Bài 1: Huế không chỉ 10 ngày

12/06/2010 08:37 GMT+7 | Văn hoá

VÀI GÓC NHÌN HUẾ FESTIVAL

Diễn ra từ ngày 5 đến hết ngày 13/6, Huế Festival 2010 thu hút sự quan tâm của giới văn hóa và công chúng yêu nghệ thuật cả nước. Ngoài một sự kiện văn hóa lớn, huế Festival còn đang được "khắp nơi nhìn vào" như là một lễ hội đương đại được tổ chức thành công nhất trong "cơn sốt" lễ hội khắp cả nước mấy năm nay.


Cũng từ góc nhìn như vậy, chuyên đề số này xin giới thiệu những ghi nhận khác nhau về sự kiện này: Một người con của Huế, đã cùng Huế đi qua 6 mùa Festival (2000-2010), nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế/một người làm du lịch chuyên nghiệp của một công ty du lịch lữ hành lớn nhất Việt Nam, đã và đang tổ chức nhiều tour du lịch văn hóa huế/ và một nhà báo theo sát Huế Festival từ đêm khai mạc...

Tổ chức chuyên đề: Vân Hạc
(TT&VH Cuối tuần) - Đến hẹn lại lên! Những ngày qua thành phố Huế tưng bừng rộn rã sắc màu âm thanh lễ hội. Festival Huế 2010 đến trong lung linh hoa phượng đỏ, giữa ngan ngát hương sen và những cơn mưa giông bất chợt. Cơn mưa diễn ra cùng lúc lễ khai mạc Festival Huế 2010 làm tôi và có lẽ không ít người cùng có chung ý nghĩ: Mưa đúng là đặc sản Huế! Cứ lựa đúng những thời điểm quan trọng mưa xuất hiện. Đối với ban tổ chức festival thì mưa là nỗi lo lắng, ái ngại vì sẽ gặp khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện, điều phối các chương trình nghệ thuật tại các sân khấu lộ thiên. Nhưng từ góc nhìn khác thì tôi lại viết cho người thân những dòng sau: “Có phải những hạt mưa cài trên mái tóc em trong đêm khai mạc Festival Huế 2010 đã cho em một hiện tại tuyệt vời để mai sau thành một quá khứ dễ thương, trữ tình về em và mưa Huế?”.


Đêm Phương Đông tại Festival Huế
Vậy là đã 10 năm từ Festival Huế 2000, Festival Huế 2010 trong chủ đề “Di sản văn hóa hội nhập và phát triển” gắn với “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, “375 năm Chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Huế để xây dựng thủ phủ xứ Đàng Trong” và “50 năm mối tình kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn” đã tạo cho lễ hội lần này có thêm nhiều hoạt động mới, lạ, hấp dẫn, cuốn hút sự chú ý của công chúng trong ngoài tỉnh và bạn bè quốc tế.

Việc tổ chức các chương trình tiền festival từ những ngày đầu năm 2010 đã làm cho thành phố Huế trở nên sinh động hẳn lên trước khi vào lễ khai hội chính thức. Ngày 9/1/2010 Huế đã làm lễ khánh thành khu tưởng niệm anh hùng dân tộc hoàng đế Quang Trung và tái hiện lễ đăng quang. Công trình tượng đài hoàng đế Quang Trung cao 21 mét được phối trí trong một không gian hoành tráng, uy nghi gần 10ha và được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nhân kỷ niệm ngày mất của người con gái đất Thăng Long, lễ hội đền Huyền Trân được diễn ra trong ngày 22/2/2010 (mùng 9 tháng Giêng âm lịch). Rồi chương trình tái hiện lễ tế đàn Xã Tắc của triều Nguyễn vào tối ngày 8/4/2010 (24 tháng Hai âm lịch), lễ hội Sóng nước Tam Giang tại huyện Quảng Điền vào ngày 1/5 2010, giải Bóng đá bãi biển toàn quốc lần thứ hai tại bãi biển Thuận An, huyện Phú Vang từ 1/ 6 đến 7/6...

Bên cạnh chương trình chính, chương trình nghệ thuật đường phố phong phú, đa dạng hơn các festival trước với sự hưởng ứng tham gia tích cực của các đoàn nghệ thuật quốc tế và một số tỉnh thành trong cả nước được gọi là những hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng (off) rất sôi nổi, hào hứng mà đông đảo nhất là nghệ sĩ ba thành phố kết nghĩa Huế - Hà Nội - Sài Gòn. Loại hình được nở rộ nhất trong Festival Huế 2010 là trên 30 cuộc giới thiệu nghệ thuật sắp đặt, trưng bày triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả trong ngoài nước. Phải nói đây là một “đại yến” của ngành nghệ thuật tạo hình, và có lẽ cũng vì quá nhiều cuộc như thế lại bị trùng thời gian nên trong một số buổi khai mạc phòng trưng bày khách tham dự không đông như tác giả mong đợi.

Đang là mùa Hạ, cùng với sen Huế đang khoe sắc, trao hương và 7 đài sen hồng trên sông Hương, trước Phu Văn Lâu được thiết kế từ lễ Phật Đản 2554, festival lần này sen cũng được mùa trong nghệ thuật. Cùng với chủ đề sen là cuộc triển lãm tranh 64 tự thức Bông sen của Quỳnh Bích Châu và 3 cuộc triển lãm trên cùng một con đường Lê Lợi: Sen của nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ, Duyên Sen của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích, tranh thêu tay Đóa sen 1.000 năm của Thêu XQ. Qua sự kiện này cho thấy sen đáng yêu biết mấy trên kinh thành Huế!

Festival thơ Huế lần thứ tư (2010) không tổ chức trước Festival Huế mấy ngày như mọi lần mà được lồng ghép trong thời gian festival được tiến hành. Đây là cuộc gặp gỡ đông vui, thân tình đậm đà hương thơ của các nhà thơ từ nhiều tỉnh thành phố trong cả nước. Người dân Huế có thêm cơ hội để thưởng thức các giọng điệu thơ từ nhiều miền, nhiều xứ của các nhà thơ đương đại. Hai tập thơ Thơ tình xứ Huế,1.000 nhà thơ xứ Huế đương thời (tập 3) được giới thiệu đúng trong dịp này đã góp thêm phần trữ tình, sâu lắng để cộng hưởng với không khí đa sắc, đa thanh trong mùa lễ hội.

Khác với các lễ hội trước, Festival Huế 2010 không chỉ được diễn ra trên địa bàn thành phố Huế mà ban tổ chức đã quan tâm phân bố chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài nước về thị xã Hương Thủy, làng Phước Tích (Phong Điền), thị trấn Hương Trà, thị trấn Sịa (Quảng Điền), thị trấn Thuận An, thị trấn Phú Đa (Phú Vang), xã Thủy Thanh (Hương Thủy), thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), thị trấn Nam Đông, thị trấn A Lưới. Với chủ trương mở rộng vùng miền ở các huyện lỵ, nông thôn cho các hoạt động nghệ thuật trong khuôn khổ Festival Huế 2010 đã được người dân Thừa Thiên Huế đồng tình, phấn khích, hoanh nghênh. Việc Sébastien Laval nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp từ năm 1993, hiện đang sống tại thành phố Poitiers, Pháp mở cuộc triển lãm ảnh người dân tộc Kơ Tu ở nhà văn hóa thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông đã gây một ấn tượng tốt đẹp với bà con tại đây vốn là những “người mẫu” của các tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày.


Lễ hội Áo dài "Vọng thiên nhiên"
Festival Khoa học Y học với sức khỏe cộng đồng của trường Đại học Y khoa Huế cũng là một điểm nhấn mới trong mùa lễ hội. Sự tích cực hưởng ứng này rất đáng trân trọng, phát huy nhằm tăng cường thêm các nội dung khoa học có liên quan mật thiết đến đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất của nhân dân trước những vấn đề bức thiết của xã hội. Các hội thảo khoa học, tọa đàm như: Hội thảo Kinh đô xưa và nay của 5 Hội Văn học Nghệ thuật ở 5 cố đô Huế, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Thọ; tọa đàm Thơ đến từ đâu thuộc khuôn khổ Festival Thơ Huế lần thứ tư (2010), Giao lưu giới thiệu Nhà xuất bản Tinh Hoa; Tọa đàm, giới thiệu về nghề truyền thống Huế… được thực hiện trong Festival Huế 2010 là những sự đồng cảm, đồng tình cao góp phần tăng thêm chất lượng nội dung cũng như chiều sâu văn hóa lễ hội.

Ngoài những chương trình hoạt động cộng đồng hưởng ứng Festival Huế 2010 được ban tổ chức chính thức thông tin đến công chúng, trong mạch ngầm của Huế vẫn còn một số chương trình hưởng ứng lặng lẽ đáng trân trọng như chương trình biểu diễn ca Huế tại trung tâm Liễu Quán vào tối 7/6/2010 của các trẻ em khiếm thị của Trung tâm hướng nghiệp trẻ em mù Thừa Thiên Huế hay một số chương trình thơ, ca Huế diễn ra tại các thính phòng của những ngôi nhà Huế đón bạn bè, thân hữu muôn phương hay những người con xứ Huế xa quê lâu ngày về hòa âm, hòa điệu cùng Huế trong mùa lễ hội.

Huế cố đô với tôi trong những ngày này đang trẻ hơn, năng động hơn với nhiều nụ cười thân thiện, hiếu khách. Hy vọng các mùa sau, không khí lễ hội càng khởi sắc hơn với các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng và chính mỗi người dân Huế sẽ vừa là diễn viên, vừa là khán giả luôn không ngừng khát vọng sống, cống hiến, sáng tạo và xứng đáng được hưởng thụ các giá trị tinh thần và vật chất từ cuộc sống, từ lễ hội.

Bài 2: Dạ, Huế Festival

Võ Quê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm