Đề án 150 tỷ đồng cho phim hoạt hình lịch sử

06/08/2008 09:29 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dự kiến trong tuần này, Hãng phim Hoạt hình VN sẽ trình Bộ VH,TT&DL đề cương Đề án “Giáo dục truyền thống, lịch sử yêu nước và cách mạng qua phim hoạt hình”. Được biết, đây sẽ là đề án cấp quốc gia, có thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020 và kinh phí đầu tư lên đến hơn 150 tỷ.

Về việc làm phim hoạt hình đề tài lịch sử (từ thời Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh), 3 năm qua Xưởng phim hoạt hình thuộc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN đã triển khai thực hiện dự án 100 tập phim, hoàn thành khoảng 40 tập và một nửa số này đã được phát sóng. Vậy, Đề án mà Hãng phim Hoạt hình VN trình tới đây có gì khác so với kế hoạch mà VTV đang thực hiện?

“Đột phá” với 70 phim dài!

VTV thực hiện 100 tập phim hoạt hình vi tính với phương châm tạo một cách “kể mới” cho những câu chuyện cũ. Theo đó, các nhà làm phim đã đưa những nhân vật hiện đại bước vào quá khứ đầy tính huyền sử của dân tộc. Mỗi chuyện kéo dài khoảng 4-6 tập. Còn Đề án của Hãng phim Hoạt hình thì đột phá với thể loại phim dài, 30-40 phút/ phim với hình thức thể hiện đa dạng, bao gồm các thể loại: cắt giấy, búp bê, vi tính, 3D, thậm chí “pha trộn” giữa 2D và 3D.
 
Phim hoạt hình về Âu Cơ - Lạc Long Quân do VTV sản xuất

Kế hoạch đặt ra là thực hiện khoảng 70 phim, tập trung vào 3 nhóm đề tài chính, xuyên suốt tiến trình lịch sử dựng nước và phát triển đất nước cho đến nay: các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích; các sự kiện lịch sử quan trọng, các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc; các anh hùng dân tộc, các nhân vật lịch sử, các nhà văn hóa, khoa học có công lớn đóng góp cho sự phát triển đất nước, tôn vinh vị thế VN trên trường quốc tế.

Dự kiến, từ năm 2008-2009 là giai đoạn xây dựng, hoàn thiện Đề án; đào tạo bổ sung đội ngũ các nhà làm phim, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức sản xuất những phim nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Từ năm 2010-2020 sẽ tổ chức sản xuất những phim thuộc 3 mảng đề tài nói trên; phổ biến, phát hành phim trên mạng lưới chiếu phim toàn quốc; tổ chức phát sóng trên đài truyền hình Trung ương và các đài truyền hình địa phương; tổ chức phát hành phim bằng đĩa hình trên mạng lưới video gia đình, các nhà văn hóa thiếu nhi trên cả nước, kiều bào, các tổ chức xã hội của VN ở nước ngoài.

Trường quay chuyên biệt cho thể loại hoạt hình

Hiện tại, số đạo diễn và họa sĩ hoạt động tại chỗ của đơn vị xây dựng đề án chỉ khoảng hơn 10 người. Trong số này, có một số gương mặt ít nhiều đã khẳng định được khả năng tại các giải của LHP VN và Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh, như: Trần Trọng Bình, Khánh Duyên, Phùng Văn Hà.v.v.

Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi liệu những đạo diễn này có sự “đột phá” về sáng tác khi triển khai đề án cấp quốc gia tới đây, ông Đặng Vũ Thảo, Giám đốc Hãng phim hoạt hình tỏ ra khá dè dặt.

Ông Thảo tâm sự: “Nói thẳng nhé, để có phim hay, vấn đề kinh phí giữ vai trò quan trọng nhưng vai trò quyết định lại là tài năng. Mà tài năng thì không phải cứ làm nhiều phim, cứ làm nghề lâu năm là có, chưa kể đến việc do kinh phí làm phim eo hẹp, các nhà làm phim đã phải “ăn bớt động tác” và việc “ăn bớt” này đã thành “thói quen”, thành bản năng sáng tác của một số người… cho dù chính họ đều ý thức làm như vậy phim chẳng thể hay được”.

Kinh phí thực hiện được phía xây dựng Đề án đề xuất là 150 tỷ, trong đó 130 tỷ đầu tư cho sản xuất phim; 15 tỷ dùng nâng cấp trang thiết bị sản xuất và 15 tỷ hỗ trợ phát hành phim đến khán giả.

Cũng theo ông Thảo, để có đủ lực lượng thực hiện Đề án, bên cạnh việc đào tạo bổ sung đội ngũ những người làm phim hoạt hình của hãng; có kế hoạch đưa người ra nước ngoài đào tạo, nâng cao về làm phim theo công nghệ hiện đại, còn phải huy động tổng lực đội ngũ làm phim hoạt hình trong cả nước tham gia dự án này, không phân biệt đơn vị sản xuất là nhà nước hay tư nhân; người làm phim thuộc biên chế hãng phim A, B hay là đạo diễn độc lập.v.v. người làm phim chỉ cần đăng ký đề tài theo 3 nội dung của đề án, trình ra kịch bản tốt và giải pháp thực hiện hiệu quả sẽ có cơ hội nhận phim để tạo bước đột phá về chất lượng cho phim hoạt hình.

Chuẩn bị cho kết hoạch sản xuất với quy mô lớn hơn (gấp 3 lần sản lượng làm phim cũ: khoảng 300 phút phim/năm), hãng phim hoạt hình đang xúc tiến triển khai xây dựng trường quay nằm trong quy hoạch tổng thể toà nhà trụ sở hãng đang xây dựng tại Hà Nội. Đây là trường quay chuyên biệt cho thể loại hoạt hình, với thiết bị kỹ thuật hiện đại, cho phép các nhà làm phim gắn chíp điện tử nên các nhân vật để điều khiển hoạt động của chúng một cách nhịp nhàng và ăn khớp ở thể loại phim 3D.

Có “dẫm chân vào nhau”?

Quay trở lại với dự án 100 tập phim lịch sử mà VTV đang thực hiện, chúng tôi đặt câu hỏi với ông Đặng Vũ Thảo về sự “dẫm chân vào nhau”, vì nếu không có sự đột biến về chất lượng, không được người xem đón nhấn thì sự “dẫm chân vào nhau” không chỉ gây lãng phí tiền bạc của nhà nước mà hiệu quả “giáo dục qua phim hoạt hình" cũng sẽ không có gì.

Ông Thảo khẳng định: “Ở Trung Quốc, một nhân vật lịch sử, người ta có hàng chục phim khai thác các góc độ khác nhau. Ở ta hiện nay, lỗ hổng về kiến thức lịch sử trong giới trẻ là rất lớn, bằng chứng là chất lượng các bài thi lịch sử ở các cấp học rất kém. Mặt khác, trên thị trường (cả truyền hình, điện ảnh, văn học, băng đĩa ca nhạc…) đều thiếu vắng những sản phẩm thuần Việt dành cho thiếu nhi). Vì thế, không nên ngại sự "dẫm chân vào nhau” mà mỗi nhà làm phim (mỗi dự án) với cách tiếp cận khác nhau, khả năng tư duy khác nhau, trình độ làm phim khác nhau sẽ đem đến cho người xem những cái nhìn đa diện qua đó làm nổi rõ hơn về một sự kiện, một nhân vật lịch sử”.

Trên đây là ý kiến của người trong cuộc. Trên thực tế, chúng tôi thấy dự án phim 100 tập của VTV đã đi được gần 1/3 chặng đường… nhưng xem ra vẫn chưa tạo được nhiều dư âm từ phía khán giả. Thiết nghĩ, trong lúc đội ngũ làm phim hoạt hình ở ta đang rất thiếu và yếu thì việc cùng nhau làm một dự án cho “ra trò” sẽ tốt hơn việc làm nhiều dự án … mà hiệu quả lại rơi vào im lặng?

Dương Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm