(TT&VH Online) - Theo bảng xếp hạng mới nhất của tạp chí Forbes, có 7 phần mềm được đánh giá thuộc diện bị hacker tấn công nhiều nhất. Trong đó, đáng chú ý nhất là Adobe Reader đứng đầu bảng danh sách này.
1. Adobe Reader
Thuộc top những phần mềm cần thiết nhất trên thế giới nhưng cũng thật đen đủi cho Adobe Reader khi phần mềm này được bọn tin tặc “nhăm nhe” liên tục. Thống kê của Forbes đã cho thấy Adobe Reader là miếng bánh ngon thế nào. 45 lỗ hổng trong Adobe Reader đã được phát hiện trong năm 2009. Trong khi đó, năm 2008 chỉ phát hiện được 14 lỗ hổng và 7 lỗ hổng trong năm 2007.
2. Internet Explorer (IE)
Vị trí Á quân không có gì bất ngờ khi thuộc về IE của Microsoft. 30 lỗ hổng trong IE là con số các hãng bảo mật đã phát hiện được. Tuy nhiên, năm 2009 cũng chỉ ngang bằng số lỗ hổng bị phát hiện trong năm 2008 và giảm mạnh so với năm 2007 là 49 lỗ hổng nguy hiểm.
3. Mozilla Firefox
Đứng ở vị trí thứ ba chắc hãng Mozilla không mấy vui vẻ vì trình duyệt con cưng của mình bị nhòm ngó không kém tiền bối IE. 102 lỗ hổng trong Firefox cũng đủ cho thấy FF được “ưa chuộng” cỡ nào, tăng 12 lỗ hổng so với con số 90 lỗ hổng bị phát hiện trong năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến sức hấp dẫn của trình duyệt cáo lửa này có lẽ không cần phải bàn quá nhiều vì nó hiện đang nằm trong top những trình duyệt được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
4. Adobe Flash
Adobe có vẻ như kém may mắn trong năm 2009 khi liên tiếp lọt top bị tấn công nhiều nhất. Năm nay, có 11 lỗ hổng bị phát hiện trong Adobe Flash, giảm so với năm ngoái (19 lỗ hổng). Tuy nhiên,liên tiếp những thông tin từ các hãng bảo mật cảnh báo và giờ là bản thống kê từ Forbes chắc chắn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công việc làm ăn của hãng Adobe.
5. Apple Quicktime
Phần mềm đa phương tiện Quicktime theo thống kê thực tế không tăng so với năm ngoái khi chỉ có 26 lỗ hổng bị phát hiện trong khi năm 2008 phát hiện đến 36 lỗi. Tuy nhiên, vẫn nhiều hơn gấp nhiều lần số lỗi bị phát hiện trong Windows Media Player (chỉ có 3 lỗ hổng).
6. Microsoft Office
41 lỗ hổng đã được iDefence phát hiện trong Microsoft Office, giảm so với con số 44 của năm ngoái. Đây là con số không kém nhiều so với năm 2008 nhưng cũng phần nào đánh giá được sự hấp dẫn ở phần mềm có độ phổ quát cực rộng trên thế giới với bọn tin tặc như thế nào.
7. Windows
Năm 2009 có thể nói là một năm kém may mắn khi hệ điều hành Windows của Microsoft khi xuất hiện khắc tinh là sâu Conficker. Loại sâu này đã lây nhiễm khoảng 7 triệu máy tính tính đến tháng 10 và gần như không có khả năng tiêu diệt chúng. So với các hệ điều hành mã nguồn mở khác, hệ điều hành Windows của Microsoft được chăm sóc khá đặc biệt vì độ phổ biến là rộng hơn nhiều với thị phần cực lớn.
Vũ Ngọc (Theo Forbes)