03/06/2022 06:27 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc chuyển giao Chelsea cho một nhóm các nhà đầu tư mà đứng đầu là tỉ phú Todd Boehly đã đánh dấu sự kết thúc của triều đại 19 năm ở Stamford Bridge của Roman Abramovich. Tuy vậy, những gì tỉ phú người Nga để lại cho The Blues và thậm chí là Premier League là rất lớn.
Hầu như không ai trong làng bóng đá từng nghe nói về Abramovich trước khi ông mua lại Chelsea vào năm 2003, nhưng ông đã trở thành chủ sở hữu thành công và gây tranh cãi nhất trong hai thập kỷ qua trước khi chính phủ Anh buộc ông phải bán The Blues vì mối liên hệ của ông với Tổng thống Vladimir Putin.
Abramovich đã chi hơn 2 tỉ bảng để ký hợp đồng với cầu thủ và 90 triệu bảng khác để thuê và sa thải HLV khi có tổng cộng 13 người ở 15 giai đoạn khác nhau đến và đi. Điều quan trọng là nếu trước đây, Chelsea hiếm hoi giành được các danh hiệu - chức vô địch giải hạng Nhất năm 1955, UEFA Cup 1971 và 3 FA Cup từ năm 1970 đến năm 2000 - thì Abramovich đã biến họ thành thế lực mới của bóng đá Anh. Với 5 chức vô địch Premier League, 5 FA Cup, 3 League Cup, 2 Champions League, 2 Europa League, 2 Community Shield, 1 Siêu cúp châu Âu và cuối cùng là Club World Cup hồi tháng 2, sự đầu tư và giám sát của ông đã giúp biến Chelsea thành một đội bóng hàng đầu không chỉ ở Anh mà còn của châu Âu. Vì thế, khi một tập đoàn do chủ sở hữu của Los Angeles Dodgers, Todd Boehly, hoàn tất việc mua lại Chelsea với giá 4,25 tỉ bảng, tất cả đều tự hỏi di sản mà Abramovich để lại, cho cả Chelsea và Premier League là những gì?
Ảnh hưởng của Abramovich đối với Chelsea
Khi Abramovich quyết định mua một đội bóng Anh vào năm 2003, ông và các cố vấn đã đưa ra danh sách rút gọn gồm 5 câu lạc bộ: MU, Tottenham, Chelsea, Arsenal và Liverpool. Một nguồn tin thân cận với Abramovich vào thời điểm đó cho biết họ đã có liên hệ với chủ tịch Daniel Levy của Tottenham, trong khi Arsenal thông báo rằng họ không bán. Liverpool đã bị loại và mức giá chào bán của MU được cho là quá cao với 500 triệu bảng. Tuy vậy, Abramovich đã có ý định ở London, đặc biệt vì ông đã sở hữu bất động sản ở Knightsbridge, một trong những khu vực giàu có nhất của thành phố.
Chelsea lúc đó ở trong tình trạng dễ bị tổn thương. Giám đốc điều hành khi đấy là Trevor Birch đã nói với các cầu thủ trước trận đấu cuối cùng của mùa giải 2002-03 rằng chiến thắng là điều cần thiết để giúp CLB tránh bị khủng hoảng tài chính. Cầu thủ chạy cánh người Đan Mạch Jesper Gronkjaer đã ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Liverpool và đảm bảo suất dự Champions League với vị trí thứ 4. 6 tuần sau, Abramovich mua CLB với giá 140 triệu bảng và ngay lập tức chi tiền cho những cầu thủ hàng đầu để thu hẹp khoảng cách với MU và Arsenal.
"Bàn thắng của Gronkjaer có lẽ là bàn thắng quan trọng nhất trong lịch sử của Chelsea", Kieran Maguire, tác giả cuốn "Cái giá của bóng đá", cho biết. "Liệu Abramovich có mua CLB mà không có suất tham dự Champions League hay không là câu hỏi nhưng điều đó chắc chắn đã giúp thỏa thuận thành công. Tổng chi tiêu ở Premier League mùa 2002-03 là 187 triệu bảng. Mùa 2003-04, con số này tăng gấp đôi lên 390 triệu bảng. Abramovich là nhân tố góp phần không chỉ vào việc tăng lượng mua cầu thủ mà còn giúp mặt bằng lương tăng".
Nhờ đó, trong khi tỉ phú người Nga dần được người hâm mộ Stamford Bridge yêu quý, ông cũng kéo theo dòng tiền đầu tư từ Nga vào Anh, đặc biệt là London, nơi những ngôi nhà sang trọng nhất của thủ đô được các nhà tài phiệt và doanh nhân mua lại. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói cho đến thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và hệ quả như tất cả đều thấy, Abramovich buộc phải tuyên bố bán Chelsea vì những liên quan của ông với Putin, dù ông luôn phủ nhận.
Do vậy, những tranh cãi đã theo Abramovich đến tận cùng. Một trong những điểm mấu chốt cuối cùng trong cuộc mua bán là điều gì sẽ xảy ra với số tiền thu được. Giá thầu do Boehly dẫn đầu được chia nhỏ thành giá bán 2,5 tỉ bảng với cam kết đầu tư thêm 1,75 tỉ bảng trong thập kỷ tới. Chính phủ Anh kiên quyết rằng 2,5 tỉ bảng phải được kí quỹ và sau đó được phân phối cho các nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine. Đại diện của Abramovich thì lặp lại tuyên bố rằng ông chưa bao giờ tìm cách đòi lại khoản nợ 1,6 tỉ bảng mà công ty mẹ của Chelsea nợ ông.
Sau cùng thì trong tuyên bố chia tay vào cuối tuần trước, Abramovich coi việc đóng góp từ thiện như một hành động cuối cùng trong 19 năm gắn bó với Chelsea. "Đó là một vinh dự trong cuộc đời được trở thành một phần của CLB này - tôi muốn cảm ơn tất cả các cầu thủ, nhân viên trong quá khứ và hiện tại của CLB, và tất nhiên là những người hâm mộ trong những năm đáng kinh ngạc này", Abramovich nói. "Tôi tự hào rằng nhờ những thành công chung của chúng ta, hàng triệu người giờ đây sẽ được hưởng lợi từ quỹ từ thiện mới đang được thành lập. Đây là di sản mà chúng ta đã cùng nhau tạo ra".
Ảnh hưởng của Abramovich đối với Premier League
Năm 2003, MU và Arsenal đã giành được 10 trong số 11 danh hiệu giữa họ kể từ khi Premier League ra đời vào năm 1992 và họ cũng đã chứng kiến một đội bóng chi tiêu lớn khác đe dọa quyền sự độc quyền của họ trong một thời gian ngắn. Đó là Blackburn của tỉ phú Jack Walker. Walker đã chi rất mạnh tay: Đưa về cựu huyền thoại Liverpool là Kenny Dalglish làm HLV, phá kỉ lục chuyển nhượng của Anh để kí hợp đồng với tiền đạo Alan Shearer với giá 3,6 triệu bảng. Blackburn sau đó vô địch Premier League năm 1995, nhưng thành công đó không kéo dài khi Walker qua đời vào năm 2000 và gia đình ông dần rút tiền tài trợ. Blackburn rơi xuống các hạng đấu thấp như League One trước khi ổn định ở Championship như ngày nay.
Arsenal và MU tìm thấy thành công về mặt tài chính của họ theo cách thông thường vào thời điểm đó: Thu nhập từ phát sóng, doanh thu trong ngày thi đấu và hoạt động thương mại là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư vào đội hình. Còn Chelsea, họ phá vỡ sự nhạy cảm về tài chính này gần như chỉ sau một đêm.
Mãi 7 năm sau khi Abramovich đến, UEFA mới chấp thuận giới thiệu luật công bằng tài chính, một hệ thống được thiết kế để ngăn các đội đi đường tắt đến vị trí hàng đầu châu Âu, hạn chế tiền lương theo tỉ lệ phần trăm chi tiêu và giới hạn lỗ trong thời gian nhiều năm. Sau cùng thì những tranh cãi về nguồn gốc của sự giàu có của Abramovich cũng đã gây ra các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về việc liệu Premier League có nên nghiêm ngặt hơn trong kiểm tra lý lịch đối với các chủ sở hữu mới hay không. Chẳng hạn như cuộc chuyển giao quyền lực tại Newcastle vào năm 2021 do Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia tài trợ đã được giám sát chặt chẽ khi chính phủ Anh tiến hành bổ nhiệm một cơ quan quản lý độc lập trong bóng đá với quyền hạn sâu rộng nhưng chưa được xác định.
Nói ngắn gọn, Abramovich đã gây ra cơn địa chấn cho bóng đá Anh. Sự theo đuổi vinh quang không ngừng nghỉ của ông được hậu thuẫn bởi phương pháp tài chính mạnh mẽ nhất hiện có, đứng ở vị trí tiên phong cho sự phát triển của Premier League. Nó buộc những người khác phải tái đầu tư số tiền mà Premier League đã tạo ra thông qua quyền phát sóng vào những cầu thủ giỏi hơn, thay đổi mô hình kinh doanh của họ tới mức độ rủi ro cao hơn là tốt hơn hoặc tệ hơn.
Abramovich kết thúc thời gian là chủ sở hữu Chelsea bằng một cuộc sống xa nước Anh nhưng ngay cả vậy, người hâm mộ The Blues và ở Premier League vẫn sẽ nhớ đến ông như người đã làm thay đổi bộ mặt bóng đá xứ sở sương mù trong gần 20 năm qua.
Mạnh Hào (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất