08h00 ngày 26/6, Mỹ - Mexico: Sự cô đơn của giấc mơ Mỹ

25/06/2011 11:43 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH)- Bóng đá là môn thể thao Vua, nhưng ở Mỹ, nó vẫn phải xếp sau bóng chày, bóng rổ. Và đó vẫn chưa phải là nghịch lý lớn nhất: Trên Rose Bowl sáng mai, trên chính sân nhà, Mỹ có thể sẽ phải thi đấu với tâm thế của một… đội khách, trước đối thủ lớn nhất của họ trong lịch sử Cúp Vàng CONCACAF, và cũng là đối thủ đáng ghét nhất.

Đáng ghét nhất, vì Mexico đã đánh bại Mỹ một cách áp đảo trong 3/4 trận chung kết đã qua giữa hai đội (hiệu số lên đến 15-2), và ở kỳ Cúp Vàng gần nhất cách đây hai năm, đội bóng xứ cờ hoa đã thất thủ 5 bàn không gỡ. Đáng ghét nhất, còn bởi vì ngay cả khi người Mỹ đã đăng cai toàn bộ 11 kỳ Cúp Vàng trong lịch sử, thì cho đến tận bây giờ, họ vẫn phải chấp nhận một sự thật: Các khán đài chật kín sân nhất không thuộc về các trận có đội Mỹ thi đấu, mà là của… Mexico.

Hãy coi chừng nghị lực của người Mỹ!- Ảnh Getty

Đội bóng “Ba màu” luôn thu hút khán giả, dù là tới Mỹ chỉ để đá giao hữu, và ở các kỳ Cúp Vàng CONCACAF, họ cũng tạo nên sức hấp dẫn kỷ lục. Có đến 80108 CĐV ở Dallas đã đến xem Mexico đá trận mở màn với El Salvador. 62 nghìn người ở Chicago đã xem họ đánh bại Costa Rica ở vòng bảng, 78807 người có mặt khi Mexico hạ Guatemala ở tứ kết, và trong trận khổ chiến trước Honduras, Mexico hẳn cũng “mát lòng mát dạ”, khi nhìn lên khán đài và thấy một biển người, với hơn 7 vạn người. Lượng khán giả đều đặn và đông đảo như thế, ngay cả đội chủ nhà Mỹ cũng không có được.

Và Mexico không bao giờ cảm thấy cô đơn, trên mảnh đất của kẻ “tử địch”. Sự kiện họ đến Mỹ cũng có thể được so sánh với việc David Beckham đến với giải VĐQG Mỹ cách đây bốn năm. Trận đấu đầu tiên của Becks ở MLS đã thu hút được tổng cộng hơn 66 nghìn người đến sân Giants, một cái sân mà trước đó, chỉ thu về trung bình hơn 11 nghìn lượt khán giả mỗi trận. Và đó là trận đấu có số khán giả đông chỉ xếp thứ hai trong lịch sử của giải MLS.

Những người Mỹ cô đơn

Mỹ là một trong những quốc gia đa chủng tộc nhất trên Thế giới, và vì bóng đá không phải là môn thể thao Vua ở mảnh đất này, nó khó có thể đóng vai trò kết nối. Một cách tự nhiên, bóng đá Mỹ tồn tại dưới con mắt ghẻ lạnh của công chúng: Vòng chung kết World Cup 1994 tại Mỹ vẫn được ghi nhận là giải đấu Cúp thế giới có số khán giả ít nhất trong lịch sử, với chỉ 3.59 triệu khán giả. Thậm chí, không nhiều người đến sân để cổ vũ cho đội tuyển Mỹ, mà là để động viên… đối thủ của họ, Tổ quốc thật sự của những người nhập cư vào Mỹ.

“Cơn sốt” Beckham hay Mexico một phần xuất phát từ lý do ấy, và một phần đến từ sự hiếu kỳ của những người Mỹ không cho rằng Cúp Vàng CONCACAF là nơi mà họ thể hiện tình yêu với đội tuyển Mỹ. Chỉ có những người ở trên sân là cô đơn. Khi đội Mỹ khởi đầu trầy trật, báo chí nước này công kích, dè bỉu các ngôi sao, đòi sa thải HLV Bob Bradley… Ở chiều ngược lại, như đã nói, họ đã chào đón Mexico, đối thủ đáng ra phải tạo nên một sự căm ghét tự nhiên với các khán giả Mỹ, một cách nồng nhiệt hơn cả mong đợi.

Nhưng bóng đá Mỹ vốn đã quá quen với sự ghẻ lạnh ấy trong hai thập kỷ qua, và thật kỳ lạ là một mảnh đất không được tình yêu tưới tắm lại có thể trở nên màu mỡ như thế: Đội tuyển Mỹ đã không vắng mặt trong 6 kỳ World Cup liên tiếp, và đây là trận chung kết thứ Tư liên tiêp của họ trong lịch sử của họ ở Cúp Vàng CONCACAF. Các ngôi sao của họ, vốn không mấy lấp lánh ở Mỹ, lại tỏa đi khắp châu Âu, và tạo dựng tiếng vang không nhỏ.

Cách họ tiến vào chung kết ở giải đấu năm nay cũng gợi một sự lì lợm đáng nể trước sức ép, và cả sự cô đơn đã phải chịu đựng trong một thời gian rất dài. Trái ngược với diện mạo khắc khổ của người Mỹ, là những chiến thắng kiểu “tàn sát” của Mexico. Trái ngược với một Clint Dempsey cần cù và giàu nghị lực, là một Chicharito bùng nổ, và đi đến chung kết với rất nhiều lời tán tụng rơi dưới chân.

Mỹ là như thế đấy, và cho dù người Mexico đã tạo ra một nghịch lý ngay trên đất Mỹ, thì việc họ khuất phục được nghị lực của đội bóng này, vẫn sẽ không hề đơn giản.

Dự đoán: 1-1 (Mỹ thắng trong hiệp phụ)

Ban Cầm

Đội hình dự kiến

Mỹ: Howard - Cherundolo, Goodson, Bocanegra, Lichaj - Kljestan, Bradley, Jones, Dempsey – Bedoya, Agudelo

Mexico: Talavera - Márquez, Salcido, Moreno, Juárez - Torrado, Castro, Barrera, Dos Santos - De Nigris, Chicharito.

Con số

9 Đó là tổng số lần vô địch của Mỹ và Mexico, hiện là hai đội có số lần đăng quang nhiều nhất trong lịch sử Cúp Vàng CONCACAF, với 5 chiếc Cúp cho Mexico, và 4 cho đội tuyển Mỹ

11 Mexico đang sở hữu hai chân sút hay nhất của Cúp Vàng CONCACAF vào thời điểm này: Chicharito, hiện đang dẫn đầu danh sách với 7 bàn, và ngay sau anh là tiền đạo De Nigris, người có 4 bàn. Người ghi nhiều bàn thắng nhất bên phía Mỹ là Clint Dempsey mới chỉ lập công 3 lần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm