Lại tranh chấp gia sản của “Tỷ phú hà tiện”

01/04/2009 10:53 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Nina Wang, còn được đặt cho biệt danh là “Tỷ phú hà tiện” vì tuy giàu có song sống rất tằn tiện, qua đời vào năm 2007, nhưng cuộc tranh chấp liên quan tới khối tài sản trị giá nhiều tỷ USD của bà vẫn chưa kết thúc. Hôm 31/3, gia đình bà Vương đã đâm đơn kiện một ông thầy phong thủy, nhân vật tự nhận là người tình của nữ tỷ phú đặc biệt này. Theo họ, người đàn ông nói trên đã giả mạo chữ ký bà Vương với âm mưu chiếm đoạt toàn bộ gia sản bà để lại.

Giả mạo chữ ký?

Cuộc tranh chấp nổ ra ngay sau khi bà Vương qua đời, cùng với việc thầy phong thủy Trần Chấn Thông tuyên bố bản thân đã trở thành người thừa kế duy nhất của bà. Ông này cho in một đoạn thông báo ngắn gọn trên báo chí bày tỏ niềm vinh dự khi được hưởng trọn gia sản ước tính lên tới 4 tỷ USD và hứa sẽ sử dụng số tiền phù hợp với giá trị cũng như nguyên tắc sống của bà Vương.

Trần đưa ra bằng chứng là bản di chúc cuối cùng của bà Vương, được soạn thảo năm 2006. Lẽ dĩ nhiên gia đình bà Vương không đời nào chấp nhận tuyên bố của ông Trần. Họ coi bản di chúc năm 2002 mới là hợp pháp, theo đó bà Vương sẽ để lại toàn bộ tài sản cho quỹ tín thác thiện nguyện Chinachem Charitable Foundation (CCF).

Trong suốt cuộc chiến pháp lý kéo dài hai năm qua, gia đình bà Vương đã đưa ra nhiều cáo buộc cho rằng ông Trần lừa bịp bà để chiếm tài sản. “Trần đã lừa Vương khi hứa hẹn rằng sẽ thực hiện một số phép phong thủy, trong đó có việc để tên ông ta vào di chúc của bà, và đảm bảo bà ấy sẽ sống mãi hoặc ít nhất là sẽ sống rất lâu nữa”, luật sư Geoffrey Vos của gia đình họ Vương từng tuyên bố trước tòa hồi năm 2008.
Thầy phong thủy Trần Chấn Thông, nhân vật đang tranh gia sản của bà Vương
 
Cáo buộc mà gia đình bà Vương đưa ra hôm 31/3 đã thay đổi “tội danh” của ông Trần, từ chỗ “lừa tình” sang “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tờ South China Morning Post dẫn lời luật sư đai diện cho gia đình bà Vương nói rằng chữ ký trên bản di chúc năm 2006 không phải của bà. Họ đã nhờ tới một chuyên gia nhận dạng chữ viết người Anh để phân tích 80 mẫu chữ ký của bà Vương trong khoảng thời gian 2003 - 2007 để có được kết luận trên.

Ông Keith Ho, luật sư của CCF, cho biết sở dĩ tới tận bây giờ cáo buộc làm giả chữ ký mới được đưa ra bởi người ta phải mất nhiều thời gian để thu thập chứng cứ. “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mình có đủ bằng chứng cho thấy bản di chúc đó (2006) là một tài liệu giả mạo” - ông nói.

Một gia sản, hai lần tranh chấp

Bà Vương từng là một trong những phụ nữ giàu nhất châu Á, nhờ gia sản khổng lồ của người chồng Vương Đức Huy để lại. Ông Vương xây dựng tập đoàn Chinachem, chủ yếu kinh doanh bất động sản, nhưng sự giàu có mang lại rắc rối cho ông. Ông Vương bị bắt cóc năm 1983 và được trả tự do sau khi gia đình bỏ ra 33 triệu USD tiền chuộc. Khi ông bị bắt cóc lần thứ hai vào năm 1990, bọn bắt cóc yêu cầu gia đình trả 60 triệu USD. Mặc dù bà Vương đã trả 34 triệu USD nhưng người chồng không bao giờ trở về nữa. Một số kẻ bắt cóc Vương Đức Huy sau này sa lưới pháp luật khai rằng chúng đã ném ông xuống biển.
 
Tỷ phú hà tiện Vương Như Tâm

Ông Vương được coi là đã chết khoảng 9 năm sau khi mất tích. Tiếp quản Chinachem, bà Vương đẩy mạnh hoạt động và biến nó thành một tập đoàn bất động sản lớn. Tuy nhiên bà lại rơi vào cuộc chiến pháp lý để giành quyền thừa kế với cha chồng. Ông này cáo buộc bà Vương ngoại tình và công bố những bức ảnh chụp bà cùng người tình.

Tỷ phú hà tiện
Khi còn sống, bà Vương thường gây chú ý bởi phong cách ăn mặc của mình. Bà thích những bộ quần áo sặc sỡ, váy ngắn và bím tóc vểnh hai bên, trông nghịch ngợm không giống những người giàu khác ở châu Á.
 
Mặc dù nắm trong tay hàng tỷ USD, Vương chưa bao giờ tận hưởng sự xa hoa do tiền bạc mang lại. Bà thích những nhãn hiệu rẻ tiền và đồ ăn nhanh hơn là quần áo hàng hiệu và các nhà hàng 5 sao. Cả bà Vương và chồng đều tiết kiệm đến mức họ thường mua vé giá rẻ khi đi xem các chương trình biểu diễn. Khi đi mua sắm, bà Vương thường chọn các món hàng giảm giá. Quần áo và túi xách của bà thường do bạn bè tặng. Lối sống tằn tiện này khiến cho chi phí hàng tháng của bà chỉ chưa đầy 400 USD.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài của gia đình này xuất hiện trên trang nhất của báo chí Hong Kong trong một thời gian dài bởi nó chứa nhiều tình tiết ly kỳ như bắt cóc, giết người, tình dục và tiền bạc. Năm 2005, Vương chiến thắng khi Tòa án tối cao Hong Kong bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới, mà theo đó bà từng bị cho là đã làm giả di chúc của chồng. Tòa khẳng định văn bản đó được coi là di chúc cuối cùng của ông Vương và người vợ được quyền kiểm soát Chinachem

Nhằm tránh những rắc rối mà khối tài sản khổng lồ có thể mang lại, bà Vương đã không sinh con và cam kết đóng góp toàn bộ số tiền có được để làm từ thiện. Người em trai của bà Vương kể rằng từ năm 2002, tỷ phú này đã bày tỏ ý định dùng tiền để phục vụ cho mục đích từ thiện. Ông tin rằng chị mình có quyết định đó là do những đau đớn mà bà phải trải qua khi chồng bị bọn bắt cóc giết hại. Chính vì thế, em trai bà Vương đã tỏ ra ngạc nhiên trước những tuyên bố của Trần và cảnh cáo rằng ông này sẽ không sờ được tới một xu trong đống gia sản của chị mình.

Cuộc chiến dai dẳng

Mới đây, em trai bà Vương đã nói với tờ Eastweek rằng ngoài CCF thì sẽ không có ai được hưởng một đồng nào từ tài sản của tỷ phú này. Ông cho biết bản thân mình không cần tiền của chị vì nếu muốn thì đã có thể kiếm được từ khi bà còn sống. Ông xác nhận rằng tình trạng tài chính của CCF hiện đang rất tốt và đủ sức để thắng kiện Trần theo hướng cáo buộc mới.
 
Phía gia đình bà Vương cho biết họ đang nắm trong tay khoảng 20 nhân chứng có thể ủng hộ cáo buộc rằng bản di chúc đã bị làm giả. Các nhân chứng sẽ đưa ra lời cung khai trong phiên xử dự kiến được tổ chức vào ngày 14/4 tới. Tuy nhiên Trần cũng không phải tay vừa. Các luật sư của Trần thông báo họ cũng sẽ thuê chuyên gia nhận dạng chữ viết Audrey Giles để đánh giá bản di chúc và chống lại đòn tấn công của nhà bà Vương.

Hiện một số ý tưởng về việc chia gia sản của bà Vương cũng đã được bàn tới. Theo một đề xuất mà báo chí biết được, mẹ Vương và ba người em của bà sẽ được hưởng mỗi người 100 triệu USD. Toàn bộ số tiền còn lại sẽ được chia ra 65% cho quỹ từ thiện và 35% cho Trần. Việc chia chác như thế này được một luật sư đề xuất vào năm 2007, ngay sau cái chết của bà Vương, nhưng khi đó ý tưởng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía ông Trần.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm