Phim gia đình luôn có sức hút nhưng phải...'đổi món'

06/09/2019 19:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Gia đình luôn có ý nghĩa quan trọng với cuộc sống mỗi con người, là nơi để có thể trở về sau khi vấp phải sóng gió cuộc đời. Tuy phim đề tài gia đình luôn có sức hút bởi yếu tố gần gũi, thân thuộc nhưng khán giả vẫn luôn muốn được... đổi món.

Cơn sốt phim truyền hình đề tài gia đình (kỳ 3): 'Về nhà đi con' - nối dài nguồn cảm hứng

Cơn sốt phim truyền hình đề tài gia đình (kỳ 3): 'Về nhà đi con' - nối dài nguồn cảm hứng

"Về nhà đi con" nối dài nguồn cảm hứng bất tận của những nhà làm phim về đề tài gia đình. Phim được khán giả yêu thích, được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL tặng Bằng khen và trở thành ứng viên sáng giá tại các giải thưởng.

Trước Về nhà đi con, khán giả từng "mê mệt" những bộ phim truyền hình Hàn Quốc về đề tài gia đình như: Reply 1988, Gia tộc họ Wang, Bố là tất cả, Gia đình là số 1...

Phim gia đình “có sức hút trường tồn”

Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) - đạo diễn Đỗ Thanh Hải, lý giải "hiện tượng" phim gia đình Việt: "Về nhà đi con thực sự là một bộ phim thành công ở nhiều khía cạnh, và với tôi thì thành công nhất là bộ phim đã được sự yêu mến, đón nhận của rất đông khán giả. Đó là một nguồn động lực lớn cho những nhà sản xuất phim Việt.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Về nhà đi con"

Khi đưa bộ phim vào sản xuất và phát sóng trong khung 21h từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên VTV1, chúng tôi cũng đã có những nghiên cứu, tính toán để lựa chọn 1 bộ phim với chủ đề phù hợp, nhất là khi Về nhà đi con lại là bộ phim mở màn cho khung giờ mới.

Chúng tôi cũng dự đoán là phim sẽ tạo được hiệu ứng tốt khi đánh giá các yếu tố kịch bản, đạo diễn, dàn diễn viên... tuy nhiên để tạo được sức hút lớn như ngày hôm nay thì đúng là tôi vẫn có chút bất ngờ".

Bên cạnh các "bom tấn" truyền hình ở mảng đề tài xã hội "gai góc" hay hình sự như: Quỳnh búp bê, Người phán xử, Mê cung... thì các phim gia đình như: Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Gia đình là số 1, Gạo nếp gạo tẻ, Về nhà đi con... vẫn lôi cuốn khán giả. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải thừa nhận: "Phim gia đình vẫn luôn là dòng phim thu hút khán giả vì bản thân chủ đề đã rất gần gũi và phù hợp với nhiều đối tượng người xem".

Chú thích ảnh

Đồng tình với quan điểm này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định: "Đề tài gia đình không bao giờ cũ. Nếu coi gia đình là tế bào xã hội thì phim gia đình chính là những mô tả gần gũi nhất về đời sống xã hội đương đại.

Phim gia đình dễ được tiếp nhận vì nó đặt ra những tình huống cụ thể không "lên gân", khiến đôi khi khán giả còn có thể tìm thấy một chỉ dẫn nào đó giúp họ vượt qua khó khăn của chính mình. Do đó, có thể nói rằng phim gia đình luôn có sức thu hút trường tồn".

Chú thích ảnh
Diễn viên trong “Hoa hồng trên ngực trái” - một phim mới của VFC được xem là tìm tòi của các nhà sản xuất sau thành công của “Về nhà đi con”

Phải... “đổi món”

Nói thế không có nghĩa rằng bất cứ phim nào chủ đề này cũng hot, như chia sẻ của NSƯT Đỗ Thanh Hải: "Thị hiếu của khán giả thì luôn thay đổi, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Không phải cứ phim gia đình là sẽ thành công vì một món ăn dù ngon nhưng nếu ăn nhiều quá thì chắc cũng khó hấp thu được".

"Phim gia đình sẽ vẫn còn sức hút, nhưng điều quan trọng là chất lượng các bộ phim đó như thế nào, có ra mắt đúng thời điểm không, đó mới là yếu tố quyết định. Để chinh phục khán giả ngày nay thì đầu tiên vẫn phải nói đến chất lượng bao gồm kịch bản, dàn diễn viên, hình ảnh, công nghệ sản xuất... và thứ nữa là thời điểm" - anh nói tiếp.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì cho rằng: "Hiện nay, có nhiều phim gia đình của ta đi vào sáo mòn và dù có la hét lên gân đến mấy thì vẫn không thu hút được khán giả. Mặt khác, trong quy hoạch đề tài nếu cứ đi mãi theo một loại phim như phim gia đình thì dù hay đến mấy khán giả cũng sẽ chán giống như người ăn tiệc triền miên không được đổi món.

Làm phim gia đình có thuận lợi là toàn những câu chuyện ta đã thấy đâu đó nhưng cũng chính sự quen thuộc ấy sẽ giết chết tính hấp dẫn của phim. Để tránh được "hiểm họa" này phải dựa vào sự hiểu biết, từng trải của các nhà biên kịch và sự nhạy cảm của đạo diễn".

Bà Trịnh Thanh Nhã cho biết thêm: "Thường thì các nhà sản xuất thấy dòng phim nào ăn khách thì sẽ miệt mài đuổi theo nó. Nhưng việc "đổi món" sẽ khiến các hương vị của các món ăn khác nhau tôn nhau lên. Cứ cho là các đạo diễn, biên kịch đã có đủ tài để chuyên tâm cho dòng phim này, nhưng đất nước còn quá nhiều vấn đề cần làm, cần đối phó trên con đường phát triển. Nếu các nhà làm phim không đủ sức cập nhật tình hình xã hội, hay đất nước thì họ sẽ bị lãng quên".

Chính các diễn viên cũng mong muốn bản thân mình được thử thách ở những vai diễn, vai trò khác nhau trong các bộ phim để có cơ hội làm mới mình và sáng tạo. NSND Lan Hương thành công với vai bà mẹ chồng khó tính trong Sống chung với mẹ chồng cho hay: "Diễn viên và ê-kíp sản xuất giống như những đầu bếp chế biến món ăn, chúng tôi sáng tạo, đưa vào đó những cảm xúc, mong muốn của mình. Chúng tôi luôn mong muốn sẽ gửi tới khán giả những vai diễn, nét diễn mới mẻ, bộ phim được đón nhận ra sao thì còn phụ thuộc vào khán giả".

“Làm phim gia đình phải cập nhật hiện thực xã hội”

“Phim gia đình sẽ còn hấp dẫn khán giả chừng nào gia đình còn là một yếu tố làm nên thiết chế xã hội. Chỉ có điều, những người làm phim nhất thiết phải cập nhật hiện thực xã hội (trong đó có hiện thực gia đình) đang biến động không ngừng thì dòng phim này mới phát triển và ngày càng sâu sắc hơn" - Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết.

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm