Chuyện Vũ Công Lập: Hans-Joachim Watzke, bậc thầy của những cuộc tái sinh

07/05/2013 19:09 GMT+7 | Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Từ những cuộc tái sinh tức thời, như 2 phút cuối trận gặp Malaga. Tới những cuộc tái sinh bền bỉ, như câu chuyện gần 10 năm ở Borussia Dortmund. Đâu cũng thấy bàn tay, khối óc và trái tim Giám đốc Hans-Joachim Watzke.

Nếu bạn ngắm tấm ảnh Hans-Joachim Watzke, bạn sẽ không tin khi biết rằng ông mới chỉ 54 tuổi. Nhất là khi so với hình ảnh Uli Hoeness 61 tuổi. Watzke già quá. Quá già so với lứa tuổi của mình, với vầng trán đầy nếp nhăn, khuôn mặt gầy gò, còn má thì hóp lại. Ông như gầy thêm trong những ngày vừa qua, do trận đấu với Real Madrid quá căng thẳng, và do mối lo về chuyện ra đi của nhiều cầu thủ chủ chốt. Nhưng khi đọc kỹ những câu chuyện về Watzke, bạn sẽ bớt lo hơn, vì biết rằng ông là chuyên gia trong việc vượt qua những thời điểm khủng hoảng như vậy.

Nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos (giữa), Hans-Joachim Watzke (phải) và Chủ tịch Real Madrid Florentino Pérez (trái)

Trận lượt về trên sân Becnabeu, Watzke ngồi cạnh Juan Carlos, Vua của nước Tây Ban Nha. Vua Carlos 75 tuổi, đã trải qua ca phẫu thuật khớp háng cách đây 3 tháng, lại vừa có một ca can thiệp toát vị đĩa đệm. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Vua Carlos đã trải qua 7 ca mổ. Nhưng vua Carlos vẫn là người phải chăm sóc sức khỏe cho Watze. Suốt trận đấu, thấy rõ sự bất an của Watzke, Vua Carlos cứ luôn phải vuốt nhẹ trên tay ông để an ủi, để trấn tĩnh. Nhà Vua bảo ông Giám đốc CLB: "Không việc gì đâu, đội bóng của ông có những cầu thủ rất giỏi”. Vẫn không ăn thua, trong 20 phút cuối cùng thì trái tim Watzke đã không chịu đựng nổi: Ông trốn vào nhà vệ sinh, khóa trái cửa, bịt chặt tai, chăm chăm nhìn vào kim đồng hồ. Ông chỉ mở cửa ra khi trận đấu kết thúc, ào ạt tham gia ăn mừng thắng lợi của người Đức.

Vào lúc 22:37, trọng tài thổi còn mãn cuộc. Dortmund lọt vào trận chung kết. Vào lúc 23:22 Watke tuyên bố: “Lần đầu tiên tôi đã phải đầu hàng. Cuối cùng thì tôi không đủ sức nhìn vào sân cỏ. Đây là lần đầu tiên một sự kiện như vậy xẩy đến với tôi. Tôi đã hết sức cố gắng để quay lại sân, nhưng không thể. Vào lúc ấy, mọi ý nghĩ đều có thể xẩy ra trong đầu“. Những ý nghĩ gì, chúng ta có thể tự đoán ra, vì Dortmund có thể bị loại, và cũng có thể đến Wembley. Đã bao năm nay rồi, Watzke trải qua những tình huống tương tự, những phút giây từ cõi chết trở về cõi sống, những thời điểm làm người ta già yếu.

Sau cái chết là sự sống

Đó là bài học Watzke đã hiểu rõ từ khi ông mới 26 tuổi. Nghĩa là từ 27 năm trước đây. Và cũng là bài học mà bóng đá đã dậy cho ông.

Khi ấy, Watzke là một khán giả, và tất nhiên ông đứng (chứ không ngồi), trên khán đài phía Nam nổi tiếng của sân Dortmund. Trận lượt về vòng play-off giữa Dortmund và Fortuna Cologne. Phút 14, Forrtuna ghi bàn thắng, dẫn 1-0. Tổng hợp với kết quả lượt đi, Dortmund phải ghi 3 bàn thắng để tránh xuống hạng. Giờ nghỉ giữa 2 hiệp, không khí chết chóc, vô hy vọng bao phủ khắp khán đài. Với tình huống cụ thể trên sân, ai cũng nghĩ, Dortmund đã chết.

Nhưng đấy là lúc Watzke học được bài học cơ bản nhất của cuộc sống: Đằng sau cái chết bao giờ cũng là sự sống. Dortmund vùng lên. Bàn thắng 1-1. Dortmund dẫn 2-1. Nhưng rồi mãi bàn thắng giải thoát vẫn không đến. Rồi phút thứ 92. Đợt tấn công cuối cùng của Dortmund. Chỉ còn 28 giây. Quả lật cánh của Storck. Wegmann đột nhập vào trung lộ. Một cú vấp. Nhưng rồi bóng vào lưới. 3-1. Wegmann trở thành người anh hùng, ngay cả khi sau này anh phải sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội.

Ngày ấy Watzke không quên: 19/05/1986. Đó là một ngày thuộc loại "chỉ một ngày thôi mà dài hơn thế kỷ". Đó là một trận đấu chỉ kéo dài 92 phút, nhưng vẫn tiếp diễn trong đầu của hàng vạn khán giả cả chục năm sau. Riêng với Watzke, đó không phải chỉ là ý chí tái sinh, mà còn cả cái lãng mạn trữ tình đến tuyệt vời của bóng đá. Đấy không phải chỉ là tỷ số như một kết quả của trận đấu, mà quả thật như một huyền thoại. Huyền thoại về sự sống còn.

Người ta nói lịch sử không nhắc lại. Nhưng với Dortmund thì hình như không phải như thế. Đến năm 2013, lại vẫn vào phút thứ 92. Lại vẫn từ một đường lật cánh. Lại vẫn cứ lộn xộn trong khu trung lộ. Và lại là một cuộc tái sinh: Dortmund lật ngược thế cờ, thắng Malaga 3-2. Thì đấy, vẫn là ý chí, vẫn là huyền thoại. Cái huyền thoạt bất tử về sự sống còn. Chỉ có một điều khác biệt: Watzke hôm nay đã là Giám đốc CLB. Ông ngồi ở một chỗ danh dự trên khán đài.

Nhưng khi sang sân Madrid thì Watze kiệt sức mất rồi. Vẫn là cái sống còn sau 2 bàn thắng của Real vào lúc cuối trận. Và 7 phút nghiệt ngã mà Dortmund có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng rồi cuối cùng họ vẫn sống sót. Huyền thoại vẫn tiếp diễn. Watzke vẫn trở lại, dù đã xám xanh vì trái tim không còn đủ sức cấp máu cho cả cơ thể sau một trận cầu sinh tử. Người ta viết tiếp những huyền thoại về sự sống còn, về cuộc tái sinh.

Nhưng, sẽ không công bằng, nếu chỉ nhìn thấy những phút giây, mà không hiểu thấu cả quá trình.

Sự tái sinh của Borussia Dortmund

Sau những thắng lợi từ những năm 90 thế kỷ trước, Dortmund còn đoạt chức vô địch quốc gia một lần nữa vào năm 2002. Watzke nhớ lại: “Thắng lợi, nhưng không thể vui nổi“. Vì cái nỗi lo phá sản đang ở rất gần. Hệ thống mà Dortmund xây dựng ngày ấy, dựa trên sự đua tranh tiền bạc và dựa vào những ngôi sao đắt giá, đã thực sự bước vào thời điểm cáo chung.

Ngày 15/02/2005, Watzke nhận chức Giám đốc điều hành ở Dortmund. Hai ngày sau ông công bố: CLB này nợ 122 triệu Euro. Bây giờ nhớ lại, vẫn còn thấy lạnh sống lưng: Dortmund đã rất may mắn, vì nếu còn có một CLB nào khác ở trong hoàn cảnh tương tự, thì sẽ không thể sống sót. Watzke luôn có duyên trong những cuộc tái sinh.

Ông Giám đốc mới nhận chức đến gặp Chủ tịch ngân hàng thương mại Dortmund Blessing: “Dortmund đang nằm trong khoa cấp cứu hồi sức...". Blessing thẳng thắn: “Không, Dortmund thực sự đang nằm ở cửa nhà xác". Watzke đến gặp Thủ hiến Bang Nordrhein-Wesfalen. Peer Steinbrueck cũng nói rằng, ông không còn có thể làm gì nữa.

Thế mà Dortmund vẫn sống. Đầy đau đớn. Watzke bán niềm tự hào của CLB: Ngực áo cầu thủ khi ra sân. Người mua là Evonik. Dortmund bán trái tim của CLB: Tên SVĐ. Từ Wesfalen chuyển thành Signal Iduna, tên của Hãng bảo hiểm. Dortmund đi thi đấu xa nhà chỉ bằng ô tô, ngủ ở những khách sạn 3 sao, những khách sạn dành cho khách lữ hành mệt mỏi và luôn nằm gần nhà ga. Cuộc họp trong thời khủng hoảng cũng thật là khốn khó. Ăn gì đây? Nghĩ mãi rồi mới quyết: Súp đậu và xúc xích luộc. Chỉ luộc thôi, chứ không rán, mỗi cái giá chỉ 0,50 Euro, mà cứ phải tính mãi, nghĩ mãi. Mà đấy là cuộc họp lớn. Chứ họp thường thường, thì phải cắt luôn cả món xúc xích luộc. Cái giá phải trả cho những năm điên rồ về tiền bạc.

Chịu khổ chỉ là cách để sống còn. Muốn đi lên thì phải tạo ra sức sống. Từ một triết lý mới, đầy khí phách và bản sắc. Dấu ấn của một cuộc cách mạng. Nằm trong cuộc cách mạng chung của bóng đá Đức. Chúng ta nhớ năm 2000 là năm cáo chung của  một thời bóng đá Đức. Có 2 hình ảnh nổi bật vào năm đó. Đức thua Bồ Đào Nha 0-3, mặc dù đối thủ chỉ sử dụng đội hình 2. Trong đội hình Đức, có Lothar Matthaeus vẫn ra sân dù đã 39 tuổi. Và đội Đức vẫn chơi lối bóng đá cổ hủ, với Matthaeus làm libero (người ta đã chơi 4-4-2), và với lối đá sợ thua hơn là quyết thắng. Con đường mới đã định: Trẻ trung và khát vọng, mới mẻ và hấp dẫn. Dortmund bắt đầu hơi muộn, nhưng lại quyết liệt và hiệu quả hơn các CLB khác.

Dortmund dựa vào lớp cầu thủ dưới 23 tuổi, những cầu thủ giá rẻ trên thị trường. Họ từ lò đào tạo của chính CLB. Họ đang ngồi ghế dự bị ở những đội khác, dù có tài năng. Họ đang chơi cho những CLB hạng hai. Nếu cần, kể cả CLB hạng hai từ Nhật bản, ngay từ khi bóng đá châu Âu chưa để ý đến mảnh đất này. Juergen Klopp luôn trìu mến nói về họ: Nào, các chàng trai. Họ cháy lên, và họ chạy cực khỏe, vì họ muốn chạy và đủ sức để chạy, hơn nữa, biết mình muốn tồn tại thì cần phải chạy. Dortmund sau 4 năm dưới tay Watzke trở thành đội bóng giầu khát vọng, đầy tính cách, nhiều khả năng, mạnh thể lực và gần như không thể bị đánh bại. Ông Holzhaeuser ở Leverkusen đã phải thốt lên: “Dortmund chơi cái thứ bóng đá đẹp một cách điên dại". Watzke đã chứng minh được điều mà ông muốn chứng tỏ: 11 người bạn có thể mang lại nhiều kết quả tốt hơn 11 ngôi sao. Đấy là chưa kể người thứ 12 ngồi trên khán đài. Cái khán đài mà từ đó chính Watzke đã hiểu ra thế nào là bóng đá. Tiền là quan trọng, nhưng niềm vui chơi bóng cũng quan trọng không kém.

Lại là chuyện sống còn

Người ta nhớ đến một bức ảnh chụp Dortmund ăn mừng ngôi vô địch mùa bóng 2011-2012. Trên bức ảnh có 4 người, giờ thì 3 đã ra đi: Kagawa, Barrios, Goetze, người duy nhất ở lại là Schmelze. Lại nghe nói Lewandowski sẽ ra đi, rồi Guendogan, Hummels... đang bị đặt vào tầm ngắm của các CLB lớn. Thị trường đang phát huy cái sức mạnh khắc nghiệt hiển nhiên của nó. Cho dù Nuri Sahin đã quay về, và Shinji Kagawa cũng chưa thật hạnh phúc trên đất Anh. Watzke lại cảm thấy trái tim mình nhức nhối. Bài toán Dortmund mùa bóng 2013-2014 lại là bài toán sống còn.

Hy vọng rằng, chúng ta sẽ dần dần nhìn thấy  lời giải. Nhưng có một điều chắc chắn, cho dù những tuyên bố gần đây của Watzke chứng tỏ rằng ông rất đang bức xúc, nhất là với Bayern, nhưng nhà lãnh đạo này luôn luôn có một kế hoạch, gọi là "kế hoạch trong tình hình xấu nhất". Hơn nữa, dù là một thương gia thành đạt, nhưng Watzke thực sự chơi bóng đá suốt 20 năm, ở đội nghiệp dư thôi, nhưng trong vị trí ai cũng tôn trọng: "Số 10".

Bây giờ ông vẫn còn vui đùa: "Có lẽ tôi thuộc diện cầu thủ mà Juergen Klopp không bao giờ nhận vào Dortmund".

Vâng, chúng ta vừa nói đến huấn luyện viên Juergen Klopp. Vì sao Watzke thành công trong cuộc tái sinh khó nhọc nhất của đời mình? Vì ông đã thuyết phục được một huấn luyện viên phù hợp nhất với triết lý của mình. Khi đón khách đến thăm, Watzke thường tự hào chỉ vào chiếc bàn làm việc: “Chính trên chiếc bàn này, tôi đã ký hợp đồng với Klopp". Bộ ba Hans-Joachim Watzke - Juergen Klopp - Michael Zorc (Giám đốc kỹ thuật) cùng có hợp đồng với Dortmund đến năm 2016.

Đủ thời gian để chờ đợi, hành động và chứng minh. Nhưng bây giờ thì hãy dành tâm trí mà thưởng thức trận chung kết trên sân Wembley.

Vũ Công Lập

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm