ và tập hợp được hàng ngàn người tham gia cùng lúc như vậy. Mà nếu có tổ chức được thì chúng tôi cũng phát hiện và ngăn chặn không cho vào sân. Trường hợp chỉ đi lẻ tẻ vài chục người thì họ không bao giờ dám manh động”.

“Điều thứ hai là chúng tôi kiến nghị Công an Hải Phòng thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm đốt pháo. Bởi vì có vẻ như CĐV Hải Phòng vận chuyển và đốt pháo sáng một cách rất dễ dàng. Kiến nghị thứ ba là CLB bóng đá XMHP và Hội CĐV khi tổ chức cho CĐV đi cổ vũ sân khách cần phải quản lí chặt chẽ người của mình, không được để ai vi phạm các qui định của BTC. Nếu người nào vi phạm thì lần sau tuyệt đối loại trừ, nếu không CLB và Ban chủ nhiệm Hội CĐV phải chịu trách nhiệm”.

“Về phía CĐV Nghệ An, chúng tôi đã có phần mềm lập trình trên máy tính. Hệ thống camera theo dõi sẽ ghi lại hình ảnh những CĐV hay quậy phá để nhận diện. Những trận thi đấu sau đó, những phần tử hay quậy phá sẽ được khoanh vùng theo dõi và có cảnh sát mặc thường phục giám sát, nếu có hành động gì mang tính gây rối là lập tức còng tay đưa về đồn xử lí”.
 
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: Sự việc xảy ra ở Diễn Châu nằm ngoài phạm vi kiểm soát của BTC giải và BTC sân

Hôm qua, bên lề buổi họp báo giới thiệu lễ ký kết hợp đồng tài trợ giữa VFF và sơn Boss, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, người đã trực tiếp dự khán trận SLNA – XM.HP tại sân Vinh, cho biết BTC sân Vinh đã làm rất tốt, hoàn toàn chủ động với các phương án bảo đảm an toàn trong thời gian diễn ra trận đấu. Ông Hỷ nhận xét, sự cố xảy ra ở Diễn Châu hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của BTC giải cũng như BTC sân Vinh, nên dù có liên quan tới trận đấu thì cũng thuộc trách nhiệm của lực lượng an ninh. Ông Hỷ cũng bày tỏ băn khoăn về việc: “Số lượng xe ôtô mà CĐV Hải Phòng đăng ký với BTC sân Vinh là 26 xe, nhưng số xe thực tế phải tới 40 chiếc. Tôi không hiểu có cần thiết phải tập trung đông người và xe cộ như vậy để đến xem một trận đấu bóng đá hay không”.

Cũng theo ông Hỷ, do BTC sân Vinh ở trận đấu ngày 12/4 vừa qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nên không cần phải tính tới giải pháp tổ chức các trận đấu giữa SLNA và XM.HP trong tương lai trên sân trung lập để tránh nguy cơ xảy ra lộn xộn.

Có phải là đi xem đá bóng ?
Vừa đặt chân đến Nghệ An, CĐV đất Cảng đã gây rối với nhân viên trạm thu phí giao thông và xô xát với người dân xứ Nghệ. Dù có nói thế nào thì lần này Hội CĐV Hải Phòng cũng không thể đổ lỗi cho chủ nhà. Bởi vì xô xát xảy ra ở Hoàng Mai và Diễn Châu, trong khi khán giả Nghệ An đi xem bóng đá đang ngồi trong sân Vinh cách đó hơn 60km, thậm chí không ai biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài. Xô xát giữa CĐV Hải Phòng với người dân xã Diễn Hồng và Diễn Kỷ cũng xuất phát từ chính một số phần tử thích quậy phá của Hội CĐV đất Cảng. Mặc dù đã được nhắc nhở và cảnh báo trước, nhưng ngay khi chuẩn bị ra đi những phần tử này đã có ý đồ gây gỗ nên mới mang theo dao kiếm và pháo sáng. Người dân huyện Diễn Châu bức xúc: “Nếu CĐV Hải Phòng không đập phá trạm thu phí, gây cản trở giao thông, chửi bới và phá hỏng xe máy của chúng tôi thì không ai tự dưng vác gậy rượt đuổi họ làm gì cả”.

Những hành động như thế rất đáng suy ngẫm, liệu có phải đây là đi xem bóng đá hay là để tạo nên những sự vụ có màu sắc bạo lực? Nếu là vế thứ hai, sẽ là cần thiết để xem xét một biện pháp nào đó để ngăn chặn triệt để.

Mong mỏi của những CĐV chân chính

Ông Vũ Tuấn Dũng - Hội CĐV Hải Phòng cho biết: “Thực ra những vụ việc xảy ra chiều Chủ nhật vừa qua cũng như năm ngoái chỉ là do “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ vì một số cá nhân bốc đồng mà làm vạ lây đến cả đoàn CĐV. Đa số những CĐV của Hải Phòng đều có ý thức rất tốt. Lúc ra đi hầu hết mọi người đã nhắc nhở nhau phải cổ vũ văn minh, lịch sự, không đốt pháo sáng, cần xây dựng một hình ảnh đẹp về Hội CĐV Hải Phòng. Thế nhưng vì số lượng người đông quá nên chúng tôi cũng khó quản lí hết được. Trên đường về anh em cũng đã nhắc nhở nhau và những người vi phạm đã tỏ thái độ ân hận, họ suy nghĩ đơn giản là pháo sáng không nguy hiểm nên chỉ đốt cho vui, còn người mang hung khí thì bảo chỉ để phòng thân vì sợ CĐV Nghệ An trả thù năm ngoái. Nói chung là lần này một số anh em CĐV Hải Phòng vẫn còn có chút hiểu nhầm và hứa sẽ rút kinh nghiệm. Chắc chắn sau lần này anh em CĐV Hải Phòng sẽ có ý thức tốt hơn”.

Hoàng Hảo – Đại Nghĩa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm